Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người tìm đường cho Cách mạng Việt Nam!

07:06, 02/06/2011

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm tháng Người sống ở nước ngoài có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đấy chính là những ngày tháng Người đi tìm đường cho Cách mạng Việt Nam. Và trong suốt 30 năm trời đặt chân tới nhiều bến bờ xa lạ, tới những đất nước giàu có, cũng như những đất nước nghèo khổ, bị áp bức, tiếp xúc với nền văn minh nhân loại, với chủ nghĩa Mác - Lênin, Anh Ba - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, đã trở thành người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, thành người anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hoá thế giới.

Ngày mồng 5 tháng 6 năm 1911, khi con tàu Đô đốc Latútsơ Trê-vin kéo bốn hồi còi dài, rồi từ từ rời khỏi bến Cảng Sài Gòn (Cảng Nhà Rồng hiện nay) đi Pháp. Trong số 72 thuỷ thủ và nhân viên trên tàu, có một người thanh niên Việt Nam mảnh khảnh, tên là Văn Ba. Anh là phụ bếp trên tàu, suốt ngày cào lò, xúc than, cọ rửa gian bếp lớn trên tàu, dậy sớm để khuân vác thực phẩm từ dưới hầm ướp lạnh lên bếp… phục vụ cho gần 800 hành khách. Quần áo anh lúc nào cũng đầy bụi than và mồ hôi. Nhưng có lẽ, không ai biết được người thanh niên đó, chính là người con thứ ba của một cụ phó bảng yêu nước, anh đã có thời gian ngắn đi dạy học ở trường Dục Thanh, Phan Thiết. Nhưng họ đều có cảm tình với anh vì sự chăm chỉ, tính tình vui vẻ, và đặc biệt là có đôi mắt sáng, thông minh. Những lúc nghỉ ngơi, lại thấy anh đọc sách, hoặc học tiếng Pháp với các thủy thủ.

Yêu nước, nhưng đâu phải chỉ có lòng yêu nước là đủ. Trước hết, phải tìm ra một con đường như nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Người đi tìm hình của nước”.

Trong cuộc đời đi tìm đường ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi từ biển, và để 30 năm sau, Người trở về với núi ở Pác-Bó Cao Bằng.

Trong bài thơ “Bể và Người”, Chế Lan Viên đã viết:

“Ai nói hết những đại dương
trong đời của Bác
… Tuổi thanh xuân,
Người nghe những thuỷ triều”.

“Người Chủ tịch Nước mai sau,
giờ phụ bếp
Ý lớn đến cùng Anh,
giữa dây xích, cột buồm
Khi bách bộ trên sàn tàu nhỏ hẹp
Đã đến cùng Anh chưa,
câu đầu tiên của bản Tuyên Ngôn”.

“Ý lớn đến cùng Anh, giữa dây xích, cột buồm”. Ấy là nhà thơ nhớ đến một lần, trong lúc trời giông bão, anh Ba đang kéo một sọt măng trên boong tàu thì một đợt sóng lớn chồm tới, cuốn lấy thân thể mảnh dẻ của anh và suýt nữa lôi anh xuống biển. Thật may mắn, vào khoảnh khắc cuối cùng thì anh bám được vào dây xích, cột buồm, nhờ đó thoát chết.

“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, anh Ba thường nói với bạn bè như thế! Và cái câu nói ấy của ông cha, một lần nữa lại được chứng minh bằng chính cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày mồng 6 tháng 7 năm 1911, tàu Latútsơ Trê-vin cập cảng Mác-xây. Đấy cũng là lần đầu tiên, anh Ba nhìn thấy nước Pháp. Và hình ảnh đầu tiên, anh chú ý đến không phải là những khu phố lộng lẫy, những cửa hàng xa hoa, mà là những người công nhân khuân vác cực nhọc, những người ăn xin và những cô gái điếm trên bến cảng. Thì ra ở đâu cũng có những người lao động nghèo khổ, bị áp bức và những ông chủ giàu có.

