Cộng đồng chung tay chăm sóc người có công

08:07, 22/07/2011

Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ giữ nước, tỉnh ta hiện có hàng vạn đối tượng chính sách: gia đình liệt sỹ, thương, bệnh binh, nạn nhân chất độc hóa học đi-ô-xin… Những người phụ nữ không chỉ lao động quên cả tuổi thanh xuân mà còn cống hiến cho đất nước những người con máu thịt, độc nhất của mình. Những chiến sỹ can trường trên các trận tuyến chống quân thù và để lại chiến trường cả máu, xương, tuổi xuân của mình. Trở về quê hương trong thời bình, bước vào cuộc mưu sinh với những gian nan, vất vả khi cơ thể không còn lành lặn, vừa lo làm ăn vừa chống chọi với những cơn đau mỗi khi trái gió, trở trời… Nghiệt ngã hơn nữa là những người lính chiến đấu ở những vùng bị giặc Mỹ rải chất độc hóa học. Từng ngày chất độc ấy ngấm vào các anh, các chị mà không ai hay biết rằng nó không chỉ hủy hoại sức khỏe của họ mà còn gieo rắc ẩn họa di chứng cho nhiều thế hệ sau. Từ chiến trường trở về xây dựng tổ ấm, khi những đứa con ra đời, họ chưa kịp hưởng niềm hạnh phúc được làm cha mẹ thì đã phải chịu đựng những nỗi đau không thể nói hết bằng lời vì những khuyết tật, những khổ sở đeo đẳng cả gia đình suốt những tháng ngày tiếp theo. Không than thân, trách phận, không dựa dẫm ỷ lại, những gia đình liệt sỹ, thương, bệnh binh, người có công với cách mạng, nạn nhân chất độc da cam… đã luôn cố gắng khắc phục khó khăn, đấu tranh với gian khổ, bệnh tật vươn lên với tinh thần, ý chí “tàn nhưng không phế”, luôn giữ trọn truyền thống cách mạng, truyền thống “Anh bộ đội Cụ Hồ”. Dù vậy, cuộc mưu sinh không đơn giản với họ bởi những khó khăn, rủi ro, thiên tai, bệnh tật. Bên cạnh nhiều gia đình có đời sống được cải thiện, khá lên vẫn còn không ít gia đình khó khăn, thiếu thốn!

“Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống đạo lý từ ngàn đời của dân tộc ta. So với cả nước, tỉnh ta còn nhiều khó khăn về kinh tế nhưng lại là địa phương có số đối tượng chính sách đông. Mặc dù vậy, công tác chăm sóc người có công luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành và vận động toàn xã hội quan tâm chăm lo chu đáo, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng chính sách. Việc thực hiện các chế độ chính sách Nhà nước quy định được tỉnh chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc nhằm để các đối tượng chính sách được thụ hưởng kịp thời, đầy đủ, công bằng. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ này hiện gặp không ít khó khăn do tài liệu, giấy tờ bị thất lạc, đồng đội người còn, người mất, thêm vào đó là các văn bản chính sách thay đổi, bổ sung liên tục. Dù vậy, thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, của ngành, lực lượng cán bộ LĐ-TB và XH của tỉnh đã luôn cố gắng bám sát chế độ chính sách Nhà nước, nêu cao tinh thần trách nhiệm với những người có công, khẩn trương giải quyết các hồ sơ giúp các đối tượng được hưởng chế độ chính sách đúng quy định của Đảng và Nhà nước. Nhiệm vụ được “gói gọn” trong cụm từ “chăm sóc người có công” nhưng bao gồm rất nhiều công việc từ xác nhận liệt sỹ, đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH), chế độ cho người nhiễm chất độc hóa học, điều dưỡng thương, bệnh binh, xác nhận thương binh, chế độ trợ cấp… Ngoài ra còn tham mưu, tổ chức thực hiện nhiều phong trào xã hội, cộng đồng chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng... Riêng năm 2010, công tác xét duyệt hồ sơ, giải quyết chính sách ưu đãi người có công đã hoàn thành cho trên 43 nghìn đối tượng gồm: giải quyết trợ cấp ưu đãi học sinh, sinh viên thuộc đối tượng chính sách cho 20.800 hồ sơ; giải quyết chế độ trợ cấp 1 lần, thường xuyên cho TNXP chống Mỹ theo Quyết định 104/1999/QĐ-TTg; giải quyết trang cấp dụng cụ chỉnh hình cho người có công; giải quyết chế độ bảo hiểm y tế các diện (người hoạt động kháng chiến theo Quyết định 150/2006/QĐ-TTg, Quyết định 290, Quyết định 170/2008/QĐ-TTg…); tổ chức điều dưỡng tại chỗ cho trên 10.500 người. Sáu tháng đầu năm 2011 có trên 14 nghìn trường hợp người có công được giải quyết quyền lợi theo quy định. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng phát triển sâu rộng trong xã hội với sự tham gia ủng hộ tích cực của các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh và các địa phương, nhận phụng dưỡng Mẹ VNAH, chăm sóc thương binh nặng… Năm 2010, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” từ tỉnh đến cơ sở đã huy động được 5,6 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, nhiều gia đình chính sách khó khăn đã được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở, cải thiện điều kiện sinh hoạt; tu sửa các nghĩa trang liệt sỹ ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn. Tất cả các Mẹ VNAH của tỉnh hiện còn sống đều được các cơ quan, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng suốt đời. Cùng với chế độ chính sách của Nhà nước, trách nhiệm của các đơn vị nhận phụng dưỡng, bên những “người con” từ cộng đồng họ hàng, làng xóm, các Mẹ VNAH được chăm sóc đầy đủ, chu đáo cả về sức khỏe và tinh thần, không còn cô đơn trong tuổi già. Các thương, bệnh binh đã được chăm sóc sức khỏe, tinh thần thông qua việc thực hiện đúng, đủ các chế độ chính sách điều dưỡng luân phiên 5 năm/lần, điều dưỡng hằng năm tập trung tại các cơ sở điều dưỡng hoặc tại nhà theo yêu cầu. Mới đây, tỉnh đã đề nghị và được Bộ LĐ-TB và XH quy hoạch xây dựng Trung tâm Điều dưỡng người có công của tỉnh trong hệ thống các trung tâm điều dưỡng của cả nước bằng nguồn vốn do Bộ đầu tư, với quy mô 100 giường điều dưỡng và 100 giường điều trị, phục hồi, nuôi dưỡng suốt đời con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học gây dị dạng, bị dị tật, không có khả năng tự sinh hoạt. Sở LĐ-TB và XH và các ngành chức năng cùng huyện Vụ Bản đang tích cực triển khai lập dự án. Công trình này hoàn thành sẽ tạo điều kiện chăm sóc tốt hơn cho người có công và thân nhân của họ. Hằng năm, nhân các ngày lễ, tết, các dịp kỷ niệm lớn, các ban, ngành, địa phương đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên người có công và gia đình, tổ chức hội nghị gặp mặt biểu dương các đối tượng người có công tiêu biểu; tổ chức đón tiếp với nghi lễ trang trọng các trường hợp hài cốt liệt sỹ được gia đình tìm thấy và đưa về an táng tại quê hương… Các hoạt động tình nghĩa được tổ chức đều khắp, sôi nổi đã lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng về những giá trị đạo lý truyền thống tốt đẹp, tri ân, động viên và sẻ chia tâm tư nguyện vọng của gia đình cũng như cá nhân người có công với mọi người, góp phần xây dựng khối đoàn kết toàn dân. Các chính sách hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, hỗ trợ về giáo dục… giúp cho các đối tượng, con em người có công được học tập, tiếp cận với các dịch vụ phúc lợi xã hội, phát huy được khả năng của bản thân để phục vụ bản thân, gia đình và xã hội, giảm được gánh nặng cho cộng đồng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Tháng 7 lại đến! Toàn tỉnh đang dấy lên phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, thể hiện lòng biết ơn, ghi công các anh hùng liệt sỹ, thương, bệnh binh, người có công với cách mạng. Những ngọn nến tri ân đang được thắp lên từ mỗi người, mỗi gia đình và cả cộng đồng. Có thể nói, cả xã hội đã tập trung chăm lo, thực hiện chính sách đối với người có công, song do điều kiện thực tế, vẫn có nhiều gia đình chính sách còn khó khăn. Do vậy, công tác này cần được quan tâm chỉ đạo thực hiện liên tục với ý thức trách nhiệm cao nhất của các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội./.

Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com