Thưa các đồng chí Trung ương,
Thưa các đồng chí tham dự Hội nghị,
Hôm nay, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI bắt đầu họp Hội nghị lần thứ hai để thảo luận và quyết định về: Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương; Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư; Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước và một số vấn đề quan trọng khác.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu ý kiến tại Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI. |
Hội nghị của chúng ta diễn ra trong bối cảnh cả nước vui mừng trước thành công tốt đẹp của Ðại hội toàn quốc lần thứ XI của Ðảng, thắng lợi toàn diện, to lớn của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016. Toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta đang khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng, đồng thời nỗ lực phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ trước mắt theo tinh thần các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ nhằm vượt qua những khó khăn, thách thức, tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng, tích cực chuẩn bị cho kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIII.
Về Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI: Ðây là công việc rất quan trọng của Hội nghị Trung ương đầu khóa, xác định những nội dung, bước đi, định hướng của việc cụ thể hóa, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết của Ðại hội. Với tinh thần tiếp tục đổi mới, cải tiến cách ra nghị quyết, đi đôi với việc tăng cường kiểm tra, chỉ đạo thực hiện, đề nghị Trung ương tập trung thảo luận, lựa chọn đưa vào Chương trình những vấn đề lớn, quan trọng và cần thiết nhất, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chấp hành Trung ương; bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn các nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Ðảng là then chốt với phát triển văn hóa, xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới mà Ðại hội XI đã xác định. Ưu tiên cho những vấn đề bức xúc, khó khăn cần tháo gỡ, giải quyết, hoặc những khâu cần đột phá như: Tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; chính sách, pháp luật về đất đai; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, môi trường; chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh công tác xây dựng Ðảng, kiện toàn hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phát huy dân chủ, kiện toàn bộ máy các cơ quan nhà nước; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế...
Về Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Ðây là sự cụ thể hóa Ðiều lệ Ðảng, chỉ rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, chế độ làm việc và phương pháp công tác của các cơ quan đảng, bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc sinh hoạt và hoạt động của Ðảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ. Trên cơ sở kế thừa Quy chế làm việc của khóa X và bám sát tinh thần Nghị quyết Ðại hội và Ðiều lệ Ðảng khóa XI, Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa này cần có những quy định cụ thể, sát thực, bảo đảm phát huy tốt hơn nữa dân chủ trong sinh hoạt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong Ðảng; giữ vững chế độ lãnh đạo tập thể, tăng cường trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu; nâng cao năng lực cầm quyền và hiệu quả lãnh đạo của Ðảng, đồng thời phát huy vai trò, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị; đổi mới, cải tiến chế độ làm việc, phương pháp công tác của các cơ quan lãnh đạo của Ðảng. Ðây là những cơ sở quan trọng để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ðảng, tăng cường sức mạnh, sự đoàn kết thống nhất trong Ðảng, đổi mới sự lãnh đạo của Ðảng đối với Nhà nước và xã hội.
Về triển khai chủ trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992: Chúng ta đều đã biết, Hiến pháp là văn kiện chính trị - pháp lý quan trọng, điều chỉnh những quan hệ xã hội trọng yếu nhất, có tính nền tảng, thể hiện bản chất của Nhà nước và chế độ; là đạo luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật, bảo đảm sự ổn định chính trị - xã hội và chủ quyền quốc gia. Từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay, Nhà nước ta đã ban hành 4 bản Hiến pháp, đó là Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001).
Hiến pháp năm 1992 được ban hành trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới, nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội do Ðại hội toàn quốc lần thứ VII của Ðảng đề ra (tháng 6-1991). Sau 25 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991 và gần 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Ðại hội toàn quốc lần thứ XI, trên cơ sở tổng kết sâu sắc thực tiễn và lý luận 25 năm đổi mới, đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, Báo cáo chính trị của Ðại hội, xác định rõ mục tiêu, định hướng tiếp tục đổi mới, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Ðại hội đã quyết định phải khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Tuy nhiên, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc rất khó và hệ trọng, cần được tiến hành một cách khoa học và chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương. Vì vậy, tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương cần thảo luận, cho ý kiến về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, các định hướng lớn và phương châm, phương pháp tiến hành nghiên cứu, tổng kết, bổ sung, sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bảo đảm phát huy dân chủ, có sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý và lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân; không để các thế lực xấu, thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc.
Về việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan nhà nước: Ngay sau Ðại hội XI, Bộ Chính trị đã tiến hành phân công một bước các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chuẩn bị và giới thiệu các đồng chí Ủy viên Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII; đồng thời chỉ đạo các cấp ủy tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ ở cấp mình. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 đã thành công tốt đẹp. Theo quy định của pháp luật, ngày 21-7-2011 sắp tới, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung bầu hoặc phê chuẩn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của bộ máy nhà nước. Theo Quy chế làm việc của Trung ương, Ban Chấp hành Trung ương có trách nhiệm chuẩn bị và giới thiệu nhân sự ứng cử vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước. Vì vậy, tại Hội nghị lần này, Trung ương cần dành thời gian thích đáng để xem xét, quyết định việc giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan nhà nước để Quốc hội xem xét bầu hoặc phê chuẩn theo thẩm quyền.
Việc chuẩn bị nhân sự lần này cần quán triệt và thực hiện nhất quán phương hướng công tác cán bộ do Ðại hội toàn quốc lần thứ XI của Ðảng đề ra, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, hài hòa của Ðảng trên các lĩnh vực, địa bàn và tạo ra sức mạnh tổng hợp chung. Cố gắng xem xét một cách tổng thể; bố trí, sắp xếp cán bộ một cách hợp lý nhất trong điều kiện cho phép; căn cứ vào tiêu chuẩn chung của cán bộ, cần chú trọng năng lực, sở trường, chuyên môn được đào tạo, kinh nghiệm công tác và chiều hướng phát triển; kết hợp yêu cầu trước mắt với bước chuẩn bị cho các khóa tiếp theo, kết hợp tính kế thừa và phát triển; tránh xáo trộn nhiều.
Thưa các đồng chí,
Những nội dung trình Hội nghị Trung ương lần này là những vấn đề rất cơ bản và hệ trọng; mặc dù đã được Bộ Chính trị chỉ đạo nghiên cứu, chuẩn bị khá công phu, nghiêm túc, nhưng chắc chắn còn những hạn chế, khiếm khuyết. Ðề nghị Trung ương dành thời gian nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến để hoàn thiện và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.
Về cách thức tiến hành Hội nghị, đề nghị tiếp tục có sự cải tiến, đổi mới, cả trong bố trí chương trình, cách thức điều hành, thảo luận, theo hướng phát huy đầy đủ dân chủ, trí tuệ của Trung ương, tận dụng tối đa thời gian, nâng cao chất lượng, hiệu quả các phiên họp trong không khí cởi mở, thẳng thắn, trách nhiệm.
Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI. Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn.
Theo: nhandan.com.vn