Trong hai ngày 30-6 và 1-7, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự điều hành của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6-2011. Trong ngày làm việc đầu tiên, Chính phủ đã nghe và thảo luận: Tờ trình về Phương án điều chỉnh lương tối thiểu theo vùng cho các doanh nghiệp (DN); Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiềm chế, đẩy lùi tai nạn giao thông trên toàn quốc; báo cáo các giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tình hình hoạt động của thị trường bất động sản và đề xuất giải pháp tổ chức, quản lý...
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 6-2011. |
Ngày 1-7, Chính phủ họp phiên mở rộng trực tuyến với các địa phương về tình hình kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm, bàn giải pháp, nhiệm vụ sáu tháng cuối năm. Tại phiên họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 6 ước đạt 46,7 nghìn tỷ đồng, sáu tháng qua ước đạt 327,8 nghìn tỷ đồng, bằng 55,1% dự toán năm, tăng 22,8% so cùng kỳ năm 2010. Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP (NQ11) của Chính phủ về cắt giảm chi thường xuyên so dự toán trong những tháng còn lại của năm 2011, đến nay, theo báo cáo, tổng số tiền cắt giảm chi thường xuyên của các cơ quan, địa phương là 3.857,7 tỷ đồng. Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện rà soát, cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư theo tinh thần NQ11 trong năm 2011 là 80.550 tỷ đồng, bằng 9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2011. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện sáu tháng qua là 362 nghìn tỷ đồng, bằng 40% kế hoạch năm, giảm 7,2% so cùng kỳ năm 2010. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện sáu tháng qua ước đạt 5,3 tỷ USD, bằng 98,1% so cùng kỳ năm 2010, tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm ước đạt khoảng 5,67 tỷ USD, bằng 56,7% so cùng kỳ năm trước. Vốn ODA trong sáu tháng qua giải ngân ước đạt 1,35 tỷ USD, bằng 56,25% kế hoạch năm.
Tổng phương tiện thanh toán (M2) đến ngày 20-6 ước tăng 1,25% so tháng trước và tăng 2,45% so tháng 12-2010. Tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 0,25% so tháng trước và tăng 7,13% so cuối năm 2010. Lãi suất đang có xu hướng giảm do giá cả thị trường giảm, các cân đối và tỷ giá ngoại tệ đang đi dần vào thế ổn định. Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 6 ước đạt 7,8 tỷ USD, tính chung sáu tháng ước đạt 42,33 tỷ USD, tăng 30,3% so cùng kỳ năm 2010. Tổng kim ngạch nhập khẩu tháng 6 ước khoảng 8,2 tỷ USD, sáu tháng ước đạt 48,99 tỷ USD, tăng 25,8% so cùng kỳ năm trước. Nhập siêu tháng 6 khoảng 0,4 tỷ USD, bằng 5,1% kim ngạch xuất khẩu, là tỷ lệ nhập siêu thấp nhất trong vòng sáu tháng qua. Nhập siêu sáu tháng khoảng 6,65 tỷ USD, bằng 15,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 1,09% so tháng trước, là mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm. So tháng 12-2010, CPI tháng 6 tăng 13,29%. Tính bình quân, CPI sáu tháng qua tăng 16,03% so cùng kỳ năm 2010.
Do phải tập trung mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nên tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế sáu tháng đầu năm 2011 bị ảnh hưởng. Tốc độ tăng GDP sáu tháng ước đạt 5,57%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm 2010 (6,16%). Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá cố định tháng 6 ước đạt 75,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2% so cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng ước đạt 418,5 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3% so cùng kỳ năm 2010. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 ước đạt 153,6 nghìn tỷ đồng, tính chung sáu tháng ước đạt 911,7 nghìn tỷ đồng, tăng 22,6% so cùng kỳ năm 2010.
Đánh giá tổng quát tình hình kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm 2011 và kết quả bước đầu thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: Thị trường ngoại tệ và kinh doanh vàng đã ổn định, tỷ giá đã được kiểm soát trong biên độ cho phép, dự trữ ngoại tệ được cải thiện, tăng trưởng tín dụng được kiểm soát; thu chi NSNN đạt khá; các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty thực hiện nghiêm túc cắt giảm, điều chuyển, giãn tiến độ đầu tư công theo đúng tinh thần NQ11; tốc độ tăng CPI đã chậm lại trong thời gian gần đây và có chiều hướng giảm dần; đầu tư cho giảm nghèo, nông nghiệp, nông thôn, nông dân vẫn được duy trì; nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, sản xuất công nghiệp kim ngạch xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng cao, sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; an sinh xã hội được quan tâm và có chuyển biến tích cực, quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Bên cạnh tình hình nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu một số hạn chế, yếu kém, trên cơ sở đó, bộ kiến nghị 10 nhóm giải pháp chủ yếu cần triển khai thực hiện trong sáu tháng cuối năm.
