Đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong xây dựng nông thôn mới

01:05, 23/05/2011

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trực tiếp thực hiện, trực tiếp hưởng lợi, người dân nông thôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng NTM. Chính vì vậy, áp dụng, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, qua đó phát huy vai trò chủ động, tích cực của người dân là một trong những yêu cầu không thể thiếu trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng NTM.

Nhà Văn hóa thôn Phú Đa, xã Hiển Khánh (Vụ Bản) được xây dựng từ nguồn đóng góp của nhân dân địa phương.
Nhà Văn hóa thôn Phú Đa, xã Hiển Khánh (Vụ Bản) được xây dựng từ nguồn đóng góp của nhân dân địa phương.

Hiệu quả từ áp dụng Quy chế dân chủ

 Mục tiêu của việc thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn là phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong mọi lĩnh vực đời sống được cụ thể hoá bằng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Qua hơn 10 năm áp dụng, triển khai Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã mang lại luồng sinh khí mới cho đời sống xã hội ở cơ sở, tạo động lực làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt xã, phường, thị trấn trên nhiều phương diện. Tác động lớn nhất là Quy chế dân chủ đã góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý của cấp uỷ, chính quyền cơ sở theo hướng ngày một dân chủ hơn, cụ thể và bám sát thực tiễn hơn, khắc phục được tình trạng quan liêu, cửa quyền. Thông qua hoạt động triển khai Quy chế dân chủ ở cơ sở, MTTQ và các đoàn thể, Ban Thanh tra nhân dân gắn bó hơn với đoàn viên, hội viên, năng lực hoạt động thực tiễn được nâng lên, tăng thêm uy tín, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Đặc biệt, Quy chế dân chủ đã mang lại một phương thức mới trong huy động nguồn lực từ nhân dân, bao gồm cả trí lực và vật lực vào xây dựng phát triển quê hương trên mọi lĩnh vực. Tại các địa phương trong tỉnh, nhân dân được trực tiếp tham gia bàn bạc, giám sát quá trình thực hiện các công việc cụ thể liên quan đến đời sống dân sinh như xây dựng các công trình điện, đường, trường, trạm; vệ sinh môi trường, thuỷ lợi, các quy định về nếp sống văn minh, ma chay, cưới hỏi… Do được thông tin đầy đủ, được tham gia bàn bạc công khai, dân chủ, người dân đã nâng cao ý thức trách nhiệm tham gia đóng góp xây dựng, phát triển hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh. Từ nguồn đóng góp của nhân dân ở nhiều địa phương trong tỉnh, đường làng, ngõ xóm, nhà văn hoá được đầu tư cải tạo, xây mới khang trang, sạch đẹp; nhiều địa phương đã kiên cố hoá kênh mương, cải tạo đồng ruộng, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, người dân còn tích cực bàn bạc tìm hướng sản xuất, kinh doanh mới, hiệu quả như dồn điền đổi thửa, hợp tác sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ. Trên thực tế, những  mô hình sản xuất mới, hiệu quả đang xuất hiện ngày một nhiều ở các địa phương trong tỉnh như sản xuất, chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại, phát triển sản xuất rau màu trên đất hai lúa, trồng hoa cây cảnh…, đã giúp nhiều hộ nông dân trong tỉnh thoát nghèo, làm giàu. Thực hiện Quy chế dân chủ, đến nay hầu hết các khu dân cư trong tỉnh đã xây dựng được các quy ước, hương ước riêng. Nội dung hương ước, quy ước đều tập trung hướng mọi người dân trong cộng đồng nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực lao động, sản xuất xoá nghèo, làm giàu chính đáng; xây dựng nếp sống văn hoá; đấu tranh bài trừ các loại tệ nạn, hủ tục, tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, chung sức xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc ngay tại địa bàn khu dân cư. Đến nay toàn tỉnh có 1.683/3.543 khu dân cư đạt danh hiệu “Khu dân cư tiên tiến”, 1.154 “Khu dân cư văn hoá”, 506 “Khu dân cư 5 không”…

