Ngời sáng phẩm chất Anh bộ đội Cụ Hồ

07:07, 21/07/2011
Sản xuất đồ mộc mỹ nghệ tại Cty TNHH Phượng Hồng của CCB Trần Sỹ Hùng, xã Việt Hùng (Trực Ninh).
Sản xuất đồ mộc mỹ nghệ tại Cty TNHH Phượng Hồng của CCB Trần Sỹ Hùng, xã Việt Hùng (Trực Ninh).

Trong chiến tranh, các anh - những CCB hôm nay đã không tiếc tuổi xuân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc. Rời quân ngũ trở về, các anh lại đối mặt với cuộc chiến đói nghèo và đã lập nên nhiều chiến công đáng ghi nhận. Trên địa bàn tỉnh ta, các CCB đã tạo dựng nên rất nhiều mô hình kinh tế phong phú, với nhiều cách làm hay, đa dạng, phù hợp với từng địa phương, từng lĩnh vực sản xuất - kinh doanh; mang lại hiệu quả thiết thực. Trong số đó phải kể đến những tấm gương tiêu biểu, đó là Thượng úy Đỗ Viết Hưng, bệnh binh 2/3, sau gần 20 năm công tác trong quân đội, đã trở về quê tại xã Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng) trong hoàn cảnh có mẹ già gần 100 tuổi, 4 con đang tuổi ăn học với chỉ mấy sào ruộng. Để mưu sinh, anh đã đi nhiều nơi kiếm việc làm, nhặt than ở Quảng Ninh, đào vàng ở Thái Nguyên, Nghệ An… nhưng cuối cùng vẫn hai bàn tay trắng. Năm 2004, tỉnh ta được hỗ trợ triển khai dự án sản xuất gạch bền vững theo công nghệ VSBK, anh cùng với 4 CCB khác đã góp vốn được hơn 2 tỷ đồng, thành lập Cty 27-7 Nghĩa Hưng do anh làm giám đốc. Hơn 6 năm qua, Cty đã sản xuất được 20 triệu viên gạch, giúp địa phương chuyển đổi 10.000m2 đất đồi gò thành ruộng cấy 2 vụ lúa/năm. Ngoài ra, anh còn là chủ cơ sở sản xuất kinh doanh vật liệu gạch si-li-cát với 4 tổ máy. Năm 2010, cơ sở đã cung cấp 3 triệu viên gạch ra thị trường. Mỗi năm tại hai cơ sở, gia đình anh thu nhập từ 300-500 triệu đồng. Đại úy Nguyễn Minh Đức, thuộc Trung đoàn 42, Sư đoàn 327, chiến đấu trên các chiến trường Quảng Trị, Nam Lào, Quảng Nam - Đà Nẵng và cả biên giới phía Bắc (Lạng Sơn), hiện đang là Chủ tịch Hội CCB xã Xuân Phương (Xuân Trường), tâm sự: Trước kia quê anh cấy lúa, một năm 2 vụ, bình quân đầu người mỗi tháng chỉ đạt 20kg thóc, mọi khoản chi tiêu, sinh hoạt hằng ngày của các gia đình đều trông vào cây lúa nên đời sống của các hội viên trong xã đều rất khó khăn. Năm 2005, với tinh thần nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho các hội viên, anh và một số hội viên khác đã dày công nghiên cứu, tuyên truyền, vận động các hội viên cùng tham gia chương trình thâm canh tăng vụ. Ban đầu phải hết sức cố gắng anh mới vận động được một số hội viên của chi Hội CCB số 14 cấy thử nghiệm 5 mẫu ruộng bằng các giống lúa mới: VQ14, VQ16, VQ26 và TH3-3. Đây là những giống lúa ngắn ngày, rút ngắn thời vụ để có thể trồng thêm vụ dưa hấu, bí xanh, khoai tây hoặc đậu tương, tăng thu nhập thêm mỗi sào từ 2 đến 2,5 triệu đồng. Những ngày đầu, anh phải dốc sức bám đồng, bám ruộng, cùng những cán bộ kỹ thuật chỉ bảo cặn kẽ cho các hội viên kỹ thuật chăm sóc lúa, trồng cây màu… nên rất vất vả. Vừa làm, vừa phải động viên mọi người cùng cố gắng làm tốt để bảo đảm thành công, thuyết phục các hội viên khác làm theo. Sự nỗ lực của anh và mọi người đã được trả công xứng đáng, ngay trong vụ đầu tiên, toàn bộ diện tích cấy khảo nghiệm này đã cho năng suất rất cao và nhanh chóng thu hút được sự tham gia chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống ở các chi hội còn lại. Đến nay, hội viên trong các chi hội đã cấy được 30 mẫu và đều đạt 135 tạ/ha/năm, hình thành cánh đồng hai vụ lúa, một vụ màu. Hội còn vận động được 8 chi hội làm nấm mỡ, với nguyên liệu chính từ rơm rạ, thu nhập mỗi năm từ 50 đến 60 triệu đồng; xây dựng mô hình vườn trồng nhãn lồng, bưởi Đoan Hùng, xoài, na… có giá trị cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã Xuân Phương từ 14% xuống còn trên 7%; trong đó Hội CCB giảm được 19 hộ nghèo (theo tiêu chí mới). Năm 1980, anh Trần Sỹ Hùng, thôn Phượng Tường, xã Việt Hùng (Trực Ninh) từ quân ngũ trở về quê hương, hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn, lại đông con. Ngoài thời gian làm nông nghiệp, anh đã quyết định làm thêm nghề mộc dân dụng để tăng thêm thu nhập. Trong khi làm, anh nhận thấy mình có khả năng làm các sản phẩm mộc mỹ nghệ tinh xảo, cao cấp, loại mặt hàng cho thu nhập cao nên anh đã không quản ngại khó khăn, vất vả đóng vai người làm thuê đi học việc ở rất nhiều làng nghề mộc nổi tiếng trong cả nước. Anh đã chủ động tìm học các kỹ thuật thiết kế kiểu dáng sản phẩm, nhờ đó chỉ trong một thời gian ngắn anh đã có một tay nghề vững. Trở về làng, anh mở một cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ và ngay từ những ngày đầu cơ sở sản xuất của anh đã bảo đảm tiêu chí đạt chất lượng cao cho tất cả các sản phẩm. Cơ sở của anh đã nhanh chóng tạo dựng được uy tín, thương hiệu cho sản phẩm của mình và ngày càng thu hút được nhiều khách hàng. Không chỉ quyết tâm vượt khó làm giàu cho bản thân, ngay khi nhận được nhiều đơn đặt hàng, có điều kiện mở rộng quy mô hoạt động của cơ sở, anh đã nhớ đến những người đồng đội của mình. Bất cứ CCB nào có mong muốn làm nghề hoặc muốn cho con cái của mình học, anh đều tạo điều kiện bố trí công việc phù hợp theo khả năng để giúp mọi người có thu nhập. Năm 1996, anh đã tổ chức dạy nghề cho các CCB cũng như con em của họ. Năm 1997, anh đã chủ động liên kết với Trung tâm dạy nghề Trực Ninh tổ chức dạy nghề cho các học viên. Vào năm 2000, khi có điều kiện thuê thêm đất mở rộng nhà xưởng, anh đã liên kết với Trường Thủ công Mỹ nghệ Việt Xô tổ chức dạy nghề có cấp bằng trung cấp nghề, vì vậy sau khi học xong học viên có thể đi tìm việc làm ở các cơ sở khác. Hiện nay, Cty TNHH Phượng Hồng của anh đã mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm ra khắp các tỉnh miền Bắc. Cty luôn có gần 50 công nhân có việc làm ổn định với mức thu nhập bình quân đạt 2,5-3,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, Cty còn tạo việc làm cho 15 xưởng gỗ mỹ nghệ vệ tinh trong xã với gần 100 lao động. Việc dạy nghề và bao tiêu sản phẩm của anh đã góp phần hình thành nghề mộc mỹ nghệ với quy mô làng nghề cho xã Việt Hùng. Bên cạnh đó, còn có không ít học viên được Cty Phượng Hồng đào tạo đã mở cơ sở riêng và làm ăn thành đạt. Tiêu biểu như các anh: Trần Văn Sỹ, thôn Phượng Tường; Phạm Văn Kiểm, thôn Liêm Hải…

