Thực hiện nghiêm nguyên tắc “tập trung, dân chủ”

08:07, 14/07/2011

Tính đến nay, cả nước có 17 huyện, quận, 580 xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm mô hình Bí thư cấp uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND. Với mong muốn tìm hiểu sau hai năm thực hiện thí điểm mô hình trên đã và đang mang lại những kết quả cũng như bộc lộ những khó khăn, vướng mắc gì, phóng viên Báo Nam Định đã có cuộc trao đổi với đồng chí Cao Đức Thiệp, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Hải Lộc (Hải Hậu) xung quanh nội dung này.

Phóng viên: Thưa đồng chí, cơ sở nào để xã Hải Lộc được Ban Thường vụ Huyện uỷ Hải Hậu chọn chỉ đạo thí điểm mô hình Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND?

Đồng chí Cao Đức Thiệp: Theo tôi được biết những địa phương được chọn thực hiện thí điểm mô hình Bí thư cấp uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND phải đáp ứng được một số tiêu chí như có điều kiện KT-XH phát triển; tình hình an ninh, chính trị ổn định; nội bộ đoàn kết, thống nhất; có cán bộ chủ chốt đủ khả năng đảm nhiệm hai chức danh trên. Tháng 9-2009, xã Hải Lộc được Ban Thường vụ Huyện uỷ Hải Hậu chọn, thực hiện thí điểm mô hình này. Tại thời điểm được lựa chọn xã Hải Lộc cơ bản đều đáp ứng được các tiêu chí trên!

Làng quê Hải Lộc (Hải Hậu) trên đường đổi mới. Ảnh: Nam Dương
Làng quê Hải Lộc (Hải Hậu) trên đường đổi mới.
Ảnh: Nam Dương

Phóng viên: Cụ thể là như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Cao Đức Thiệp: Chỉ tính hai nhiệm kỳ gần đây, Đảng bộ, nhân dân xã Hải Lộc đã thực hiện khá hiệu quả nhiều chủ trương phát triển KT-XH quan trọng của huyện và của địa phương. Cụ thể, trong sản xuất nông nghiệp, ngoài duy trì hai vụ lúa năng suất cao, thường đạt trên 130 tạ/ha/năm, Đảng uỷ xã đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả chủ trương chuyển đổi sản xuất. Trong đó, Hải Lộc hiện là một trong những địa phương dẫn đầu huyện về diện tích cây màu vụ đông trên đất 2 lúa, đạt 175,5 mẫu/năm với những cây trồng chủ lực cho hiệu quả kinh tế cao như cà chua, bí xanh, dưa chuột. Đặc biệt, xã đã chuyển đổi được gần 60ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản và trồng rau màu cho thu nhập cao gấp nhiều lần trồng lúa. Trong đó vùng chuyển đổi nuôi trồng thuỷ sản rộng hơn 25ha của xã hiện cho thu nhập khá cao. Những năm qua, thông qua quy chế dân chủ, xã đã huy động được nhiều nguồn lực từ nhân dân đóng góp cùng ngân sách Nhà nước xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng khá kiện toàn, đồng bộ. Trong đó, hệ thống giao thông của xã có tổng chiều dài 78,5km đến nay đều đã được trải nhựa, bê tông hoá. Trường tiểu học, trường mầm non, trạm y tế xã đều đã đạt chuẩn quốc gia; 11/11 xóm trong xã đều đã xây dựng được nhà văn hoá. Tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn xã luôn được giữ vững. Đảng bộ xã nhiều năm liên tục được công nhận là đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Cá nhân tôi trước khi được giao đảm nhiệm hai chức danh trên đã có hai nhiệm kỳ liên tiếp đảm nhiệm cương vị Chủ tịch UBND xã. Quá trình công tác được cấp trên đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ. Qua ba lần MTTQ xã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của nhân dân tôi đều nhận được số phiếu tín nhiệm cao… 

Phóng viên: Sau gần hai năm đảm nhiệm hai cương vị Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã, từ thực tế của địa phương và của cá nhân đồng chí thấy việc “nhất thể hoá” hai chức danh này mang lại những tác dụng gì, có khó khăn, vướng mắc nào nảy sinh?

