Dù chưa thật ổn định, tình hình biển Đông cũng đã có dấu hiệu lắng xuống. Điều đó cho thấy trong quan hệ quốc tế thời nay không có sự bất đồng nào mà không giải quyết được bằng thương lượng hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế và sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa các quốc gia. Hai lần gửi công hàm phản đối những việc làm sai trái vi phạm chủ quyền và lãnh hải nước ta của phía Trung Quốc, thấy không có kết quả Đảng và Nhà nước Việt Nam đã chủ động cử Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn làm Đặc phái viên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam sang tận Bắc Kinh gặp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bình Quốc để chuyển ý kiến của lãnh đạo Việt Nam tới lãnh đạo Trung Quốc về quan hệ hai nước và tình hình biển Đông thời gian gần đây.
Hòa bình và ổn định trên biển Đông - điều mong ước của nhân dân hai nước Việt - Trung.
Ảnh: Internet
|
Tại cuộc gặp này, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bình Quốc cũng đã trình bày lập trường và chủ trương của phía Trung Quốc về việc phát triển quan hệ song phương và vấn đề biển Đông. Sau cuộc gặp này hai bên đã ra Thông tin báo chí chung Việt Nam - Trung Quốc với nội dung như sau :
Hai bên cho rằng, quan hệ Việt - Trung phát triển lành mạnh, ổn định đáp ứng nguyện vọng chung và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước Việt - Trung, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực. Hai bên nhấn mạnh, cần kiên trì đưa quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung phát triển theo đúng phương châm 16 chữ "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần bốn tốt "Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".
Hai bên khẳng định, cần tích cực thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo hai nước, giải quyết hòa bình các bất đồng trên biển giữa hai nước thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị, áp dụng biện pháp có hiệu quả cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông, tăng cường định hướng đúng đắn dư luận, tránh lời nói và hành động làm tổn hại tới tình hữu nghị và lòng tin của nhân dân hai nước, đẩy nhanh tốc độ đàm phán để sớm ký kết "Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam - Trung Quốc”, thúc đẩy việc thực hiện "Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)” và các công việc tiếp theo, cố gắng sớm đạt tiến triển thực chất. Những vấn đề chỉ liên quan đến Việt Nam - Trung Quốc thì giải quyết song phương, những vấn đề liên quan đến các bên khác thì phải bàn bạc giữa các bên liên quan khác.
Để giải quyết các bất đồng ở biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc đã từng có nhiều Tuyên bố chung trong các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước mà gần đây nhất là Tuyên bố chung tháng 10-2008 nhân chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, trong đó hai bên cam kết thông qua thương lượng để tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được, trong quá trình đó không để xảy ra các hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng tranh chấp ở biển Đông. Thông tin báo chí chung Việt Nam - Trung Quốc về chuyến đi Trung Quốc ngày 25-6-2011 của Đặc phái viên lãnh đạo cấp cao Việt Nam không có gì mới mà chỉ là sự nhắc lại quan điểm của hai nước về biển Đông trong các Tuyên bố chung trước đó. Nhưng trong thời điểm hiện tại thì sự nhắc lại này là cần thiết bởi chỉ cần hai bên tự giác, nghiêm túc làm đúng, làm đủ những điều mà mình đã cam kết thì hòa bình và ổn định trên biển Đông - điều mong ước của nhân dân hai nước Việt - Trung sẽ được xác lập, tình hữu nghị lâu đời của nhân dân hai nước sẽ được củng cố và phát triển.
Sinh thời Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vun đắp mối tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Ngay sau ngày thành lập nước CHND Trung Hoa, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã đổi tên Trấn Nam Quan (Cửa khẩu Hữu Nghị ngày nay) thành Mục Nam Quan, đổi chữ Trấn với ý nghĩa là trấn áp thành chữ Mục với ý nghĩa là hòa mục, thân thiện. Chủ tịch Hồ Chí Minh thì nói "Mối tình hữu nghị Việt - Hoa/ Vừa là đồng chí vừa là anh em". Nhắc lại những kỷ niệm đẹp để thêm quyết tâm gìn giữ sự đoàn kết và tin cậy lẫn nhau cùng vững bước tiến vào tương lai theo đúng phương châm 16 chữ và tinh thần bốn tốt./.
Theo: tainguyenmoitruong.com.vn