Đảng uỷ Nghĩa Bình tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế

08:07, 01/07/2011

Những năm qua, Đảng bộ xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) luôn khẳng định vai trò lãnh đạo trên tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, chủ trương chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp do Đảng uỷ xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đang mang lại hiệu quả cao, làm thay đổi căn bản đời sống kinh tế - xã hội địa phương, tạo nền tảng vững chắc trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của xã… 

Xã Nghĩa Bình là địa phương có nhiều lợi thế phát triển sản xuất nông nghiệp, với 348ha đất canh tác được phù sa sông Ninh Cơ bồi đắp, dân số của xã chỉ có hơn 5.000 khẩu nên bình quân đất canh tác khá cao, đạt 2 sào/người. Trước đây, hầu hết diện tích đất canh tác độc canh cây lúa và trồng cói ở khu đất bãi ven sông nên mặc dù năng suất lúa của xã có thời điểm đạt cao nhất, trên 130 tạ/ha/năm, nhưng đời sống của người nông dân vẫn khó khăn bởi chỉ trông vào hạt thóc. Đồng chí Hà Quang Thưởng, Bí thư Đảng uỷ xã Nghĩa Bình cho biết: Để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, từ đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2000-2005 đã ra nghị quyết, phải chuyển đổi phương thức, tập quán canh tác, đa dạng hoá các hình thức sản xuất và được BCH Đảng bộ xã và các nhiệm kỳ kế tiếp kiên trì tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Người nông dân đã từng bước phá thế độc canh cây lúa, đưa rau màu vào sản xuất trên đất hai vụ lúa, phát triển nuôi trồng thuỷ sản, nhân rộng các mô hình nuôi trồng thuỷ sản đạt hiệu quả kinh tế cao. Diện tích rau màu trên đất hai vụ lúa của xã không ngừng tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng. Trong 5 năm (2005-2010), toàn xã đã trồng được hơn 398 mẫu cây hoa màu, đạt bình quân gần 80 mẫu/năm, chiếm gần 8% diện tích đất hai vụ lúa.  Ngoài mô hình 2 vụ lúa, 1 vụ màu cho thu nhập trên 80 triệu đồng/ha/năm, xã đã từng bước xây dựng mô hình 2 vụ màu, 1 vụ lúa, đạt diện tích 10,14ha, cho thu nhập hơn 180 triệu đồng/ha/năm. Để tìm “đầu ra” cho sản phẩm, Đảng uỷ xã đề ra chủ trương, chính quyền và HTXNN xây dựng cơ chế, chủ động tìm đối tác là các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như Nhà máy chế biến cà chua Hải Phòng, Cty Luveco Nam Định… vừa liên kết hỗ trợ kỹ thuật, vừa thu mua nông sản cho nông dân. Hiện tại, nhiều nông dân của xã Nghĩa Bình đã mua sắm được phương tiện vận chuyển, qua đó có thể đưa nông sản đi tiêu thụ ở nhiều địa phương trong cả nước… 

Cán bộ xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) hỏi thăm tình hình sản xuất của gia đình ông Phan Thanh Lịch, nông dân xóm 3, thôn Quần Phương. Ảnh: Duy Hưng
Cán bộ xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) hỏi thăm tình hình sản xuất của gia đình ông Phan Thanh Lịch, nông dân xóm 3, thôn Quần Phương.
Ảnh: Duy Hưng

