Xã Yên Ninh (Ý Yên) có làng nghề mộc mỹ nghệ La Xuyên nổi tiếng. Hiện toàn xã có trên 85% hộ làm nghề, trong đó nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đồng chí Ninh Khắc Thắng, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã cho biết: Do nghề mộc truyền thống phát triển cho thu nhập khá nên hầu hết thanh niên và những người trong độ tuổi lao động đều tập trung làm kinh tế mà ít tham gia các hoạt động xã hội. Những người có tay nghề khá tham gia làm nghề có thu nhập 8-10 triệu đồng/tháng, trong khi phụ cấp cho đội ngũ cán bộ cơ sở hiện nay thấp nên việc tìm nguồn cán bộ cho cơ sở gặp khó khăn và không tạo được động lực để cán bộ gắn bó, nhiệt tình với công việc. Hiện đội ngũ bí thư chi bộ thôn, xóm của xã hầu hết là cán bộ hưu trí.
Làng quê Yên Ninh (Ý Yên) trong công cuộc đổi mới. |
Từ thực tế đó, Đảng uỷ xã Yên Ninh xác định lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế phải gắn với củng cố, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Đảng bộ xã hiện có 330 đảng viên sinh hoạt ở 9 chi bộ. Do đặc thù theo mô hình HTX nông nghiệp nên xã có 5 thôn nhưng chỉ có 4 chi bộ thôn, xóm, Chi bộ Ninh Xá là chi bộ ghép 2 thôn Ninh Xá thượng và Ninh Xá hạ, với 65 đảng viên; Chi bộ có đông đảng viên nhất là Chi bộ thôn Lũ Phong, với 90 đảng viên. Để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện nghị quyết, tổ chức sinh hoạt, mỗi chi bộ chia thành các tổ Đảng, phân công mỗi chi uỷ viên phụ trách một tổ Đảng. Những đồng chí được bầu vào ban chi uỷ, phân công làm tổ trưởng Đảng đều là những đồng chí có năng lực, uy tín và tinh thần trách nhiệm lãnh đạo chi bộ hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra. Bên cạnh đó, các chi bộ đều phân công chi uỷ viên phụ trách các đoàn thể: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… Ngay đầu mỗi nhiệm kỳ, Đảng uỷ xã đều xây dựng quy chế làm việc, duy trì việc giao ban Đảng uỷ với các bí thư chi bộ, trưởng xóm, trưởng các đoàn thể vào đầu tháng để triển khai nhiệm vụ trong tháng. Trong sinh hoạt Đảng, Đảng bộ luôn đề cao nguyên tắc tập trung, dân chủ, chế độ phê bình, tự phê bình, từ đó tạo sự đoàn kết, thống nhất trong mọi hoạt động. Trên địa bàn xã, nhiều năm qua không có tình trạng khiếu kiện, mất đoàn kết nội bộ, an ninh trật tự được giữ vững… Tình hình chính trị ổn định, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của xã trong 5 năm qua đạt 14%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng các ngành CN-TTCN, dịch vụ chiếm 70%, tăng 10% so với năm 2005, tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn xã năm 2010 đạt trên 200 tỷ đồng. Trong sản xuất nông nghiệp, giá trị thu nhập bình quân trên 1ha đất canh tác năm 2010 đạt 60 triệu đồng. Bình quân thu ngân sách xã hàng năm đạt 3,5 tỷ đồng (ngoài phần thu từ đấu giá quyền sử dụng đất). Thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/năm, tăng gấp 2 lần so với năm 2005, đời sống nhân dân ổn định, tỷ lệ hộ nghèo đến nay chỉ còn 4,5% theo tiêu chí mới. Từ nguồn ngân sách xã và các nguồn kinh phí khác, xã đã đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng như xây dựng mới trường tiểu học, xây dựng bổ sung phòng học trường THCS, xây dựng 2 khu nhà mẫu giáo với 8 phòng học kiên cố, đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông, xây dựng nhà văn hoá… với tổng kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản trong 5 năm (2005-2010) đạt 20 tỷ đồng. Hoạt động văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ. Xã có 2 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 90-95%, 4/5 thôn đạt danh hiệu làng văn hoá, 5 cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn “Đơn vị có nếp sống văn hoá”, 75% hộ dân đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hoá”. Bên cạnh nhiệm vụ lãnh đạo phát triển kinh tế, Đảng uỷ xã luôn chú trọng xây dựng, củng cố chính quyền, chăm lo xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Để chủ động nguồn cán bộ cho Đảng, chính quyền và các đoàn thể, Đảng uỷ xã thường xuyên quan tâm phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ trẻ. Thời gian qua, Đảng uỷ xã đã cử 7 người đi học nâng cao trình độ lý luận chính trị, nghiệp vụ chuyên môn để bổ sung nguồn cán bộ cho xã và cơ sở. Công tác phát triển Đảng cũng được tăng cường. Trong nhiệm kỳ 2005-2010, Đảng bộ xã đã kết nạp 45 đảng viên mới. Từ đầu năm 2011 đến nay, Đảng bộ xã đã kết nạp 8 đảng viên mới, trong đó có 50% là lao động nông nghiệp.Kinh tế phát triển, đời sống xã hội ổn định, bộ mặt nông thôn từng ngày được đổi mới, Đảng bộ xã Yên Ninh liên tục được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh xuất sắc. Hai nhiệm kỳ liên tiếp (nhiệm kỳ 2000-2005, 2005-2010) Đảng bộ xã được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tặng Cờ thi đua xuất sắc; 9/9 chi bộ đều đạt danh hiệu chi bộ trong sạch vững mạnh. Chính quyền xã 5 năm liền được UBND huyện khen thưởng, năm 2010 được đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc. Các đoàn thể chính trị xã hội của xã đều được công nhận là đơn vị khá của huyện. Tổng kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đảng bộ xã Yên Ninh đạt thành tích xuất sắc./.
Bài và ảnh: Hoài Phương