Một ý nghĩ nảy ra trong óc anh Ba, cần phải đi đến nhiều nước khác nữa. Được sự giúp đỡ của người chủ tàu, anh Ba chuyển sang làm thuê cho hãng vận tải tàu biển Chargeurs Réunis đi vòng quanh châu Phi. Có người khuyên anh, tàu đi châu Phi sóng lớn, khí hậu khắc nghiệt… nhưng anh vẫn quyết tâm đi. Và chính chuyến đi này đã giúp anh Ba có dịp qua nhiều bến cảng Ai Cập, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Angiêri, Tuynidi, Công Gô, Đahomây, Xênêgan, Reunion…

Chính ở bến cảng Dakar, anh đã nhìn thấy bọn Pháp thực dân bắt những người da đen nhảy xuống sóng dữ để bơi ra tàu, nhiều người bị sóng lớn cuốn đi, vùi xác dưới biển sâu…

Sau đó, anh lại chuyển sang một con tàu qua Đại Tây Dương sang châu Mỹ.

Cuối năm 1912, anh Ba đến nước Mỹ - Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, cái tên mà anh đã nghe nhiều người nói đến.

Con tàu tiến dần vào bờ biển nước Mỹ. Anh Ba đã nhìn thấy tượng thần Tự do sừng sững trên hòn đảo Bét-lốc gần cửa cảng, nơi mà mọi con tàu vào bến cảng NewYork đều phải đi qua.

Đến Mỹ, anh Ba đi làm thuê mấy tháng liền ở Brooklin để kiếm sống. Có lần anh đã tìm đến khu Hác-lem của những người da đen nghèo, và rất xúc động trước những điều kiện sống của họ. Cũng phải nói Mỹ là một nước giàu, có những toà nhà chọc trời, nhiều người có cuộc sống quá dư thừa, nhưng bên cạnh đó vẫn là nhiều người nghèo khổ, nhất là những người da đen. Anh cũng đã từng chứng kiến sự phân biệt chủng tộc tàn bạo, với kiểu hành hình Lin-sơ.

Một lần, anh Ba cũng đã đến chiêm ngưỡng  tượng thần Tự do, biểu tượng của nước Mỹ. Một pho tượng bằng đồng đồ sộ, cao gần 50 mét, trên đầu đội vòng nguyệt quế, tượng trưng cho vinh quang, tay phải giơ cao bó đuốc đang cháy, tay trái cầm quyển Hiến pháp của nước Mỹ viết năm 1776.

Và chính ở đây, anh Ba đã ghi lại cảm tưởng của mình, với ba câu hỏi lớn:

“Ánh sáng trên đầu thần Tự do toả rộng khắp trời xanh, còn dưới chân tượng thần Tự do thì người da đen đang bị chà đạp. Bao giờ người da đen được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc? Bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới?”.

Những câu hỏi lớn ấy, cho đến nay thế giới của chúng ta vẫn còn phải đấu tranh để thực hiện. Thế nhưng Bác Hồ của chúng ta đã nêu ra cách đây gần 100 năm, nói thật chính xác là đã 99 năm!

Cuối năm 1913, anh Ba đã từ Mỹ sang Anh. Lại phải lao động để kiếm sống, anh nhận việc xúc tuyết ở một trường học, làm thợ đốt lò cho các nhà giàu. Lao động cực nhọc nhưng anh vẫn theo đuổi việc học tiếng Anh, mỗi ngày 10 từ, 10 từ… và anh kiên trì với công việc này.

Nước Anh là nước có nhiều thuộc địa nhất thế giới. Anh Ba đã nhìn thấy ở đây, những cung điện nguy nga, những tốp lính cận vệ đội mũ đồng sáng choé và đội kỵ binh đính rua nhung đỏ oai vệ đi hộ tống xe vua. Song ngay trong những thành phố lớn, cũng thấy những đoàn người nghèo khổ, công nhân và lao động Anh đi biểu tình đòi quyền lợi.

Sau cùng, thì anh cũng được nhận vào làm ở khách sạn Các-lơ-tơn, do ông vua đầu bếp Ét-cốp-phie người Pháp điều khiển. Công việc của anh là dọn dẹp bát đĩa. Anh không vứt những thức ăn thừa vào thùng như những người khác, mà để riêng những thức ăn thừa còn sạch sẽ lại. Anh nói với ông Ét-cốp-phie:

- Thưa ông, không nên vứt đi! Ông có thể cho người nghèo những thứ này!

