Kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị

08:07, 11/07/2011

Ngày 24-9-2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, KT-XH của tỉnh ta đã có nhiều khởi sắc, tuy nhiên thời gian tới vẫn còn nhiều việc cần thực hiện, nhất là việc xây dựng cơ chế quản lý cấp vùng.

Đổi thay sau Nghị quyết 54

Vào thời điểm Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị được ban hành, nền kinh tế của tỉnh ta vẫn ở mức thấp so với nhiều tỉnh trong khu vực và bình quân chung của cả nước; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 350 USD/năm, trong khi trung bình của cả nước là 640 USD/người/năm. Sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; sản xuất công nghiệp với thiết bị công nghệ còn lạc hậu, kết cấu hạ tầng KT-XH, đặc biệt là hạ tầng giao thông, thủy lợi chưa đồng bộ, thu ngân sách còn thấp nên nguồn vốn đầu tư cho phát triển còn hạn chế… Xác định Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị với những định hướng lớn là cơ hội và điều kiện thuận lợi để tỉnh ta phát triển kinh tế nhanh và bền vững, Ban TVTU đã sớm xây dựng kế hoạch triển khai quán triệt và thực hiện Nghị quyết trong toàn tỉnh; thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 54 của tỉnh do đồng chí Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban. Trên cơ sở Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và Quyết định 109/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã rà soát, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh đến năm 2020 và cụ thể hoá trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của tỉnh. Trong đó có Nghị quyết số 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng Thành phố Nam Định trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng; Kế hoạch số 06 của UBND tỉnh về thực hiện Quyết định 109/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 05 của BCH Đảng bộ tỉnh. Trên cơ sở đó, các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết với những biện pháp cụ thể, phù hợp với tình hình của địa phương.

Công trình Bệnh viện Đa khoa 700 giường đang được khẩn trương thi công, bảo đảm tiến độ. Ảnh: xuân thu
Công trình Bệnh viện Đa khoa 700 giường đang được khẩn trương thi công, bảo đảm tiến độ.
Ảnh: Xuân Thu

Kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị, KT-XH của tỉnh đã có nhiều chuyển biến, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 10,7%, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Đến năm 2010, tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm 70,5%, ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 20,7%/năm, sản xuất nông nghiệp ổn định và bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất nông sản hàng hoá có quy mô vừa gắn với bảo quản, chế biến sản phẩm nông sản. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội được quan tâm và tiếp tục có bước phát triển; ngành Giáo dục đào tạo của tỉnh tiếp tục dẫn đầu toàn quốc, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân cơ bản ổn định, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 6%. An ninh chính trị được giữ vững, TTATXH được bảo đảm. Cùng với sự phát triển đồng bộ về KT-XH, nguồn vốn đầu tư cho phát triển và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh cũng tăng nhanh, Trong 5 năm, tổng vốn đầu tư cho phát triển đạt khoảng 37 nghìn 400 tỷ đồng, gấp 3 lần so với giai đoạn 2001-2005 (riêng về vốn đầu tư được ngân sách Trung ương hỗ trợ theo Nghị quyết 54 trong 4 năm 2007-2011 là 486 tỷ đồng). Nguồn vốn phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh huy động qua hệ thống ngân hàng năm 2010 đạt 11.550 tỷ đồng, tăng gấp 3,2 lần so với năm 2005. Từ đó đã đầu tư, xây dựng và đưa vào sử dụng một số công trình quan trọng, tạo tiền đề cho KT-XH phát triển như xây dựng đường vành đai nối quốc lộ 21 với quốc lộ 10 và cầu vượt sông Đào; đường 51B Lạc Quần - Quất Lâm; cầu Hà Lạn, cầu Trực Thanh… Về thuỷ lợi, đã nâng cấp 30km đê biển xung yếu; các cống đầu mối: 8B, Đò Thông, kè biển phía đông cống Thanh Niên; kiên cố hoá hệ thống thuỷ lợi cấp I ở các huyện, thành phố…Về lĩnh vực văn hoá, xã hội, đã kiên cố hoá được hơn 2.300 phòng học, một số bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh, Bảo tàng Nam Định; đầu tư hạ tầng một số khu, CCN; hỗ trợ xây dựng trụ sở UBND xã, hệ thống đường giao thông nông thôn, góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt các vùng quê trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 4 KCN, 20 CCN thu hút  529 dự án, với tổng vốn đầu tư trên 12 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 37 nghìn lao động. Bên cạnh các công trình, dự án đã hoàn thành, hiện tỉnh đang tiếp tục triển khai xây dựng một số công trình trọng điểm như tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý, quốc lộ 21 Nam Định - Thịnh Long, tỉnh lộ 490C, Khu di tích Lịch sử Văn hoá Trần, Bệnh viện đa khoa 700 giường… Đây là những công trình quan trọng tạo ra mối liên kết giữa Nam Định với các đô thị trong vùng, tạo tiền đề để tỉnh ta phát triển nhanh và bền vững hơn. Riêng đối với Thành phố Nam Định, đời sống KT-XH cũng có nhiều khởi sắc so với 5 năm trước đây. Đến nay, mạng lưới giao thông nội thành đã cơ bản được xây dựng hoàn chỉnh, nhiều khu đô thị mới được hình thành như: Khu đô thị Hoà Vượng, Thống Nhất, Mỹ Trung, khu tái định cư Trầm Cá, Đồng Quýt, Phạm Ngũ Lão, Tây đường 38... Nhiều công trình thuộc chức năng của trung tâm vùng đã được triển khai xây dựng như Trung tâm phát thanh - truyền hình, Trung tâm thương mại Big C, Bệnh viện đa khoa 700 giường, Trung tâm văn hoá - thể thao - du lịch, Trung tâm Khoa học công nghệ… Bên cạnh đó, những năm qua, Thành phố Nam Định đã triển khai thành công nhiều dự án lớn như Dự án phát triển đô thị do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ, Dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng các khu dân cư thu nhập thấp do Ngân hàng Thế giới tài trợ… đã mang lại cho Thành phố Nam Định một diện mạo mới, sức sống mới. Thành phố đã cơ bản khắc phục được tình trạng ngập úng, đường phố ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp hơn, sẵn sàng cho việc nâng cấp thành  đô thị loại I trực thuộc tỉnh trong năm 2012.