Thực hiện Quy chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới

Hiện nay, khi các địa phương đang tập trung triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, cần rất nhiều nguồn lực và vai trò giám sát của nhân dân. Nhờ áp dụng, thực hiện Quy chế dân chủ, bước đầu nhiều địa phương trong tỉnh đã phát huy được nguồn lực từ nhân dân để triển khai thực hiện các công trình, phần việc. Đến nay, cùng với xã Hải Đường, địa phương thực hiện thí điểm xây dựng NTM của Trung ương, 10 xã thực hiện thí điểm xây dựng NTM của tỉnh đều đã lập đề án chi tiết, xây dựng kế hoạch, bước đầu tập trung triển khai các công việc cụ thể. Thực hiện Quy chế dân chủ trong quá trình xây dựng đề án, kế hoạch xây dựng NTM ở các địa phương đều tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Các địa phương đều xác định tập trung nguồn lực xây dựng các công trình, dự án phục vụ phát triển sản xuất như giao thông, thuỷ lợi nội đồng, kiên cố hoá kênh mương. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, tập trung phát triển sản xuất nông sản hàng hoá; phát triển sản xuất CN-TTCN, qua đó tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn. Đặc biệt, thông qua Quy chế dân chủ, bước đầu các địa phương đã huy động được một phần đóng góp từ nhân dân để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ở xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng), sau khi bàn bạc, thống nhất, các hộ nông dân trong xã đã tự nguyện đóng góp toàn bộ số tiền thuỷ lợi phí đã được nhà nước miễn trong hai năm rưỡi để kiên cố hoá 11/25km kênh mương. Ngoài ra bà con còn tự nguyện hiến hơn 11 nghìn m2 đất để xã thực hiện mở rộng 18,5km đường giao thông nội đồng, 5km đường giao thông liên thôn, tham gia đào đắp gần 33 nghìn m3 đất… Đồng chí Cao Đức Thiệp, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Hải Lộc (Hải Hậu) cho biết, thông qua Quy chế dân chủ, sau hơn một năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, nhân dân địa phương đã tự nguyện đóng góp gần 1 tỷ đồng cùng với ngân sách Nhà nước thực hiện các công trình, phần việc. Trước đó, cũng thông qua áp dụng Quy chế dân chủ,  trong 7 năm trở lại đây nhân dân xã Hải Lộc đã đóng góp 5,1 tỷ đồng, cùng ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Đến nay, xã Hải Lộc đã đạt 10/19 tiêu chí xây dựng NTM của Chính phủ. Từ nguồn nội lực phát huy mạnh mẽ trong nhân dân, cùng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước, phấn đấu đến năm 2013, xã Hải Lộc sẽ hoàn thành đủ 19 tiêu chí về xây dựng NTM. Cũng thông qua Quy chế dân chủ, ở xã Hiển Khánh (Vụ Bản), nhân dân ở một số khu dân cư tự nguyện đảm nhận thực hiện một số công trình như đường làng, nhà văn hoá, cổng làng. Nhà văn hoá thôn Phú Đa vừa được khánh thành, đưa vào sử dụng, kinh phí xây dựng hơn 300 triệu đồng, trong đó con em trong thôn đang làm ăn sinh sống ở mọi miền đất nước ủng hộ 200 triệu đồng. Trong tổng số gần 25 tỷ đồng xã Hiển Khánh đầu tư cho các công trình, dự án xây dựng NTM, có gần 6  tỷ đồng tự nguyện đóng góp của nhân dân trong xã và con em Hiển Khánh ở mọi miền đất nước…

Bên cạnh những địa phương thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy được nguồn lực của nhân dân, vẫn còn nhiều địa phương chưa thực sự coi trọng thực hiện Quy chế dân chủ. Việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân tham gia xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch, mục tiêu xây dựng NTM chưa chất lượng, hiệu quả, vẫn còn nặng tính hình thức. Nhiều nội dung, phần việc quan trọng, người dân chưa được tham gia bàn thảo kỹ lưỡng. Thiếu sự tham gia đóng góp ý kiến của nhân dân, không ít các kế hoạch, mục tiêu không sát thực tiễn, không phù hợp với nhu cầu, khả năng của người dân, do vậy không có tính khả thi… Nhằm phát huy hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở đối với nhiệm vụ xây dựng NTM, trước hết cần nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, trách nhiệm của các cấp chính quyền và vai trò của các tổ chức đoàn thể xã hội trong việc chỉ đạo, tổ chức, thực hiện các quy định của Quy chế dân chủ ở cơ sở. Thực hiện lồng ghép nội dung quy định của Quy chế  dân chủ vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó có các chương trình, đề án, kế hoạch xây dựng NTM theo tiêu chí. Đẩy mạnh việc xây dựng, thực hiện các quy ước, hương ước làng, xã. Tập trung nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ ở cơ sở, nhất là tăng cường nhận thức và trách nhiệm trong thực hiện Quy chế dân chủ; kỹ năng tổ chức, điều hành công việc tại cơ sở theo quy trình có tính chất dân chủ. Kết hợp hiệu quả giữa thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với công tác cải cách, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, nhằm phát hiện, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các vi phạm nguyên tắc dân chủ./.      

Bài và ảnh: Trần Duy Hưng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com