Từ đó, ông vua đầu bếp người Pháp thấy thêm yêu người thanh niên Việt Nam này và ông đưa anh vào chỗ làm bánh để có lương cao hơn. Giờ nghỉ, người ta lại thấy anh Ba tay cầm quyển sách, ngồi ở một chỗ vắng trong vườn hoa Hay-dơ tự học. Còn ngày Chủ nhật thì anh đi học tiếng Anh với một giáo sư người Ý.

Cuối năm 1917, anh Ba từ Anh qua biển Măng-sơ về Pháp. Paris vốn là thủ đô chính trị của châu Âu. Chính Mác và Ăngghen đã từng sống và làm việc ở Paris, rồi Lê-nin cũng đã sống ở đây, tại phố Mari-Rôdơ ba năm liền. Paris cũng là nơi có nhiều người Việt sinh sống.

Sáu năm trời ở Paris, thật là những ngày hữu ích. Anh Ba đã được nghe tin cuộc Cách mạng Tháng Mười ở nước Nga. Năm 1919, anh gửi bản yêu sách với Chính phủ Pháp đòi quyền sống cho dân tộc mình và trở thành một nhà báo với cái tên mới Nguyễn Ái Quốc. Năm 1920, anh được đọc luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê-nin và trở thành người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Tháng 4 năm 1922, anh ra báo Người cùng khổ.

Ngày 30 tháng 6 năm 1923.

Sau khi đã để lại một số bài báo để đăng dần trên báo Người cùng khổ, nhằm che mắt địch. Anh Nguyễn ăn mặc sang trọng bước lên toa loại một của con tàu tốc hành Pari-Berlin. Sau đó, với tên Chen-Vang trên giấy nhập cảnh vào Pêtơrôgrat, Nguyễn Ái Quốc đã đến nước Nga. Anh công tác ở ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản và tham gia các khoá học của Trường Đại học Phương Đông.

Ngày mồng 10 tháng 10 năm 1923, anh dự Đại hội Quốc tế nông dân và được bầu vào chủ tịch đoàn, cơ quan lãnh đạo của nông dân quốc tế.

Ngày 17 tháng 6 năm 1924, đồng chí Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 5 tại Mátxcơva. Và sau đó được cử là phái viên toàn quyền ban thư ký viễn đông của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản.

*

Thế là những câu hỏi lúc ra đi, đã được trả lời: Muốn giải phóng dân tộc mình, không có con đường nào khác là con đường cách mạng vô sản. Và từ một tấm lòng yêu nước nồng nhiệt, anh Nguyễn đã trở thành một chiến sỹ cộng sản, một người dẫn đường cho cách mạng Việt Nam.

Nhà thơ Chế Lan Viên viết:

“Đời bồi tàu lênh đênh theo sóng bể
Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi
Những đất tự do, những trời nô lệ
Những con đường cách mạng đang tìm đi

… Ngày mai, dân tộc sẽ sống sao đây
Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?
Bao giờ dải Trường Sơn tỉnh bừng giấc ngủ
Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây

Rồi cờ sẽ ra sao? Tiếng hát sẽ ra sao?

Nụ cười sẽ ra sao?
Ơi Độc Lập!
Xanh biếc mây là trời xanh Tổ quốc
Khi tự do về chói ở trên đầu.

Tất cả, tất cả những câu hỏi ấy, bây giờ đã được trả lời và trở thành hiện thực.

Một nước Việt Nam mới, gần 90 triệu dân, nối liền một dải Bắc Nam, đang đoàn kết phấn đấu, xây dựng đất nước mình trở thành một đất nước công nghiệp hiện đại và văn minh.

Trong những ngày lịch sử lớn lao
Ta lại thấy thêm ngàn lần nhớ Bác
Cờ đỏ bay cả hai miền Nam Bắc
Nhớ bếp lửa Bác Hồ - đêm Pác Bó đầu tiên!

Bùi Công Bính



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com