* Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cần thực hiện ngay các nhiệm vụ trong xây dựng NTM
Ngày 11-7-2011, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng (khóa X) về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Trung ương; lãnh đạo và các ban, ngành, đoàn thể của 63 tỉnh, thành toàn quốc. Tại tỉnh ta, tham dự Hội nghị trực tuyến của Chính phủ có các đồng chí: Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Viết Hưng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.
Đồng chí Chủ tịch, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh tham dự Hội nghị trực tuyến của Chính phủ. |
Sau gần ba năm triển khai và thực hiện Nghị quyết, công tác nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đạt được nhiều thành tích quan trọng, góp phần quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Năm 2009, nông nghiệp cả nước đạt mức tăng trưởng 1,83%, năm 2010 đạt 2,78%, tốc độ GDP nông nghiệp bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt 3,36%/năm, vượt mục tiêu 3,2%/năm của Đại hội X của Đảng đề ra. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2010 đạt 19,53 tỷ USD, vượt 81% so với mục tiêu đề ra, riêng sáu tháng đầu năm 2011 đạt 12 tỷ USD; cơ cấu kinh tế nông thôn có bước chuyển biến tích cực. Đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn ngày càng cải thiện và phát triển...
Phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, sau gần ba năm thực hiện Nghị quyết nêu trên, diện mạo nông thôn cả nước đã có nhiều thay đổi tích cực. Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn tăng lên trong bối cảnh thu ngân sách Nhà nước vẫn còn nhiều khó khăn. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bám sát tám nhóm giải pháp trong Nghị quyết 26; nội dung, tiêu chí của Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM); Chương trình giảm nghèo, để từ đó, căn cứ đặc thù từng địa phương, xây dựng kế hoạch hành động. Căn cứ vào tình hình thực tế, địa phương phải tự cân đối và có cơ chế huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong huy động vốn, cần chú ý kết hợp hài hòa giữa nguồn ngân sách của Trung ương với tận dụng nguồn lực trong dân và đóng góp của doanh nghiệp. Đặc biệt, phải tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất cả về nông nghiệp, công nghiệp dịch vụ, trong đó đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, gắn với cơ khí hóa, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm. Để xây dựng NTM, có nhiều yếu tố nhưng quyết định là giáo dục và đào tạo. Đây là vấn đề cốt lõi để tạo nguồn nhân lực thực hiện Chương trình. Do đó, các cấp, ngành, địa phương cần đặc biệt lưu ý đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao trình độ, dân trí cho người dân nông thôn. Bên cạnh công tác giáo dục phổ thông, đào tạo đại học cần đa dạng hóa hơn nữa việc dạy nghề để tạo tiền đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, ở mỗi địa phương, cũng cần tăng cường, củng cố công tác xây dựng, phát triển hệ thống chính trị cơ sở để giữ vững an ninh nông thôn, bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội.
Sau Hội nghị trực tuyến của Chính phủ, tỉnh ta đã tổ chức cuộc họp triển khai các nội dung công tác xây dựng NTM và các nội dung về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Sau hơn một năm thực hiện xây dựng NTM, tỉnh ta đã hoàn thành rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn ở 209 xã, thị trấn có sản xuất nông nghiệp. Hiện tại, chưa có xã nào đạt trên 14 tiêu chí; có 3 xã, thị trấn đạt 11-13 tiêu chí (1,4%); 107 xã, thị trấn đạt 6-10 tiêu chí (51,2%); 99 xã, thị trấn đạt dưới 6 tiêu chí (47,4%). Hiện nay, toàn tỉnh có 96 xã, thị trấn xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015, trong đó có 1 xã điểm của Trung ương và 10 xã điểm của tỉnh. Năm 2011, UBND tỉnh hỗ trợ 125,763 tỷ đồng Chương trình xây dựng NTM, trong đó 10 xã điểm của tỉnh, mỗi xã được hỗ trợ 2 tỷ đồng; 85 xã, thị trấn còn lại mỗi xã hơn 1 tỷ đồng. Đến nay, có 3 xã, thị trấn đạt 11-13 tiêu chí, bằng 3,1%; 67 xã, thị trấn đạt 6-10 tiêu chí, bằng 69,8%; 26 xã đạt dưới 6 tiêu chí, bằng 27,1%. Xã Hải Đường (Hải Hậu) là xã điểm của toàn quốc xây dựng NTM đã hoàn thành quy hoạch xây dựng NTM, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, cơ bản hoàn thành quy hoạch sử dụng đất. Tại 10 xã điểm của tỉnh đều hoàn thành quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp và quy hoạch xây dựng NTM, huy động gần 78 tỷ đồng đóng góp của nhân dân và cộng đồng xây dựng NTM. Tại 85 xã, thị trấn còn lại đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng NTM, hoàn thành điều tra, đánh giá thực trạng nông thôn… Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng NTM của tỉnh còn gặp một số khó khăn, hạn chế như tiến độ chung còn chậm, một số đề án còn sơ sài, kinh phí huy động còn thấp…
Kết luận cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Thông qua Hội nghị trực tuyến của Chính phủ cho thấy, so với các địa phương trong toàn quốc, Nam Định đã tập trung cao điểm, triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM. Tuy nhiên, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ rõ công tác xây dựng NTM tại tỉnh ta chưa đạt so với yêu cầu đề ra vì thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành, địa phương. Ở một số nơi, một số cán bộ, nhân dân chưa thể hiện hết trách nhiệm trong xây dựng NTM... Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, trong thời gian tới cần thực hiện ngay 7 nhiệm vụ trọng tâm: sơ kết việc dồn điền, đổi thửa giai đoạn 1 trong tháng 7-2011 để tiếp tục giai đoạn 2 với mục tiêu phấn đấu là 1 hộ - 1 thửa, dồn điền theo quy hoạch; cụ thể hóa cơ chế hỗ trợ kinh phí xây dựng NTM của tỉnh (mỗi xã từ 8-10 tỷ đồng) vào công trình nào, tỷ lệ bao nhiêu, phương thức hỗ trợ như thế nào? Giao Sở VH-TT và DL rà soát thực trạng làng văn hóa của tỉnh trong tháng 7-2011, đưa ra dự báo khả năng phấn đấu đến năm 2015; tập trung hiệu quả công tác dạy nghề, khuyến công ở các địa phương xây dựng NTM, đồng thời sớm ban hành cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư về nông thôn; đánh giá kết quả kiên cố hóa trường học và xây dựng bệnh viện, xây dựng phương án khả thi về đẩy nhanh tiến độ; rà soát, đánh giá và có giải pháp về vấn đề đảm bảo chất lượng đội ngũ cán bộ ở xã, thị trấn xây dựng NTM. Chỉ đạo 96 xã xây dựng NTM đợt đầu phải hoàn thành quy hoạch NTM trong tháng 7-2011, giao Sở GT-VT thực hiện ngay việc cắm mốc giao thông và giao thông nội đồng. Các ngành chức năng sớm xây dựng quy hoạch cụm, điểm công nghiệp tại các địa phương xây dựng NTM./.
Tin, ảnh: Hoàng Long