Cử tri phường Quang Trung (TP Nam Định) bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
Ảnh:
Văn Trọng
|
Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nhiệm kỳ mới (khoá XIII) sắp diễn ra. Cử tri cả nước đang trông ngóng về chất lượng những đại diện mà mình đã lựa chọn.
1 - Nhìn lại nhiệm kỳ Quốc hội XII, có thể nhận thấy những tiến bộ vượt bậc trong hoạt động của cơ quan quyền lực cao nhất này: Dân chủ, thực chất hơn. Tuy nhiên, có một điều mà dư luận cử tri cả nước hết sức quan tâm là cho đến nay vẫn đang còn những bất cập trong đội ngũ cán bộ, những “công bộc” của dân. Mặc dù từ trước tới nay quy trình bổ nhiệm cán bộ, giới thiệu ứng cử viên ở nước ta rất chặt chẽ. Thế nhưng, thời gian qua, trong vận hành của bộ máy cán bộ còn những khiếm khuyết không nhỏ, đã phát sinh những lỗ hổng lớn trong trách nhiệm người cán bộ và cả bộ máy. Hàng loạt vụ việc tiêu cực có dính líu tới những quan chức cấp cao trong bộ máy Nhà nước (trong đó có người là đại biểu Quốc hội) vừa qua đã cho thấy điều đó. Biểu hiện ngày càng rõ trong bộ máy công quyền của nước ta là sự đổ lỗi, tránh trách nhiệm xuất hiện ở hầu hết mọi vụ tiêu cực bị phanh phui gần đây. Không chỉ có một Vinashin; một vụ thất thoát, tiêu cực tại một số công trình xây dựng... mà đằng sau đó là trách nhiệm của những người liên quan vẫn chưa thực sự được xử lý thích đáng. Rõ ràng, cử tri cả nước đang hết sức quan tâm đến việc chỉ rõ trách nhiệm của những người đứng đầu các bộ, ngành. Cử tri đòi hỏi, phải cụ thể trách nhiệm của từng người, từng vị trí cụ thể, phải đi đến tận gốc rễ của vấn đề. Và việc các ứng cử viên cho các chức danh cấp cao của Nhà nước nếu được trình trước Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên cuối tháng 7 này sẽ phải đăng đàn để trình bày chương trình hành động của mình (sau đó có trao đổi trực tiếp với đại biểu Quốc hội) cũng sẽ là một bước “sát hạch” công khai để từ đó chọn ra được những người có đủ tài, đức, có trách nhiệm gánh vác trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó.
2 - Bên cạnh đó, câu chuyện về công khai tài sản dường như vẫn còn khá dè dặt. Rồi vấn đề sử dụng tài sản công, áp dụng các chính sách về đất đai... cũng được cử tri đặt câu hỏi.
Bây giờ, thực tế về sự lãng phí trong sử dụng tài sản công, đất công mà báo chí nêu đã thật sự khiến người dân không an lòng. Khi mà vẫn còn không ít người dân vẫn khổ sở trong các căn nhà chật chội thì vẫn còn đây đó những dinh thự bề thế của công được những cá nhân sử dụng cho riêng mình. Câu chuyện thực ra không mới và những con người ấy không phải là những hiện tượng cá biệt. Vẫn còn đó hàng triệu mét vuông đất công không được sử dụng đúng mục đích, vẫn còn đó cả trăm biệt thự đang để xuống cấp hoặc “rơi” vào quyền sở hữu riêng của một vài ai đó (tất nhiên khó có thể là những người dân thường). Cơ chế quản lý đang biểu hiện những lỏng lẻo của mình. Và ở một chừng mực nào đó, như những trường hợp xảy ra tại Hà Nội (biệt thự bỏ hoang, hiệu quả các công trình giao thông kém...) tính thượng tôn của pháp luật đã bị xem thường. Sự lộng quyền, lạm dụng đặc quyền để thiết lập cho mình những đặc lợi không nên có đã làm vơi đi không nhỏ hình ảnh thanh khiết mà những công bộc cần có trong mắt người dân.
Đặc quyền ắt sinh đặc lợi. Nhưng hưởng thế nào, ăn đến đâu... âu cũng là vòng xoáy thử thách lòng người, thử thách cái tâm của kẻ cầm cân nảy mực, đứng trên thiên hạ.
Một kỳ họp Quốc hội mới sắp bắt đầu. Để xứng đáng là “một Quốc hội của dân, do dân, vì dân” phải bắt đầu từ những đại biểu xứng đáng là đại diện cho người dân./.
Ngọc Lý