Đồng chí Bí thư Thành ủy Nam Định trao Giấy khen cho các Đảng bộ cơ sở có thành tích xuất sắc trong công tác dân vận. |
Việc xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội nghiêm túc thực hiện. Nhiều mô hình, điển hình của tập thể và cá nhân phát triển bền vững, có sức lan toả sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố quốc phòng - an ninh, phát huy dân chủ trong giải quyết các công việc có liên quan trực tiếp đến nhân dân. Ngoài ra, thông qua các mô hình “Dân vận khéo” đã tạo chuyển biến nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể về công tác dân vận. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” ở các Đảng bộ cơ sở chưa đồng đều, chưa thường xuyên, liên tục. Một số mô hình còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân nên thiếu sức lan toả và khó nhân ra diện rộng. Bên cạnh đó, một số cấp uỷ Đảng ở cơ sở chưa tập trung chỉ đạo công tác xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”; các tiêu chí để đánh giá mô hình chưa cụ thể nên cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng khi triển khai thực hiện.
Để phong trào thi đua xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đạt hiệu quả và phát triển bền vững, trong thời gian tới, các Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong tỉnh cần quán triệt sâu rộng quan điểm của Đảng về công tác dân vận và tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân gắn với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và triển khai thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, đưa việc chỉ đạo thực hiện xây dựng mô hình này vào nội dung, chương trình công tác của cấp uỷ, đồng thời tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc để xây dựng mô hình mới có hiệu quả. Bên cạnh đó, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức vận động quần chúng theo hướng “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, chú trọng đến công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” để tuyên truyền phổ biến và nhân ra diện rộng. Qua đó tạo sức lan toả của phong trào, củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền, bảo đảm thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân để tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.
Bài và ảnh: Nghĩa Châu