Giao đất sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta - Sau gần 20 năm nhìn lại

08:07, 01/07/2011
TRẦN VĂN CHUNG
Ủy viên Ban TVTU, Bí thư Thành ủy Nam Định

Nam Định là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước thực hiện việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng trên cơ sở thực hiện Nghị quyết 10 ngày 5-4-1988 của Bộ Chính trị về "Đổi mới quản lý nông nghiệp".

Thực hiện Nghị định 64 ngày 27-9-1993 của Chính phủ về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp, tỉnh Nam Định đã điều chỉnh bổ sung việc giao ruộng trước đó (thực hiện năm 1991, 1992) cho phù hợp với Luật Đất đai năm 1993 và Nghị định 64 của Chính phủ.

Sau gần 20 năm thực hiện công việc trên, có thể đánh giá khái quát:

Việc giao đất ổn định cho nông dân nói chung đã đem lại kết quả to lớn:

Tiềm năng về đất đai được phát huy, sức lao động trong nông nghiệp được giải phóng, khoa học kỹ thuật được áp dụng có hiệu quả nên sản lượng lương thực thực phẩm không ngừng tăng. Những năm gần đây, sản lượng lúa của tỉnh Nam Định đạt bình quân ổn định gần một triệu tấn/năm (gần bằng sản lượng lúa của cả tỉnh Hà Nam Ninh trước khi giao ruộng cho nông dân). Sản lượng lúa tăng cao do nhiều nguyên nhân: giống, trình độ thâm canh, tiến bộ khoa học kỹ thuật, hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện... Song yếu tố đặc biệt quan trọng là chính sách đất đai quy định giao ruộng đất ổn định cho nông dân.

Trong những năm qua, nông nghiệp, nông thôn Nam Định đã có những bước phát triển đáng kể: Giá trị bình quân giai đoạn 2006-2010, tăng 3,8%/năm. Đã duy trì và phát huy truyền thống thâm canh lúa (năng suất lúa bình quân đạt 118,4 tạ/ha/năm); chuyển dần sang sản xuất hàng hóa, tăng hiệu quả sản xuất; đảm bảo an ninh lương thực; sản lượng lương thực đạt 950 nghìn tấn/năm; giá trị thu được trên một ha canh tác tăng nhanh, năm 2010 đạt 70 triệu đồng.

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp giảm chi phí và sức lao động cho nông dân. Ảnh: Internet
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp giảm chi phí và sức lao động cho nông dân.
Ảnh: Internet

Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, giá trị sản xuất chăn nuôi và dịch vụ tăng từ 38,4% (năm 2005) lên 41,8% (năm 2010), tỷ trọng ngành trồng trọt giảm từ 61,6% (năm 2005) xuống còn 58,2% (năm 2010). Cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp hơn, sản xuất vụ đông ổn định, có thêm một số sản phẩm mới. Bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung có quy mô vừa, gắn với bảo quản chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ, phát triển chăn nuôi hàng hóa theo mô hình trang trại, gia trại, quy mô vừa và nhỏ. Toàn tỉnh hiện có 644 trang trại, tăng 75 trang trại so năm 2009; bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt bình quân 108,4 nghìn tấn/năm.

 Sản xuất muối được duy trì ổn định với diện tích khoảng 860ha, sản lượng bình quân đạt 90 nghìn tấn/năm. Cơ sở hạ tầng vùng muối từng bước được cải tạo, nâng cấp.

Thủy sản phát triển khá, giá trị sản xuất tăng bình quân 11%/năm; sản lượng thủy sản năm 2010 đạt 89 nghìn tấn, trong đó nuôi trồng đạt 49 nghìn tấn, đánh bắt đạt 40 nghìn tấn. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ nuôi trồng thủy sản tiếp tục được đầu tư.

Hoạt động dịch vụ nông nghiệp từng bước được tăng cường. Hoàn thành tốt khâu dịch vụ thiết yếu cho xã viên, như: Thủy nông, giống cây trồng, vật nuôi, thú y, bảo vệ thực vật, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới... hiệu quả hơn. Công tác khuyến nông, khuyến ngư được quan tâm.

Các hợp tác xã chuyển đổi từng bước theo luật. Đã thành lập Ban nông nghiệp ở cấp xã, bước đầu thực hiện có kết quả chức năng quản lý Nhà nước về nông nghiệp. Chỉ đạo thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới theo chương trình của Trung ương tại xã Hải Đường (Hải Hậu); đồng thời triển khai làm điểm tại 10 xã thuộc các huyện, thành phố. UBND tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí về nông thôn mới và triển khai xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 đến 85 xã trên địa bàn toàn tỉnh. Hoàn thành bàn giao lưới điện hạ thế nông thôn cho ngành Điện quản lý, phục vụ có hiệu quả sản xuất và đời sống ở nông thôn.

