Vững tin ra khơi với Chiến lược biển

07:06, 16/06/2011

Tham dự Lễ mít tinh Quốc gia nhân Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2011, khẳng định 6 nhiệm vụ trong công tác biển và hải đảo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Cần tiếp tục khẳng định mạnh mẽ và thể hiện ý chí quyết tâm cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc… Tăng cường và thực thi có hiệu quả các biện pháp đồng bộ để bảo vệ ngư dân, các lực lượng làm kinh tế và các hoạt động hợp pháp trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Cần cơ chế kinh tế biển hiện đại

“Biển và hải đảo ngày càng trở thành nguồn lực kinh tế to lớn và không gian sinh tồn mới, đồng thời có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.

Trong thư gửi Diễn đàn Kinh tế biển Việt Nam 2011, Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên nhận định, Việt Nam chưa tổ chức được một cách khoa học và kiểm soát được không gian vùng biển của mình, chưa có nguồn nhân lực mạnh và công nghệ nghiên cứu, khảo sát hiện đại để phục vụ phát triển kinh tế biển.

“Chúng ta có điều kiện để kéo nguồn lực từ bên ngoài vào, có cơ sở ban đầu để khai thác biển, có chiến lược biển, giúp ta tiến quân ra biển hùng dũng”, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trao đổi bên lề Diễn đàn. “Phải phân biệt giữa vùng tranh chấp và vùng chồng lấn trên biển, có khu vực chồng lấn và tranh chấp, có vùng tranh chấp không chồng lấn. Có những nước vẽ vào mũi chân của ta mà nói đó là khu vực tranh chấp. Họ tranh chấp với ta nhưng ta không tranh chấp với họ, vì đó là của ta. Đã là của ta, sao gọi là vùng tranh chấp được” - PGS Nguyễn Chu Hồi, Phó Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nói.

“Việt Nam không thể khai thác biển tốt nếu không khẳng định được sự hiện diện của mình trên đại dương với tư cách một cường quốc biển. Trong tầm nhìn hiện tại, Việt Nam cần đặc biệt chú ý đến việc khẳng định sự hiện diện đại dương (trên các vùng biển quốc tế). Đó là cách chứng tỏ năng lực khẳng định chủ quyền, năng lực vươn xa thực sự của Việt Nam, cũng là cách để thoát khỏi lối tư duy và phương thức sinh tồn đánh bắt gần bờ, thiếu ý chí và văn hoá chinh phục”, PGS.TS Trần Đình Thiên nói.

Đây cũng chính là những điểm nhấn quan trọng trong triển khai Chiến lược Biển Việt Nam.

Tăng cường năng lực cho lực lượng kiểm ngư

PGS. Nguyễn Chu Hồi cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ mạnh hơn, bài bản hơn cho ngư dân, để họ có thể hùng dũng ra khơi. Phải có các mô hình tập đoàn hải sản tư nhân, thậm chí hợp tác quốc tế, mô hình kết hợp giữa quân và dân, vừa để ngư dân đánh bắt đạt hiệu quả, vừa bảo vệ tốt chủ quyền đất nước. Từ lâu, chúng ta đã có kiểm ngư, nhưng trong tình hình mới cần tăng cường năng lực cho lực lượng này, ông Hồi nói.

Bộ NN-PTNT vừa trình Chính phủ xem xét, phê duyệt đề án “Xây dựng lực lượng Kiểm ngư Việt Nam". Nếu đề án được thông qua, ngư dân sẽ có thêm một lực lượng bảo vệ khi khai thác trên biển.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết, nếu được thành lập, lực lượng kiểm ngư sẽ thực hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm về khai thác và bảo vệ nguồn lợi trên biển, tham gia cùng các lực lượng chức năng khác bảo vệ ngư dân, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Đề án nêu rõ, lực lượng kiểm ngư được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc thống nhất từ Trung ương xuống địa phương về chuyên môn nghiệp vụ. Cơ quan kiểm ngư được tổ chức ở Trung ương và các địa phương ven biển. Dự kiến sẽ có 5 kiểm ngư vùng trực thuộc Trung ương, gồm: Vùng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Hoàng Sa, Nam Trung Bộ và Trường Sa, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.

Ngư dân vững vàng bám biển

Tổ chức liên kết, tập hợp nhau cùng đánh bắt, khai thác thuỷ sản là mô hình của ngư dân Hoài Nhơn, địa phương có nghề khai thác hải sản phát triển khá mạnh của tỉnh Bình Định, liên kết bám biển lâu nay. Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh đang nhân rộng các mô hình này, tổ chức các lớp tập huấn cho ngư dân về chính sách pháp luật của Nhà nước, thông báo kịp thời về tình hình khai thác thuỷ sản ở các vùng tranh chấp trên biển để ngư dân biết, đề phòng…

Trước những diễn biến bất thường về việc hàng trăm tàu câu mực của Trung Quốc lấn sang ngư trường thuộc lãnh hải Việt Nam, trong những ngày qua ngư dân Phú Yên vẫn không ngần ngại tiếp tục ra khơi theo mô hình tổ tàu thuyền an toàn, bám biển đánh bắt cá và bảo vệ chủ quyền lãnh hải, một phần bởi công tác tuyên truyền về biển đảo cho ngư dân là việc làm thường xuyên của các đơn vị Bộ đội Biên phòng Phú Yên.

“Phát triển kinh tế biển phải gắn với an ninh quốc phòng” là vấn đề được nhất trí cao ở Hội thảo “Khai thác tiềm năng biển đảo vì sự phát triển bền vững” do UBND tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức. Tại lễ khai mạc Ngày hội Văn hoá Biển đảo Quảng Ngãi mới đây, các ngư dân đều khẳng định quyết tâm bám biển và không hề lo sợ đối mặt với tàu Trung Quốc.

Đại tá Bùi Hữu Thái, trưởng phòng Biển Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho rằng: Khi đi hành nghề trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, ngư dân nước ta phải “luôn bình tĩnh”. Trước tiên, khi ra biển, ngư dân phải trang bị cho mình kiến thức cơ bản về chủ quyền, ranh giới phân định vùng biển Việt Nam với các nước. Trong cộng đồng, ngư dân phải củng cố các tổ liên kết, các tổ tàu thuyền tự quản, an toàn để hỗ trợ, giúp đỡ nhau trên biển. Từ đó, Nhà nước - ngư dân đồng hành, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành Thuỷ sản và giữ vững chủ quyền biển đảo. Khi bị nước ngoài kiểm tra, kiểm soát trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, nếu bất đồng về ngôn ngữ thì bằng cử chỉ, ngư dân phải thể hiện: “Chúng tôi đang đánh bắt ở vùng biển Việt Nam". Đồng thời, qua phương tiện thông tin, tìm cách báo ngay cho Bộ đội Biên phòng và các lực lượng chức năng đất liền có biện pháp đấu tranh, bảo vệ. “Chúng tôi đang tiếp tục tham mưu cho Bộ Quốc phòng, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, giải quyết các vấn đề ngư dân Việt Nam bị bắt, góp phần bảo vệ quyền lợi, tài sản cho ngư dân yên tâm bám biển”, Đại tá Bùi Hữu Thái nói./.

Theo: monre.gov.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com