Trong muôn vàn tình thân yêu của Bác Hồ dành cho nhân dân có một tình yêu lớn dành cho thiếu nhi

08:06, 01/06/2011

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã hy sinh cả cuộc đời mình vì hạnh phúc của nhân dân. Sống cùng nhân dân, yêu quý nhân dân, đấu tranh cho hạnh phúc của nhân dân. Người với nhân dân là một. Nhưng trong nhân dân, thiếu niên và nhi đồng luôn luôn được Bác Hồ dành cho một tình thương yêu đặc biệt.

Trong dịp sang thăm Cộng hoà dân chủ Đức (tháng 7-1957), Hồ Chủ tịch và các đồng chí lãnh đạo Cộng hoà dân chủ Đức đến thăm và chụp ảnh lưu niệm với các cháu thiếu nhi Việt Nam lưu học tại Đức. Ảnh: Tl.
Trong dịp sang thăm Cộng hoà dân chủ Đức (tháng 7-1957), Hồ Chủ tịch và các đồng chí lãnh đạo Cộng hoà dân chủ Đức đến thăm và chụp ảnh lưu niệm với các cháu thiếu nhi Việt Nam lưu học tại Đức.
Ảnh: Tl.

Khi còn là một thanh niên hoạt động cách mạng ở Pháp, chú Nguyễn là người chú yêu quý của các cháu bé, con của các chiến sỹ cách mạng cùng hoạt động với Bác trong Hội Liên hiệp thuộc địa.

Năm 1923, khi sắp phải tạm biệt nước Pháp để lên đường qua Đức sang Nga hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã bí mật để lại một bức thư cho các bạn cùng hoạt động. Phần cuối của bức thư này, Người không quên tạm biệt các cháu bé của mình:

... Bây giờ, là một vài lời với cháu trai và cháu gái!

Các cháu rất yêu chú và chú cũng rất yêu các cháu, phải không các cháu? Chú sẽ nói với những người bạn nhỏ Việt Nam là các cháu rất ngoan. Chú sẽ thay mặt các cháu bắt tay các bạn nhỏ Việt Nam.

Có lẽ rất lâu, các cháu sẽ không được thấy chú Nguyễn, không được leo lên đùi, lên lưng chú như các cháu thường làm. Và cũng rất lâu, chú sẽ không thấy cô Alitxơ và cậu Pôn của chú. Khi chú cháu mình gặp nhau, có lẽ chú đã già, các cháu đã lớn bằng ba và má. Điều đó không ngại gì. Chú sẽ luôn luôn nhớ đến các cháu. Các cháu luôn luôn vẫn là cô bé Alitxơ và cậu bé Pôn thân yêu của chú.

Các cháu ngoan. Học thuộc bài. Vâng lời cha mẹ. Đừng đánh con chó nhỏ Mariúyt của các cháu. Khi các cháu đã hơi lớn, các cháu sẽ đấu tranh cho Tổ quốc của các cháu cũng như ba má, chú Nguyễn và những chú khác.

Các cháu nhỏ thân yêu của chú, chú hôn các cháu rất kêu. Các cháu hôn mẹ hộ chú.

Chú Nguyễn

Khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà báo nước ngoài đã giới thiệu lại toàn bộ bức thư này, và nói đó là lòng nhân ái Hồ Chí Minh. Người không chỉ yêu thương thiếu nhi Việt Nam mà tình thương yêu rộng lớn ấy của Người còn được dành cho thiếu nhi toàn thế giới.

*

Năm 1941, khi trở về Pác-Bó, Cao Bằng, trong một loạt bài thơ vận động cách mạng, Bác Hồ đã viết cho các em thiếu nhi hai bài: “Kêu gọi thiếu nhi - 1941”, và “Trẻ chăn trâu - 1942”. Cả hai bài thơ này đều in trên báo Việt Nam Độc lập:

“Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan
Chẳng may vận nước gian nan
Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng...”

Không những yêu thương, trìu mến, mà ngay từ những ngày đầu cách mạng ấy, Bác đã khẳng định vai trò của thiếu nhi Việt Nam:

“Người lớn cứu nước đã đành
Trẻ em cũng góp phần mình một tay”
Và Bác Hồ đã nói với các em:
“Bao giờ đuổi hết Nhật, Tây
Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng”

Sau này, khi nghe các cháu hát bài: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng. Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên Việt Nam...”. Bác Hồ rất cảm động. Tết Trung thu 1952, từ chiến khu Việt Bắc Bác Hồ đã viết cho các cháu một bức thư Trung thu bằng thơ:

“Ai yêu các nhi đồng
Bằng Bác Hồ Chí Minh
Tính các cháu ngoan ngoãn
Mặt các cháu xinh xinh...
Và Bác dặn dò:
Các cháu hãy xứng đáng
Cháu Bác Hồ Chí Minh”

*

Trong ký ức của mỗi người chúng ta, đã có biết bao những câu chuyện về Bác với thiếu nhi. Chúng ta nhớ có lần Người đã nói: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi...”. Những lần Bác Hồ đến thăm các cháu, ta thấy Bác như trẻ lại, Bác tươi cười hỏi han, chia kẹo cho các cháu, và thật tự nhiên, các cháu cũng chạy ùa đến với Bác như đến với một người ông gần gũi.

