Huyện uỷ Nghĩa Hưng lãnh đạo xây dựng nông thôn mới

08:06, 22/06/2011

Xây dựng nông thôn mới (NTM) là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn, xoá dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, tại đại hội Đảng bộ huyện Nghĩa Hưng lần thứ XXIII đã xác định: Xây dựng NTM là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ 2010-2015 và là 1 trong 5 Chương trình công tác trọng tâm toàn khoá của Đảng bộ.

Ngay sau đại hội, Huyện uỷ Nghĩa Hưng đã thông qua nghị quyết chuyên đề về “Lãnh đạo xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn huyện”. Huyện đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM của huyện do đồng chí bí thư huyện uỷ làm trưởng ban, đồng thời tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng nông thôn theo 5 nhóm và 19 tiêu chí xây dựng NTM tại 25 xã, thị trấn của huyện. Trên cơ sở kết quả khảo sát, UBND huyện đã xây dựng Đề án “Xây dựng NTM huyện Nghĩa Hưng giai đoạn 2010-2015”, chỉ đạo xã Nghĩa Sơn (đơn vị làm điểm của tỉnh) tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, phấn đấu đến năm 2015, toàn huyện có 9 xã cơ bản đạt các tiêu chí về NTM. Bên cạnh đó, huyện đã hoàn thành quy hoạch sản xuất nông nghiệp và tiếp tục triển khai quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Một trong những mục tiêu cơ bản của chương trình xây dựng NTM là xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo điều kiện cho KT-XH phát triển, do đó huyện uỷ đã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng kết cấu hạ tầng đường giao thông nông thôn, xây dựng hệ thống thuỷ lợi, xây dựng các thiết chế văn hoá... Về xây dựng hệ thống giao thông, huyện thực hiện cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đối với đường trục huyện do ngân sách tỉnh, huyện và xin hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để đầu tư; các xã, thị trấn vận động nhân dân hiến đất và tự giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình. Hệ thống đường nối từ đường trục tỉnh, huyện tới trung tâm các xã, thị trấn, ngân sách xã và huy động nhân dân đóng góp xây dựng hệ thống thoát nước 2 bên đường, ngân sách huyện đầu tư xây dựng mặt đường… Đối với đường dong, ngõ xóm, hệ thống thuỷ lợi, nhà văn hoá thôn, xóm do ngân sách xã và huy động nhân dân đóng góp, ngân sách tỉnh, huyện chỉ hỗ trợ một phần theo chương trình xây dựng NTM. Với cơ chế đó, thời gian qua, huyện Nghĩa Hưng đã triển khai có hiệu quả một số dự án như: Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường Giây Nhất, chợ Gạo dài 13,2km, đã có trên 800 hộ dân 2 bên đường tự giải phóng mặt bằng và hiến đất để đầu tư, cải tạo, nâng cấp công trình, trong khi nếu phải trả tiền giải phóng mặt bằng và đền bù cho dân ước tính số tiền lên đến trên 10 tỷ đồng. Xã Nghĩa Sơn đã vận động nhân dân tự nguyện hiến đất mở rộng đường ra đồng, sau 3 tháng đã đắp mở rộng nền đường từ 3-4m lên 5,5m, tuyến đường dài 18,5km, theo đúng quy định trong tiêu chí quy hoạch NTM. Cũng với cách làm tương tự, từ năm 2009 đến nay, xã Nghĩa Phong đã xây dựng và đưa vào sử dụng 9 nhà văn hoá thôn, với kinh phí đầu tư 200-250 triệu đồng/nhà, trong đó ngân sách xã đầu tư 50%, còn lại do nhân dân tự nguyện đóng góp.

Cùng với việc đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo sự đổi thay về diện mạo của bộ mặt nông thôn, huyện tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở mang ngành nghề, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong sản xuất nông nghiệp, huyện chỉ đạo mở rộng diện tích trồng cây vụ đông trên đất 2 vụ lúa, chuyển đổi vùng sản xuất 2 vụ lúa kém hiệu quả sang sản xuất rau màu hoặc nuôi thuỷ sản, hình thành các trang trại, gia trại chăn nuôi để tạo hiệu quả kinh tế cao. Những năm qua, sản xuất trang trại, gia trại trên địa bàn huyện phát triển mạnh, các trang trại nuôi thuỷ sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung đã từng bước thay thế cho hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ. Toàn huyện đã phát triển được 221 trang trại nuôi thủy sản, có trang trại rộng tới 4-5ha với con nuôi chủ lực là: tôm sú, cua, cá bống bớp… Nhiều trang trại có nguồn thu đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm. Tốc độ tăng trưởng toàn ngành Thủy sản những năm gần đây của huyện đạt 15-17%/năm, sản lượng nuôi trồng đánh bắt hải sản năm 2010 ước đạt 23 nghìn tấn. Các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế biển, nhất là hạ tầng phục vụ nuôi thuỷ sản, dịch vụ du lịch... được tăng cường. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục duy trì và phát triển các ngành sản xuất CN-TTCN truyền thống và du nhập thêm một số nghề mới, phấn đấu tất cả các xã, thị trấn đều có làng nghề, góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động hợp lý theo tiêu chí xây dựng NTM. Theo thống kê, đến nay trên địa bàn huyện có 184 doanh nghiệp với nhiều ngành nghề phát triển mạnh như sản xuất vật liệu xây dựng, sửa chữa và đóng mới tàu thuỷ, chế biến các sản phẩm từ cói… tập trung ở các xã Nghĩa Trung, Nghĩa Sơn, Nghĩa Châu, Nghĩa Phong, Nghĩa Bình, Thị trấn Rạng Đông. Tuy nhiên tốc độ phát triển CN-TTCN, làng nghề trên địa bàn huyện còn chậm, hầu hết là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, trang thiết bị công nghệ còn lạc hậu, sản phẩm chủ yếu dùng cho tiêu thụ nội địa, trong khi việc du nhập phát triển ngành nghề mới còn chậm, vì vậy lao động trong lĩnh vực sản xuất CN-TTCN đạt thấp, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp vẫn chiếm đa số với trên 70%. Đây là khó khăn của địa phương trong tiến trình xây dựng NTM. Huyện Nghĩa Hưng đề nghị tỉnh tiếp tục cho phép đầu tư xây dựng mới các khu, CCN theo quy hoạch đã được duyệt, có chính sách phát triển làng nghề và đầu tư về nông thôn như chính sách đất đai, khuyến công, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia. Quan tâm đào tạo nghề cho nông dân, gắn với tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…

Hoài Phương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com