Bên cạnh những thành quả to lớn từ chính sách giao ruộng đất cho nông dân thì cũng nổi lên một số khó khăn tồn tại sau đây:

- Việc giao đất được tính theo nhân khẩu tại thời điểm giao ruộng (chủ yếu là năm 1993). Từ đó đến nay nhân khẩu phát sinh mới không được chia ruộng trong khi sự chuyển dịch cơ cấu của kinh tế nói chung còn chậm, lao động trẻ trong nông nghiệp ở một số nơi một mặt không có ruộng, một mặt muốn thu nhập cao nên “đổ” về các đô thị, khu, cụm công nghiệp ở nơi khác nên đang xảy ra tình trạng lao động trong nông nghiệp gồm người lớn tuổi và phụ nữ chiếm tỷ lệ khá lớn.

- Đất được giao thực hiện theo phương châm “có xấu, có tốt, có gần, có xa” nên ruộng đất manh mún, không phù hợp với xu thế tất yếu của quá trình công nghiệp hóa xây dựng nông thôn mới. Mặc dù đã thực hiện “dồn điền, đổi thửa” giảm số thửa từ 6,7 thửa/hộ xuống còn 3,1 thửa/hộ nhưng nhìn chung còn manh mún.

- Một số người sử dụng đất nay không còn nhu cầu sử dụng nhưng không chuyển nhượng, chuyển đổi (coi như đất của để dành) trong khi một bộ phận nông dân lại không có đất sản xuất do sinh sau thời gian giao ruộng.

- Trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, một bộ phận không nhỏ nông dân bị thu hồi hết ruộng đất, tiền bồi thường đã sử dụng cơ bản hết, việc làm tại các khu công nghiệp hoặc hoạt động dịch vụ không phù hợp với trình độ và năng lực của họ nên lại xuất hiện tình trạng “người cày không có ruộng”; kéo theo vấn đề xã hội mà chúng ta phải đặc biệt quan tâm.

- Việc xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi... trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay tất yếu phải sử dụng đất để mở rộng nâng cấp công trình và phải vận động người dân “hiến đất” mà việc “hiến đất” cũng gặp khó khăn đối với những nơi có bình quân diện tích đất đai theo đầu người thấp và chính sách bồi thường của chúng ta hiện nay là bồi thường sát giá thị trường trong điều kiện bình thường (khi thu hồi đất).

- Vấn đề tích tụ đất đai, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất tạo ra các sản phẩm có thương hiệu là vấn đề cốt lõi của nền nông nghiệp nước ta trong quá trình công nghiệp hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, song thực tế “dồn điền đổi thửa” chỉ làm giảm số thửa/hộ, làm tăng quy mô diện tích của thửa đất chứ không hoàn toàn đó là tích tụ đất đai. Rất ít nông dân Nam Định chuyển nhượng đất nông nghiệp để thực hiện quá trình tích tụ đất đai, họ coi đó là tài sản gắn bó lâu dài đối với mỗi gia đình.

Từ một số bất cập nêu trên, thiết nghĩ chính sách pháp luật về đất đai đối với đất nông nghiệp thời gian tới cần thiết phải điều chỉnh bổ sung cho phù hợp:

Một là: Không chia lại ruộng đất sau 20 năm sử dụng (theo quy định của Luật Đất đai) nhưng cũng cần điều chỉnh từ người không có nhu cầu sang người có nhu cầu để tạo sự công bằng trong nông nghiệp, nông thôn và phát huy hơn nữa tiềm năng đất đai trong quá trình phát triển.

Hai là: Cần có những quy định cụ thể hơn để bảo vệ đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa, đồng thời có chính sách ưu đãi đối với vùng chuyên canh trồng lúa, nếu không sẽ rất khó bảo vệ, duy trì được quỹ đất trồng lúa hiện nay.

Ba là: Cần nhanh chóng điều tra đánh giá thực trạng việc làm, đời sống, sinh hoạt... của tất cả những hộ nông dân bị thu hồi đất vào các nhu cầu từ khi được giao ruộng đến nay trên địa bàn cả nước; từ đó có chính sách đất đai cho phù hợp với giai đoạn tiếp theo./.

 



xe nâng điện 5 tấn chính hãng Hangcha

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com