Đồng chí Cao Đức Thiệp: Theo tôi thuận lợi là cơ bản! Trước hết chủ trương, nghị quyết của cấp ủy xã xây dựng, ban hành sát với thực tiễn hơn; các kế hoạch, nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp của chính quyền đề ra cũng bám sát chủ trương, nghị quyết hơn, tính khả thi cao hơn. Điều đó có nguyên nhân Bí thư Đảng uỷ, đồng thời là Chủ tịch UBND xã là người trực tiếp tiếp thu, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy cấp trên, trực tiếp chỉ đạo xây dựng chủ trương, nghị quyết của cấp uỷ nhưng cũng chính là người chịu trách nhiệm chỉ đạo việc triển khai tổ chức thực hiện. Nói một cách dễ hiểu mình vừa là người “thiết kế” vừa là người “thi công” nên tính khả thi, hiệu quả sẽ cao hơn. Kể từ khi áp dụng mô hình này, hoạt động của cấp uỷ, chính quyền xã Hải Lộc có nhiều điều chỉnh mới, theo hướng giảm bớt họp hành. Công tác chỉ đạo của Đảng ủy đối với UBND xã nhanh chóng, thuận lợi hơn do giảm được các bước trung gian như báo cáo, xin ý kiến. Thường trực Đảng uỷ, UBND có điều kiện dành nhiều thời gian hơn cho công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện. Khắc phục được tình trạng bao biện làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo, quản lý. Tránh được tình trạng không thống nhất giữa cấp ủy và chính quyền, giữa Bí thư Đảng uỷ với Chủ tịch UBND xã; đùn đẩy trách nhiệm, cấp ủy ra nghị quyết, chỉ thị nhưng chính quyền không thực hiện hoặc thực hiện không đến nơi đến chốn. Tính chủ động của các đồng chí phó bí thư, phó chủ tịch UBND trong thực hiện nhiệm vụ được nâng lên. Cán bộ, đảng viên trong bộ máy giúp việc cũng phát huy được tính chủ động, sáng tạo, hoạt động đồng bộ, hiệu quả hơn. Qua đó, vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp uỷ tiếp tục được khẳng định trong khi hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền địa phương được nâng lên rõ rệt. Mối quan hệ, sự phối hợp công tác giữa cán bộ thuộc UBND và cán bộ làm công tác Đảng, đoàn thể chặt chẽ hơn, góp phần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị ở địa phương. Được giao cùng lúc đảm nhiệm hai trọng trách, cá nhân tôi cũng thấy mình cần phải có trách nhiệm hơn, gương mẫu, tâm huyết với công việc hơn; phải nâng cao trình độ, kiến thức để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Gần 2 năm đảm nhiệm cương vị Bí thư, Chủ tịch UBND xã tôi chưa gặp khó khăn lớn nào. Một phần quan trọng là do các đồng chí cấp phó giúp việc đều trách nhiệm, có  kinh nghiệm công tác. Đội ngũ cán bộ, công chức xã đang dần được chuẩn hoá, hầu hết còn trẻ, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc đã hỗ trợ rất nhiều cho tôi trong công tác chỉ đạo, điều hành. Nếu có khó khăn thì đó là việc làm sao để phân bổ thời gian cho hợp lý. Do công việc của chính quyền thường rất cụ thể, đa dạng, phức tạp và đòi hỏi phải giải quyết ngay nên tôi thường phải tập trung thời gian cho công tác chính quyền nhiều hơn. Theo tôi, nếu kết hợp chặt chẽ với việc cải cách hành chính, mô hình thí điểm này sẽ mang lại nhiều lợi ích…  

Phóng viên: Những chuyển biến tích cực đó đã tác động như thế nào đến kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ, chính quyền xã trong việc thực hiện các nhiệm vụ của địa phương thời gian qua, thưa đồng chí?

Đồng chí Cao Đức Thiệp: Tôi xin đơn cử một việc! Ngay sau khi được chọn thực hiện thí điểm mô hình Bí thư cấp uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND, xã Hải Lộc tiếp tục được huyện Hải Hậu chọn chỉ đạo thực hiện thí điểm mô hình xây dựng nông thôn mới. Đây là một chủ trương, kế hoạch rất lớn và quan trọng của Đảng và Nhà nước. Việc triển khai đều được thực hiện tại cơ sở. Nếu như không nắm vững nội dung, mục đích, không có phương pháp chỉ đạo, điều hành linh hoạt, phù hợp, hiệu quả địa phương sẽ rất lúng túng khi thực hiện, không đảm bảo chất lượng, tiến độ. Tuy nhiên, với truyền thống đoàn kết, quyết tâm thực hiện hiệu quả chủ trương lớn này trên địa bàn, với những cải tiến trong công tác chỉ đạo, điều hành, phân công, phân nhiệm cụ thể, thời gian qua xã Hải Lộc đã nhanh chóng quán triệt, triển khai được nhiều công trình, phần việc cụ thể. Ngoài xây dựng, được UBND huyện phê duyệt đề án chi tiết, đến nay xã đã hoàn thành các khâu quy hoạch,  trong đó xã đã quy hoạch, hình thành vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung rộng 120ha; hình thành 3 vùng sản xuất lúa gồm 200ha đảm bảo an ninh lương thực, 100ha sản xuất lúa chất lượng cao, 100ha sản xuất lúa mùa sớm để trồng cây vụ đông trên đất 2 lúa. Xã cũng đã quy hoạch, dành 2ha đất phát triển sản xuất CN-TTCN. Ngoài hơn 300 hộ đang tham gia sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, kinh doanh dịch vụ, xã đang tập trung khôi phục lại các nghề mộc, cơ khí nhỏ nhằm tạo thêm việc làm tại chỗ cho lao động địa phương. Trong năm 2010, xã đã tiến hành khởi công xây dựng một trường THCS, tiến hành mở rộng, kiên cố hoá hệ thống đường giao thông nội đồng, quy hoạch, làm mới một bãi chôn lấp rác thải. Tổng số tiền thực hiện các công trình lên đến hơn 11 tỷ đồng... Hiện tại, Đảng uỷ, chính quyền xã đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các Đề án dồn điền đổi thửa giai đoạn 2010-2015; Đề án mở rộng sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cây vụ đông trên chân ruộng 2 lúa và phát triển trang trại nông nghiệp; Đề án đào tạo nghề, truyền nghề, giải quyết việc làm trong nông thôn giai đoạn 2010-2015; Đề án xây dựng làng nghề, chỉ đạo phát triển phong trào trồng cây cảnh theo chỉ thị của Ban Thường vụ Huyện uỷ; Đề án về nâng cao chất lượng hoạt động của nhà văn hoá xóm; Đề án tăng cường công tác quản lý nâng cao chất lượng dạy và học. Qua khảo sát, đến thời điểm hiện nay, Hải Lộc đã đạt 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới...

