Nhân rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” theo gương Bác Hồ

07:07, 20/07/2011

Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến các thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng, kháng chiến. Năm 1947, Bác đề nghị Chính phủ chọn một ngày làm ngày kỷ niệm “Thương binh - Liệt sỹ” để đồng bào ta tỏ lòng “Đền ơn đáp nghĩa”. Tại hội nghị trù bị Trung ương họp tại huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đã thống nhất lấy ngày 27-7 hằng năm làm ngày “Thương binh - Liệt sỹ”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thương binh là người đã hy sinh gia đình,hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc,bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đã chịu ốm yếu ,què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. Vào ngày 27-7 hằng năm, Bác Hồ đều gửi thư cho các đồng chí thương binh và gia đình liệt sỹ với những lời động viên, ghi nhớ công lao to lớn của những anh hùng liệt sỹ và thương binh vì nền độc lập dân tộc, vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân đã hy sinh thân mình hoặc bỏ lại một phần cơ thể, xương máu nơi chiến trường trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược. Bác đề xuất phong trào “Đón thương binh về làng” với những việc làm rất cụ thể. Bác khuyên các cháu thiếu nhi lập phong trào Trần Quốc Toản để giúp đỡ gia đình bộ đội và thương binh. Người vận động chính quyền và các đoàn thể nhân dân trích một phần công ruộng, hoa lợi đón thương binh về xã; thể hiện tình cảm yêu thương, trách nhiệm và bổn phận của mình bằng những việc làm thiết thực: “Trong lúc chống nạn đói kém, đồng bào ta đã từng mỗi tuần nhịn ăn một bữa để giúp các đồng bào bị đói. Bây giờ chống nạn ngoại xâm, tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp đỡ chiến sỹ bị thương”. Hồ Chủ tịch luôn gương mẫu trong việc chăm lo đến đời sống của thương binh và gia đình liệt sỹ: “Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lụa, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch…”. Bên cạnh đó, những tặng phẩm kiều bào nước ngoài tặng, Bác đều tặng lại cho thương binh. Những món quà của Bác thật giản dị nhưng vô cùng quý giá thể hiện sự quan tâm chăm sóc, là tình cảm của Người dành cho các chiến sỹ thương, bệnh binh. Trước lúc đi xa, Bác để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta những lời căn dặn quý báu về công tác “Đền ơn đáp nghĩa”: “Đối với những người đã hy sinh một phần xương máu của mình, Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách cho họ có nơi ăn chỗ ở yên ổn, đồng thời phải mở lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh. Đối với các liệt sỹ, mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ… để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”.

Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, tỉnh ta có 3,6 vạn liệt sỹ, gần 3 vạn thương, bệnh binh, 1.230 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 9.600 người hoạt động trong kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin. Trong 64 năm qua, thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, đoàn thể và nhân dân từ tỉnh đến cơ sở tích cực tham gia, thể hiện truyền thống, đạo lý nhân văn cao đẹp của dân tộc và tiếp tục giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Nhiều phong trào, nghĩa cử thiêng liêng được đẩy mạnh, nhân rộng như: xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, nhận chăm sóc, xây đài tưởng niệm, chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ, đi tìm hài cốt quy tập mộ liệt sỹ… Tiêu biểu là các xã, thị trấn: Hải Phương, Hải Trung, Thịnh Long (Hải Hậu); Xuân Hồng, Xuân Bắc, Xuân Hùng (Xuân Trường); Yên Đồng, Yên Xá, Yên Tiến (Ý Yên); Nam Hồng, Nam Thanh (Nam Trực); Nghĩa Sơn, Nghĩa Đồng, Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng)… Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày “Thương binh - Liệt sỹ” (27-7), Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đều chỉ đạo, ban hành kế hoạch thực hiện hiệu quả công tác thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Năm 2010, chỉ tính riêng trong dịp kỷ niệm 27-7 Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cấp tỉnh và cấp huyện đã đạt trên 1 tỷ đồng (trong đó: quỹ cấp tỉnh là 290 triệu đồng, quỹ cấp huyện là 731 triệu đồng), đồng thời, các địa phương vận động các tổ chức, cá nhân cùng chung tay hỗ trợ kinh phí xây mới 23 nhà tình nghĩa tặng gia đình chính sách và hỗ trợ sửa chữa 59 nhà ở, với tổng kinh phí 750 triệu đồng. Huyện Hải Hậu, chỉ tính riêng trong năm 2010, đã phát động phong trào quyên góp ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” mỗi hộ từ 10.000 đồng trở lên, mỗi cán bộ, công chức, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn huyện mỗi người ủng hộ ít nhất 1 ngày lương. Từ nguồn quỹ, đã tổ chức thăm, tặng quà cho 8.571 đối tượng (trong đó 6.508 đối tượng nhận quà của Chủ tịch nước) với tổng trị giá trên 2 tỷ đồng. Huyện trích 390 triệu đồng  từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” hỗ trợ các xã, thị trấn tu bổ nghĩa trang liệt sỹ. Mỗi xã, thị trấn tổ chức thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng với số tiền 12-30 triệu đồng. Cty CP Đầu tư xây dựng Hà Nội do ông Phạm Xuân Đức, Tổng Giám đốc Cty - là người con quê hương Hải Hậu cùng đại diện Công đoàn Cty đã đến thăm, tặng 7 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 5 triệu đồng cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng hiện đang còn sống; thăm và tặng quà 4 gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, mỗi suất trị giá 3 triệu đồng. Các cơ quan, đơn vị tổ chức gặp mặt thân mật con em các gia đình liệt sỹ, các đồng chí là thương, bệnh binh hiện đang công tác trên địa bàn.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng, tu sửa nghĩa trang liệt sỹ, đền thờ, đài tưởng niệm thường xuyên được các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ tỉnh đến các địa phương quan tâm, chú trọng. Hiện nay, toàn tỉnh có 211 nghĩa trang liệt sỹ thuộc cấp xã quản lý và 9 đền thờ, Đài tưởng niệm liệt sỹ ở các huyện. Vào dịp lễ, tết và dịp kỷ niệm 27-7 hằng năm, các công trình ghi công liệt sỹ đều được các địa phương, thanh niên và các em học sinh tu sửa, quét dọn đảm bảo sự tôn nghiêm, thể hiện sự thành kính và trách nhiệm của nhân dân đối với các anh hùng liệt sỹ. Năm 2010, có 40 công trình ghi công liệt sỹ cấp huyện và cấp xã được lập dự toán thiết kế xây mới và tôn tạo, nâng cấp, với tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng; ở cấp tỉnh đã tổ chức lễ khánh thành Đài tưởng niệm liệt sỹ tỉnh với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng. Hưởng ứng các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, năm 2010 các địa phương còn vận động các tổ chức, cá nhân tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa cho 193 đối tượng là người có công, trị giá 121,3 triệu đồng; hỗ trợ cho 45 gia đình người có công vươn lên thoát nghèo; Sở LĐ-TB và XH chỉ đạo các Phòng LĐ-TB và XH phối hợp với Đoàn Thanh niên cấp huyện, xã tổ chức thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sỹ. Ngoài ra, Sở LĐ-TB và XH tập trung chỉ đạo, giải quyết tốt các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công tại các địa phương, nhất là công tác khám chữa bệnh, thực hiện chế độ điều dưỡng cho trên 10.000 người có công theo quy định. Từ các chính sách của Đảng, Nhà nước cùng với sự tri ân của các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội, những thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng đã vượt khó vươn lên trong cuộc sống, đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Qua đó, xuất hiện nhiều tấm gương thương, bệnh binh, vợ liệt sỹ trong các phong trào thi đua yêu nước: “Gia đình làm kinh tế giỏi”, “Gia đình văn hoá”./.

Khánh Ngọc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com