Kể tiếp chuyện biển Đông

07:06, 16/06/2011

“Vấn đề biển Đông cần được giải quyết bằng đàm phán hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tôi không muốn những vụ việc tương tự vụ tàu Bình Minh 02 tiếp tục xảy ra trong tương lai…”, tia hy vọng nhỏ nhoi nhen lên từ lời nói hoa mỹ của ông Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc tại Diễn đàn An ninh châu Á (Sangra-La 10) chưa kịp loé sáng thì đã tắt ngỏm. Phía Trung Quốc lại tiếp tục gây ra những vụ việc nghiêm trọng ở vùng biển nước ta.

Muốn sống hoà bình, thân thiện, hợp tác để cùng phát triển thì các quốc gia phải xây dựng lòng tin đối với nhau nên chúng ta vẫn tin rằng với vị trí và tư cách của một nước lớn, Trung Quốc đủ tỉnh táo để không tự làm xấu hình ảnh của mình trước cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, trước những việc diễn ra gần đây ở Philippines khiến ta không thể không cảnh giác đề phòng những tình huống xấu có thể xảy ra. Theo báo chí nước này cho biết thì trong tháng 5 liên tiếp xảy ra hai vụ tàu Trung Quốc xâm phạm hải phận của Philippines ngay trong thời điểm ông Lương Quang Liệt đang tiến hành chuyến thăm hữu nghị nước này. Ngày 24-5, tức chỉ một ngày sau cuộc gặp giữa ông Lương Quang Liệt với ông Gazmin, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines mà tại cuộc gặp này cả hai đều cam kết sẽ không có hành động gì gây ảnh hưởng lên cụm đảo Kalagayaan (Việt Nam gọi là quần đảo Trường Sa) thì tàu vận tải và hai tàu tên lửa của Trung Quốc đã cập vào bờ Amy Douglas và đặt lên đó những trụ cột và phao bơi. Bộ Ngoại giao Philippines đã gửi Công hàm tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc cực lực phản đối hành vi vi phạm Tuyên bố về thái độ ứng xử của các bên ở biển Đông mà Trung Quốc đã ký với ASEAN, còn ông Gazmin thì rất thất vọng trước thái độ thiếu lịch thiệp, vuốt mặt không nể mũi của ông bạn lớn.

Thế là sự cảnh giác của ta không thừa, tình huống xấu ấy quả nhiên đã lại xảy ra trên vùng biển nước ta sớm hơn dự kiến của nhiều người. 6 giờ sáng ngày 9-6, trong khi tàu Viking 2 do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thuê đang thu nổ địa chấn 3D tại lô 103,03 (toạ độ 6 độ 47,5 Bắc, 109 độ 17,5 Đông) tại khu vực thềm lục địa của Việt Nam, tàu cá Trung Quốc mang số hiệu 62226 được sự yểm trợ của hai tàu ngư chính Trung Quốc số hiệu 311 và 303 đã chạy ngang qua mũi tàu Viking 2, sau đó đổi hướng và gia tăng tốc độ. Mặc dù phía Việt Nam đã phát pháo hiệu cảnh cáo nhưng tàu 62226 vẫn cố tình lao vào tuyến cáp khảo sát của tàu Viking 2 và bộ phận cắt cáp chuyên dụng của tàu 62226 đã mắc vào tuyến cáp của tàu Viking 2 khiến tàu này không thể hoạt động bình thường. Tiếp đó, hai tàu ngư chính cùng với một vài tàu cá khác của Trung Quốc đã vào giải cứu cho tàu 62226. Sự thực rõ như ban ngày mà họ lại nỏ mồm vu cáo tàu cá Việt Nam tấn công tàu cá Trung Quốc.

Trung Quốc có thực hiện đúng những điều mà họ đã nói hay không không hoàn toàn do ý muốn chủ quan của họ mà còn tuỳ thuộc vào thái độ phản ứng của đối phương, nếu ta kiên quyết đối phó thì có thể họ tạm thời hoà hoãn, còn nếu ta nhân nhượng thì họ càng lấn tới chứ Công ước LHQ về Biển mà họ còn chẳng coi ra gì, huống chi mấy lời nói xuông, hứa hão.

Việc các tàu Trung Quốc liên tục gây hấn, quấy nhiễu vùng biển của ta cũng như của Philippines thực chất là những hành động thăm dò phục vụ cho mục tiêu lớn mà họ đã ấp ủ từ lâu là độc chiếm biển Đông và để thực hiện mưu đồ này thì Philippines và Việt Nam là hai rào cản đầu tiên phải dỡ bỏ. Một tờ báo mạng của Trung Quốc đã nói thẳng ra rằng, trong 5 nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Nam Hải (tức biển Đông) thì Việt Nam hung hăng nhất nhưng thực lực thì yếu nhất (chắc là do không thấy ta dùng tàu chiến và máy bay xua đuổi tàu hải giám của họ như Philippines nên cho là ta yếu). Đầy rẫy trong đầu tư tưởng Đại Hán, họ làm sao mà hiểu được chính sách quốc phòng “hoà bình và tự vệ” của nước ta. Chúng ta xây dựng quân đội gọn nhẹ tinh nhuệ và hiện đại đủ sức đánh thắng bất kỳ một cuộc chiến tranh xâm lược nào để giữ gìn và bảo vệ từng tấc đất, tấc biển của Tổ quốc nhưng không phô trương lực lượng, diễu võ dương oai, không gây lo ngại cho bất kỳ quốc gia nào về đe doạ sử dụng vũ lực. Đứng sau đội quân ấy là bức tường thành dựng lên từ ý chí của 86 triệu người, của nghìn năm kinh nghiệm lịch sử chống ngoại xâm, sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của chính nghĩa. Không phải chỉ kẻ yếu mới nói nhiều đến tự vệ mà vì không muốn chiến tranh gây đau thương tang tóc cho dân tộc mình và các dân tộc khác. Còn “Nếu có xung đột trên biển Đông xảy ra thì không bên nào thắng, thiệt hại trước hết cho các nước tham gia xung đột và ảnh hưởng tới tất cả những nước có lợi ích ở khu vực” - câu nói của Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng nước ta là lời răn đe đối với những cái đầu nóng rằng chớ chơi dao mà đứt tay.

Dân tộc ta là dân tộc yêu chuộng hoà bình, thiết tha với hoà bình không muốn chiến tranh nhưng không sợ chiến tranh. Trước mưu đồ bành trướng độc chiếm biển Đông của Trung Quốc, cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo của nhân dân ta có thể sẽ lâu dài, nhưng dù 10 năm, 20 năm hay lâu hơn nữa, dù phải hy sinh nhiều của, nhiều người cũng quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và các hoạt động kinh tế biển. “Việt Nam có đủ ý chí, quyết tâm vào sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình”. Đó là lời tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới 8-6 và Tuần lễ Biển - Hải đảo Việt Nam 2011.

Toàn dân, toàn quân ta hoan nghênh và ủng hộ thái độ mạnh mẽ và kiên quyết của Đảng và Nhà nước phản đối những hành động coi thường luật pháp quốc tế của phía Trung Quốc gây căng thẳng trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam và sẵn sàng hành động vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu./.

Theo: tainguyenmoitruong.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com