 Phóng viên: Có ý kiến cho rằng việc cùng lúc đảm nhiệm hai chức vụ quan trọng này dễ dẫn đến tình trạng chuyên quyền, độc đoán, có sai sót trong quá trình ra các quyết định của đồng chí Bí thư kiêm Chủ tịch UBND. Từ thực tiễn công tác của mình đồng chí thấy nhận định trên như thế nào?

Đồng chí Cao Đức Thiệp: Tôi nghĩ nếu bản thân đồng chí Bí thư cấp uỷ, Chủ tịch UBND không có nhận thức đầy đủ, không thực hiện nghiêm nguyên tắc “tập trung, dân chủ”; Đảng uỷ, HĐND, MTTQ và các đoàn thể buông lỏng chức năng kiểm tra, giám sát; bộ máy, đội ngũ cán bộ giúp việc hoạt động không hiệu quả việc đó cũng có thể xảy ra. Quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người…

Phóng viên: Đảng uỷ, chính quyền xã, bản thân đồng chí đã có những giải pháp gì để phòng ngừa?

Đồng chí Cao Đức Thiệp: Không phải sau khi thực hiện thí điểm mô hình Bí thư cấp uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND xã, Đảng uỷ, chính quyền xã Hải Lộc mới nghĩ đến và có giải pháp cho vấn đề này. Từ lâu, xã Hải Lộc đã duy trì, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, trước hết là thực hiện dân chủ trong Đảng và toàn hệ thống chính trị, coi đây vừa là phương pháp phát huy trí tuệ tập thể vừa là biện pháp ngăn chặn tình trạng độc đoán, chuyên quyền. Mọi chủ trương đều được Ban thường vụ, BCH Đảng bộ xã họp bàn, lấy ý kiến tham gia đóng góp của đảng viên ở các chi bộ. Sau khi có sự thống nhất mới ban hành và chỉ đạo triển khai. Những việc cần phải thông báo để nhân dân biết, chính quyền địa phương đều thông báo đầy đủ. Những việc nhân dân được tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến đều được tổ chức bàn bạc dân chủ, công khai từ xã đến các ban, ngành, đoàn thể và hội nghị nhân dân ở các xóm. Bên cạnh đó, chính quyền xã luôn tôn trọng quyền giám sát của nhân dân. Theo đó, ở Hải Lộc, nhân dân được giám sát, kiểm tra tất cả các công việc theo quy định. Ban thanh tra nhân dân, các tổ giám sát cộng đồng luôn được tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động, trên thực tế đều phát huy được vai trò trong việc tham gia kiểm tra, giám sát. 7 năm qua, xã Hải Lộc đã huy động gần 20 tỷ đồng, trong đó có 5,1 tỷ đồng đóng góp của nhân dân để đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng nhưng không để xảy ra sai phạm, lãng phí, đặc biệt không để xảy ra khiếu kiện. Khi thực hiện thí điểm mô hình Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND xã, Đảng bộ xã Hải Lộc xác định cần phải thực hiện tốt hơn nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện tốt hơn nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Với  vai trò là Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND xã, một mặt tôi luôn cố gắng khẳng định vai trò của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, một mặt luôn tôn trọng, tiếp thu ý kiến của tập thể thường vụ, tập thể BCH, ý kiến đóng góp của toàn thể cán bộ, đảng viên và người dân địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, góp phần xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng và phát triển KT-XH ở địa phương ngày một tốt hơn.

 Phóng viên: Cảm ơn đồng chí đã dành thời gian trao đổi. Chúc đồng chí ngày càng hoàn thành tốt hơn trọng trách Đảng bộ, nhân dân Hải Lộc giao phó!

Trần Duy Hưng (thực hiện)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com