Vẫn cần một cơ chế quản lý cấp vùng

Đánh giá kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị cho thấy nền kinh tế của tỉnh đã có bước phát triển mới về quy mô, hiệu quả, tốc độ tăng trưởng kinh tế khá ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. So với năm 2005, tổng GDP tăng hơn 1,63 lần, GDP bình quân tăng hơn 2,6 lần, giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 2,5 lần, sản xuất công nghiệp phát triển với tốc độ cao, số lượng doanh nghiệp tăng 3,5 lần. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội được quan tâm chăm lo, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân cơ bản ổn định, quốc phòng an ninh được củng cố, an ninh nông thôn được đảm bảo tốt hơn. Tuy nhiên so với yêu cầu của Nghị quyết 54, tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh vẫn còn chậm so với mục tiêu tăng GDP toàn vùng là 11-12%/năm (tỉnh ta mới đạt 10,7%/năm) do đó vẫn chưa tạo được sự bứt phá; khoảng cách về tốc độ phát triển kinh tế giữa tỉnh ta với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ còn khá cao. Nguyên nhân do thời gian qua, việc tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết 54 chưa được thực hiện sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân nên chưa tạo được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết; một số định hướng có tính chiến lược của tỉnh còn chậm được cụ thể hoá và triển khai chưa kịp thời; môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh tuy đã được cải thiện đáng kể nhưng chưa thật thông thoáng, hấp dẫn. Bên cạnh đó, tính liên kết giữa các tỉnh trong vùng chưa chặt chẽ, chưa có sự hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển KT-XH như tinh thần Nghị quyết 54 đã đề ra. Bởi vậy, trong chuyến công tác mới đây của đồng chí Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư về kiểm tra kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 54 tại Nam Định, nhiều ý kiến đề xuất của tỉnh cũng như các bộ, ngành Trung ương đề nghị Chính phủ cần xây dựng một cơ chế quản lý và quy hoạch cấp vùng nhằm tạo sự liên kết giữa các tỉnh trong khu vực, nhất là sự liên kết trong lĩnh vực giao thông, phát triển kết cấu hạ tầng, liên kết các ngành sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, phân công lao động, bảo vệ tài nguyên, môi trường tạo sự phát triển ổn định, bền vững. Trước hết, sớm đầu tư một số công trình kết cấu hạ tầng có tính chất then chốt của toàn vùng, nhất là đối với tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng như tuyến đường ven biển từ Thanh Hoá đến Quảng Ninh, các điểm vượt sông Hồng, sông Đáy, tuyến quốc lộ 38C nối 5 tỉnh Hải Dương - Hưng Yên - Nam Định - Hà Nam - Ninh Bình, tuyến đường sắt Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng; cụm cảng vệ tinh của cảng Hải Phòng. Riêng đối với tỉnh Nam Định, Trung ương cần tiếp tục hỗ trợ vốn để tập trung hoàn thành một số công trình quan trọng như Bệnh viện đa khoa 700 giường, Khu di tích Lịch sử Văn hoá Trần, kè nam sông Đào, cầu Tân Phong vượt sông Đào; thực hiện quy hoạch tại Thành phố Nam Định một khu đại học tập trung gắn với các cơ sở nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt Đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ.

Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh ta đã chủ động đề ra nhiều nhóm giải pháp nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54, trong đó then chốt là nhóm giải pháp về phát triển KT- XH với những nhiệm vụ chủ yếu như: Huy động tối đa các nguồn lực để nâng cấp, cải tạo hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại. Tập trung đầu tư phát triển, đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực gắn kết với phát triển nông nghiệp và phục vụ có hiệu quả chương trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực vào đầu tư tại tỉnh. Với những giải pháp đồng bộ, tích cực của tỉnh cũng như sự hỗ trợ hiệu quả của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, chắc chắn trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh ta sẽ có những bước bứt phá mạnh mẽ hơn trong phát triển KT-XH, xoá dần khoảng cách về kinh tế giữa Nam Định và các tỉnh trọng điểm trong vùng đồng bằng sông Hồng./.

Hoài Phương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com