Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực
Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản 2011 tỉnh
Ngày 27 tháng 9 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1785/QĐ-TTg về tổ chức Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản năm 2011 trên phạm vi cả nước vào thời điểm 01-7-2011 nhằm thu thập thông tin cơ bản về nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản phục vụ việc đánh giá thực trạng và xu hướng phát triển của nông thôn; thiết lập căn cứ để làm cơ sở xây dựng kế hoạch, hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn tới và mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Đối tượng Cuộc Tổng điều tra: Các hộ ở nông thôn; các hộ nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản ở thành thị; các trang trại theo tiêu chí quy định của Bộ NN-PTNT; các UBND xã.
Nội dung điều tra bao gồm: Các thông tin về thực trạng nền sản xuất khu vực nông nghiệp; thông tin về nông thôn và dân cư nông thôn; thông tin phục vụ nghiên cứu về giới trong khu vực nông nghiệp và nông thôn.
Thời điểm điều tra là ngày 01-7-2011. Thời gian thu thập thông tin bắt đầu từ ngày 01-7-2011 và kết thúc chậm nhất vào ngày 15-7-2011 đối với đơn vị điều tra toàn bộ, ngày 30-7-2011 đối với các đơn vị điều tra mẫu.
Triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Nam Định đã tổ chức thực hiện hoàn thành công tác chuẩn bị theo đúng tiến độ và kế hoạch của Trung ương. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp từ tỉnh đến các xã, thị trấn đã được thành lập và khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ chuẩn bị cho Tổng điều tra. Ban Chỉ đạo tỉnh gồm 9 thành viên do đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; Cục trưởng Cục Thống kê làm Phó Trưởng ban thường trực; các uỷ viên là lãnh đạo của các ngành: NN-PTNT, KH-ĐT, Tài chính, TN-MT, TT-TT, Hội Nông dân.
Nuôi tôm sú tại xã Hải Chính (Hải Hậu).
Ảnh:
Huy Hùng
|
Trong thời gian qua, các ngành chức năng, các địa phương đã làm tốt công tác chuẩn bị cho Cuộc Tổng điều tra. Đến ngày 20-4-2011, các huyện, thành phố đã hoàn thành việc tổ chức hội nghị triển khai Quyết định 1785/QĐ-TTg ngày 27-9-2010 của Thủ tướng Chính phủ, phương án Tổng điều tra của Ban Chỉ đạo Trung ương tới các xã, thị trấn. Công tác lập bảng kê các đơn vị điều tra đã hoàn thành trước ngày 10-5-2011. Kết quả toàn tỉnh có 3.205 địa bàn điều tra toàn bộ với 485 ngàn hộ điều tra, 1.380 hộ điều tra mẫu, 322 trang trại, 194 UBND xã. Trong tháng 5, các địa phương đã tuyển chọn đủ cán bộ tham gia công tác điều tra với 4.060 cán bộ tham gia điều tra, trong đó có 3.863 điều tra viên và tổ trưởng điều tra phiếu toàn bộ, 197 điều tra viên điều tra các loại phiếu khác. Bên cạnh lực lượng điều tra trực tiếp, toàn tỉnh còn huy động 1.500 cán bộ là thành viên Ban Chỉ đạo, tổ thường trực giúp việc các cấp tham gia chỉ đạo và giám sát thực hiện các khâu công việc của Cuộc Tổng điều tra ở cơ sở. Đến ngày 25-6-2011, toàn tỉnh đã hoàn thành công tác tập huấn nghiệp vụ cho 4.500 cán bộ tham gia chỉ đạo, trực tiếp điều tra với 68 lớp tập huấn, thời gian 2 ngày/lớp. Công tác tuyên truyền đã được Ban Chỉ đạo các cấp quan tâm thực hiện nhằm động viên, khuyến khích các đối tượng điều tra thực hiện tốt nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin theo yêu cầu của Cuộc Tổng điều tra. Ban Chỉ đạo tỉnh đã chuyển tới các huyện, thành phố phân bổ cho các xã, thị trấn 250 đĩa CD Audio tuyên truyền, hỏi đáp về Tổng điều tra, 1.200 lôgô và 3.200 khẩu hiệu tuyên truyền cho Tổng điều tra. Ngoài ra, công tác hậu cần đã được triển khai thực hiện kịp thời bảo đảm phục vụ tốt cho Cuộc Tổng điều tra như: Tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, phiếu điều tra, các loại biểu mẫu, văn phòng phẩm,...
Để thực hiện thắng lợi Cuộc Tổng điều tra trên địa bàn tỉnh, thời gian tới các địa phương cần tập trung thực hiện các công việc chủ yếu sau:
1. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp bám sát kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương, của tỉnh để triển khai thực hiện các khâu công việc theo đúng quy trình và kế hoạch đề ra.
2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho Tổng điều tra ở tất cả các cấp, với các hình thức đa dạng, phong phú như hoàn thành các băng rôn, dán các biểu tượng lôgô, panô, khẩu hiệu tại trụ sở, các nơi công cộng... Tổ chức phát trên Đài Truyền hình tỉnh, Đài Phát thanh huyện, xã các loại đĩa hỏi đáp, các bài viết về Tổng điều tra.
3. Tổ chức kiểm tra các khâu công việc chuẩn bị trước thời điểm Tổng điều tra 01-7-2011: Bố trí lực lượng điều tra viên, tổ trưởng điều tra tại các địa bàn; phân công lực lượng giám sát kiểm tra; chuyển phiếu điều tra và các loại văn phòng phẩm phục vụ cho công tác điều tra tới cán bộ tham gia điều tra.
4. Triển khai thực hiện tốt công tác điều tra thực tế đồng loạt trong toàn tỉnh từ ngày 01-7-2011, phấn đấu hoàn thành các đơn vị điều tra toàn bộ trước ngày 15-7-2011 và các đơn vị điều tra mẫu trước ngày 30-7-2011.
5. Công tác kiểm tra giám sát các khâu công việc, nhất là thu thập số liệu ở cơ sở phải được Ban Chỉ đạo các cấp tiến hành thường xuyên chặt chẽ ở tất cả các địa bàn, các điều tra viên nhằm kịp thời phát hiện những vướng mắc nảy sinh và uốn nắn các tồn tại hạn chế để nâng cao chất lượng điều tra.
Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản năm 2011 là Cuộc Tổng điều tra quan trọng, có nội dung rộng và phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng và đơn vị khác nhau. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra tỉnh rất mong được cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân nhiệt tình hưởng ứng và tham gia tích cực để Cuộc Tổng điều tra tiến hành thuận lợi, đáp ứng cao nhất mục đích, yêu cầu đã đề ra./.