Cùng với chủ trương đưa rau màu vào sản xuất trên đất 2 vụ lúa giúp nông dân địa phương nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, Đảng uỷ xã đã chỉ đạo HTXNN xây dựng quy hoạch chuyển đổi 15% diện tích đất ven làng, ven thổ trồng lúa hiệu quả thấp sang đào ao thả cá. Những năm đầu, diện tích 12ha nuôi cá đã cho hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như mô hình sản xuất của gia đình ông Phan Thanh Lịch ở xóm 3, thôn Quần Phương. Trên diện tích vườn tạp, ông Lịch đào 3 sào ao thả cá lóc bông lẫn các loại cá truyền thống, mỗi năm thu trên ba tấn cá thương phẩm. Hiện nay, giá cá lóc bông trên dưới 60 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, sau 6 tháng ông thu lãi trên 50 triệu đồng. Ngoài nuôi cá, gia đình ông có ba sào vườn trồng các loại hoa màu, đồng thời ông thuê thêm 2,7 mẫu ruộng cấy lúa, trừ chi phí và công thuê lao động mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 150 triệu đồng từ sản xuất nông nghiệp. Để giúp nông dân có thêm kinh nghiệm trong việc lựa chọn cá giống, kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ con nuôi, Đảng uỷ xã chỉ đạo Ban nông nghiệp xã, HTXNN phối hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư của huyện mở các lớp tập huấn cho các gia đình tham gia chuyển đổi sản xuất. Nhờ đó, bà con đều làm chủ được các khâu kỹ thuật. Ngay tại xã, các dịch vụ cung ứng giống, thức ăn, bao tiêu sản phẩm cũng rất phát triển nên hoạt động nuôi trồng thuỷ sản của bà con rất thuận tiện, khép kín. Hiện toàn xã có gần 45 hộ nuôi cá lóc bông, nhiều gia đình có diện tích nuôi hàng héc-ta. Từ năm 2009, Đảng uỷ xã tiếp tục chỉ đạo xây dựng, thực hiện đề án chuyển đổi hai khu vực Nam Phong và Thanh Hương thành vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với tổng diện tích 52ha, đến nay, đã thi công giai đoạn I với hệ thống đường bê tông bao quanh khu vực sản xuất trị giá 845 triệu đồng, hiện đang thi công giai đoạn II cải tạo hệ thống thuỷ lợi. Bên cạnh đó, Đảng uỷ xã cũng đang chỉ đạo Ban nông nghiệp xã, HTXNN hướng dẫn bà con nông dân khai thác hiệu quả khu vực bãi ven sông Ninh Cơ để nuôi thuỷ sản. Đến nay, diện tích đất bãi được cải tạo nuôi thuỷ sản hơn 90ha, mang lại nguồn thu lớn cho nhiều hộ nông dân. Cùng với mô hình đào ao, thả cá, xã Nghĩa Bình hiện có gần 60 hộ phát triển kinh tế theo mô hình trang trại tổng hợp, trong đó mô hình nuôi nhím hiện đang phát triển với 20 hộ tham gia. Trong tương lai, cùng với con cá, nhím sẽ là con nuôi làm giàu cho nông dân địa phương. Đồng chí Bùi Văn Kiên, Phó Bí thư Đảng uỷ xã cho biết, đi đầu tham gia các hoạt động chuyển đổi sản xuất ở địa phương và chuyển đổi thành công chính là gia đình các cán bộ, đảng viên với nhiều mô hình sản xuất cho giá trị thu nhập cao. Điển hình như gia đình ông Trần Mạnh Thiêm, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã hiện có 2ha ao thả cá, bình quân mỗi năm thu trên dưới 20 tấn cá thương phẩm, lãi hàng trăm triệu đồng. Người đầu tiên đưa nghề nuôi nhím về Nghĩa Bình là gia đình ông Bùi Văn Tiến, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã. Từ nuôi nhím, mỗi năm gia đình ông Tiến có thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng. Việc các gia đình cán bộ, đảng viên trong xã tích cực tham gia chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp không chỉ thể hiện tính tiên phong, gương mẫu trong việc thực hiện chủ trương của Đảng bộ xã mà còn có tác dụng động viên, khích lệ nhân dân địa phương cùng tham gia. Những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn dưới 7%... Kinh tế phát triển, nhân dân trong xã có điều kiện đóng góp hàng tỷ đồng cùng ngân sách Nhà nước xây dựng, kiện toàn hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh.

Thời gian tới, dự án xây dựng Khu kinh tế Ninh Cơ, dự án xây dựng tuyến đường ven biển, dự án xây dựng Khu du lịch ven biển Đông của Chính phủ, của tỉnh được triển khai, là địa phương nằm liền kề, nhiều nội dung của các dự án sẽ được tiến hành trên địa bàn xã. Đây là cơ hội lớn để xã Nghĩa Bình phát triển toàn diện nhưng đi liền với đó là những thách thức không nhỏ. Làm gì để tận dụng, đón đầu được những cơ hội phát triển, nhất là việc xây dựng các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trước mắt là việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn sao cho phù hợp, có tầm nhìn, có tính chiến lược, tận dụng được các thời cơ, lợi thế phục vụ đắc lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn đòi hỏi năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ phải được nâng tầm, những chủ trương, quyết sách ban hành phải đúng đắn, hiệu quả. Với truyền thống đoàn kết, Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, hơn 230 đảng viên được nhân dân tin tưởng, lại có sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng của cấp uỷ cấp trên, Đảng uỷ xã Nghĩa Bình sẽ lãnh đạo nhân dân địa phương dành được những thắng lợi to lớn hơn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới./.

Văn Trọng Duy Hưng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com