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu bật một số khó khăn, thách thức từ đầu năm đến nay: Lạm phát thế giới và khu vực, giá cả xăng dầu, lương thực, nguyên, vật liệu tăng cao, khủng hoảng chính trị ở Trung Đông, Bắc Phi, động đất, sóng thần ở Nhật Bản tác động tiêu cực nền kinh tế nước ta. Cùng với đó là các hành vi đe dọa chủ quyền an ninh quốc gia trên Biển Đông. Trong bối cảnh đó, từ đầu năm, Chính phủ đã đề ra NQ11 và đến nay đã đạt được kết quả bước đầu tích cực nhờ sự đồng thuận của toàn xã hội, thể hiện ở các mặt: Lạm phát đã tăng chậm lại, đang có xu hướng tiếp tục giảm; kinh tế vĩ mô chuyển biến tích cực; thị trường ngoại tệ và vàng được kiểm soát hiệu quả; dự trữ ngoại tệ tăng thêm khoảng ba tỷ USD và khả năng còn tăng thêm; lãi suất ngân hàng đã được kiểm soát; tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện. Việc thực hiện tiết kiệm chi ngân sách, cắt giảm đầu tư công được triển khai nghiêm túc. Thu NSNN đạt khá, góp phần giảm bội chi NSNN. Việc bảo đảm an sinh xã hội đạt nhiều kết quả tích cực. Cũng trong sáu tháng qua, chúng ta đã quan tâm, chỉ đạo và làm tốt công tác đối ngoại, quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Thủ tướng lưu ý, vấn đề nổi lên hiện nay là lạm phát và mặt bằng lãi suất đang ở mức cao, nhập siêu tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, sản xuất, kinh doanh còn khó khăn, đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm. Đời sống người dân, nhất là người lao động thu nhập thấp còn gặp nhiều khó khăn, số vụ đình công tăng cao, số vụ tai nạn giao thông xảy ra nghiêm trọng, có dấu hiệu tăng lên. Các hoạt động đe dọa chủ quyền quốc gia trên Biển Đông phức tạp, an ninh chính trị một số nơi cần được tăng cường.
Đề cập các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng khẳng định: Qua thảo luận đánh giá, Chính phủ nhất trí nhiệm vụ trọng tâm sáu tháng cuối năm là tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Thủ tướng lưu ý các giải pháp lớn phải triển khai theo tinh thần NQ11, trọng tâm là thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả; tăng trưởng tín dụng không quá 20%, dành hạn mức tín dụng này cho phát triển sản xuất, xuất khẩu, DN vừa và nhỏ; điều hành tỷ giá ổn định tỷ giá, tăng cường quản lý chặt chẽ hơn nữa thị trường ngoại hối, vàng; tăng cường quản lý, kiểm soát lãi suất minh bạch, kéo dần lãi suất tín dụng xuống phù hợp mức giảm CPI; tăng cường quản lý thị trường bất động sản, không để xảy ra đổ vỡ. Kiên trì thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, tiết kiệm chi ngân sách 10%, dành khoản tiết kiệm này cho an sinh xã hội. Tiếp tục rà soát, điều chuyển, cắt giảm đầu tư công, kiểm soát hiệu quả đầu tư của các DN nhà nước. Thực hiện các biện pháp tăng thu để giảm bội chi NSNN. Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu. Tập trung chỉ đạo kiểm soát giá, ổn định thị trường, ngăn chặn đầu cơ tăng giá bất hợp lý. Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội với quyết tâm không để các hộ nghèo, hộ chính sách bị đói lúc giáp hạt, thiên tai, trong đó phải bảo đảm đưa lương thực hỗ trợ của Chính phủ đến tận tay người dân. Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành, địa phương vận động các DN, nhất là các DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng tiền ăn trưa, cải thiện đời sống cho người lao động.
Thủ tướng cũng lưu ý: Bên cạnh các giải pháp trước mắt, chúng ta phải triển khai giải pháp có tính chất cơ bản, lâu dài để tái cấu trúc nền kinh tế, mô hình tăng trưởng. Các bộ, ngành, địa phương bên cạnh các nhiệm vụ trước mắt, cũng phải triển khai các biện pháp lâu dài nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, trong đó chú trọng áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật quản lý hiện đại. Quan tâm công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Quyết liệt hơn nữa bảo đảm an toàn giao thông, kiểm soát, kiềm chế tai nạn giao thông. Đặc biệt quan tâm, kiên quyết thực hiện công tác đối ngoại, an ninh quốc phòng, bảo đảm an ninh, chủ quyền quốc gia. Thủ tướng khẳng định: Chính phủ cùng các bộ, ngành chức năng, địa phương tăng cường, đề ra các giải pháp thích hợp để bảo đảm chủ quyền quốc gia trên các vùng biển, đảo.
Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương coi trọng việc tổ chức chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp đã đề ra với tinh thần trách nhiệm cao nhất trước nhân dân và đất nước, trong đó đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, nhiệm vụ sáu tháng cuối năm hết sức nặng nề, đòi hỏi nỗ lực cao của toàn hệ thống chính trị để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2011, tạo tiền đề phát triển bền vững hơn, tốt hơn năm 2012./.
Theo: nhandan.com.vn