Bên cạnh những tấm gương tiêu biểu trên, trong thời gian từ 2007 đến 2011, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp Hội CCB, phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi trong cán bộ, hội viên CCB tỉnh đã có bước phát triển sâu rộng. Đến nay, tỉnh ta có 297 doanh nghiệp, Cty TNHH, Cty cổ phần và doanh nghiệp tư nhân, 34 HTX, 340 trang trại, 659 gia trại, hộ sản xuất kinh doanh tự do (tăng 150% so với năm 2007), thu hút hàng chục nghìn lao động là CCB, cựu quân nhân và con em các gia đình chính sách. Qua bình xét gia đình CCB làm kinh tế giỏi có gần 3.000 hộ giỏi cấp phường, 527 hộ giỏi cấp huyện, 9 hộ giỏi cấp tỉnh và 5 hộ giỏi cấp Trung ương. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, động viên cán bộ, hội viên giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, Hội đã ký hợp đồng ủy thác với Ngân hàng CSXH và các nguồn vốn khác với tổng số vốn vay gần 320 tỷ đồng, cho 18.325 lượt hộ vay, tạo việc làm cho 24.930 lao động. Quỹ tình nghĩa của Hội đạt gần 1,6 tỷ đồng, dùng để thăm hỏi hội viên lúc đau yếu, phúng viếng khi từ trần, trợ cấp khó khăn, đón hài cốt liệt sĩ, tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, tặng áo ấm cho người cao tuổi, khen thưởng trẻ em nghèo học giỏi, trợ cấp nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, xây nhà tình nghĩa, giúp hội viên xóa nghèo, ủng hộ hội viên và nhân dân Kon Tum, Quảng Ngãi, TP Đà Nẵng bị bão lụt thiên tai… Những việc làm thiết thực trên là minh chứng cho phẩm chất Anh bộ đội Cụ Hồ luôn ngời sáng trong lòng các CCB./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com