Cuối năm 1958, Bác Hồ đến thăm một lớp mẫu giáo. Trời rét, các cửa kính đóng kín. Bác Hồ vừa mở cửa vào thì cô và các cháu cùng reo lên: Bác Hồ! Bác Hồ! Rồi như một bầy chim ríu rít, các cháu đồng thanh: Chúng cháu chào Bác ạ! Bác vui vẻ nói:

- Biết tin các cháu chăm ngoan, vâng lời cô giáo, nên hôm nay Bác đến thăm trường. Rồi Bác hỏi:

- Các cháu ở đây có được ăn no không?
- Thưa Bác có ạ!
Bác đi xuống cuối lớp, hỏi một cháu:
- Các cô giáo có đánh các cháu không? Cháu bé đứng dậy:
- Thưa Bác không ạ.
Cuối cùng Bác hỏi:
- Các cháu có thích ăn kẹo không?
Cả lớp nhao nhao, nói rất to “Thưa Bác có ạ”.
Bác vui vẻ lấy kẹo rồi cùng các cô giáo chia cho các cháu. Bỗng Bác hỏi một cháu:
- Cháu muốn được mấy cái kẹo?
- Thưa Bác... hai cái ạ.
- Sao lại chỉ có hai?
- Thưa Bác, còn để dành cho các bạn khác ạ.
Bác cười xoa đầu cháu bé: “Như thế là rất ngoan!”.

Một lần, một cô giáo dẫn các cháu nhỏ đi chơi phố, khi qua Phủ Chủ tịch, cô bảo: Đây là chỗ Bác Hồ làm việc. Thế là các cháu cứ đòi vào xem.

Đúng lúc đó, Bác Hồ đi công tác về. Bác liền bảo một cán bộ ra mở cổng cho các cháu vào. Thật không ngờ, các cháu vui sướng quá ùa vào như một đàn chim. Không ai bảo ai, các cháu đều nói to: “Chúng cháu chào Bác ạ!”.

Tiết mục văn nghệ của thiếu nhi Thủ đô Hà Nội chào mừng Hội nghị Tổng kết 3 năm Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" (tháng 5-2011). Ảnh: xuân thu
Tiết mục văn nghệ của thiếu nhi Thủ đô Hà Nội chào mừng Hội nghị Tổng kết 3 năm Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" (tháng 5-2011).
Ảnh: Xuân Thu

Bác xoa đầu các cháu, cười hỏi:
- Thế bây giờ các cháu thích gì nào?
- Thưa Bác, chúng cháu muốn đi xem nhà Bác Hồ ạ! Bác cười:

- Đây không phải là nhà của Bác. Đây chỉ là nơi Bác làm việc thôi. Để Bác dẫn các cháu đi xem vườn hoa nhé.

Thế rồi Bác dắt tay các cháu đi xem hoa. Bác cháu dạo quanh vườn, như một người ông dẫn đàn cháu đi chơi. Một lúc các cháu xếp hàng chào Bác ra về. Bác Hồ đứng vẫy theo mãi. Vừa vẫy tay chào, Bác vừa đếm được tất cả 24 cháu...

Bác Hồ kính yêu của chúng ta là như thế đấy! Trong muôn vàn tình thân yêu của Người dành cho nhân dân, có một tình yêu lớn dành cho trẻ em. Trong những năm cuối đời, trên bàn làm việc của Người thường có một cái phong bì để những tấm ảnh các cháu dũng sĩ miền Nam. Mỗi khi có khách quý nước ngoài đến thăm, Bác thường đem ra giới thiệu. Bác nói các cháu này đã được đồng bào miền Nam bầu là dũng sĩ, các cháu ấy đã làm được những việc mà trước đây chúng tôi ở tuổi ấy không làm được.

Yêu quý thiếu nhi, và Người luôn luôn nhắc nhở chúng ta phải quan tâm đến việc giáo dục thiếu niên nhi đồng. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ phụ trách nhi đồng toàn quốc, ngày 25 tháng 8 năm 1950, Bác Hồ viết:

“Giáo dục nhi đồng là một khoa học. Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hoá. Đồng thời phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hoá ra già cả”.

Ba tháng trước ngày đi xa, ngày 1 tháng 6 năm 1969, Bác lại viết bài: “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” in trên báo Nhân dân. Bác viết:

“Thiếu niên nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ. Trong thời gian tới và trong dịp hè này, cần phải đẩy mạnh công tác thiếu niên nhi đồng đạt nhiều kết quả tốt và thiết thực”.

Bác nhắc nhở các gia đình, các đoàn thể phải có kế hoạch cụ thể chăm sóc và giáo dục các cháu, làm cho các cháu ngày càng khoẻ mạnh và tiến bộ. Các tỉnh uỷ, thành uỷ cần phải phụ trách và đôn đốc việc này cho có kết quả.

Và ngày nay, Năm điều Bác Hồ dạy thiếu nhi đã trở thành nội dung chính trong việc giáo dục thiếu niên nhi đồng, và được phổ biến rộng rãi trong các trường học ở nước ta:

“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh thật tốt
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”

Tiến sĩ sử học, nhà báo E.V Cô-bê-lép đã viết: “Một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong tính cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng yêu quý thiếu nhi. Người đã dành tất cả tấm lòng yêu thương của người ông cho hàng triệu trẻ em Việt Nam, mà Người đã gọi trìu mến là các cháu”.

Trong Bản Di chúc lịch sử của mình, Bác Hồ cũng đã hai lần nhắc đến các cháu nhi đồng, và Người đã dành muôn vàn tình thân yêu của mình cho các cháu nhi đồng Việt Nam và nhi đồng quốc tế.

Mối quan tâm ấy của Người, càng nhắc nhở chúng ta nhớ đến trách nhiệm của mình trong việc giáo dục thiếu niên, nhi đồng./.

Thái Bình



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com