Toàn tỉnh hiện có 16 Đảng bộ huyện, thành phố và Đảng bộ trực thuộc, với 1.044 tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ) và trên 97 nghìn đảng viên. Trong nhiệm kỳ 2005-2010, phong trào thi đua xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức đã được các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở hết sức coi trọng…, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của các TCCSĐ và đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Đồng chí Nguyễn Khắc Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trao Bằng khen của Ban TVTU cho các đảng bộ đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh xuất sắc 5 năm 2006-2010.
Ảnh:
Xuân Thu
|
Đồng bộ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo
Bước vào nhiệm kỳ 2005-2010, cùng với nhiệm vụ lãnh đạo phát triển KT-XH, việc xây dựng TCCSĐ trong sạch vững mạnh luôn được các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở quan tâm chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, tạo tiền đề vững chắc để phát triển KT-XH. Trong nhiệm kỳ, mục tiêu xây dựng TCCSĐ trong sạch vững mạnh đã được Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cụ thể hoá bằng nhiều chỉ thị, nghị quyết như Chương trình “Đổi mới nâng cao chất lượng hệ thống chính trị tỉnh Nam Định giai đoạn 2006-2010”, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng (khoá X) về “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, Thông tri số 12 ngày 22-5-2007 về việc chỉ đạo “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, Nghị quyết số 10-NQ/TU về “Nâng cao chất lượng công tác dân vận, tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng đối với hoạt động của MTTQ và các đoàn thể ở xã, phường, thị trấn”… Bám sát sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, các cấp uỷ Đảng trong tỉnh đã cụ thể hoá thành những nhiệm vụ cụ thể trên cơ sở tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, một số cấp uỷ như Thành uỷ Nam Định, Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp tỉnh đã xây dựng hướng dẫn nội dung sinh hoạt cho từng loại hình TCCSĐ phù hợp với điều kiện thực tế, đặc thù của từng đơn vị. Hầu hết các chi bộ thuộc Đảng bộ cơ sở duy trì đều đặn các buổi sinh hoạt chi bộ hàng tháng với nội dung sinh hoạt theo hướng thiết thực, hiệu quả, bám sát nhiệm vụ chính trị. Nhiều chi bộ đã tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề giúp cho đảng viên tiếp cận, bổ sung kiến thức, qua đó tạo được sự hấp dẫn trong các buổi sinh hoạt, đồng thời đảm bảo sự lãnh đạo thường xuyên của Đảng đối với cán bộ, đảng viên. Ở nhiều tổ chức Đảng thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh, do điều kiện sản xuất kinh doanh không thể sinh hoạt tập trung toàn Đảng bộ, hàng tháng cấp uỷ đều gửi đến đảng viên bản thông báo về tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị trong tháng và phương hướng trong thời gian tới để các cán bộ, đảng viên tham gia đóng góp ý kiến trong cuộc họp chi bộ hàng tháng, từ đó tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động. Qua đó, cấp uỷ, lãnh đạo đơn vị nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cán bộ CNV để kịp thời điều chỉnh, giải quyết, nhờ đó vai trò của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngày càng được nâng cao.
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, cấp uỷ cơ sở đã từng bước đổi mới phương thức lãnh đạo, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị để xây dựng chương trình công tác, quy chế làm việc, cụ thể hoá mối quan hệ giữa cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, thực hiện phân công cấp ủy viên phụ trách các nhiệm vụ cụ thể, duy trì thường xuyên việc giao ban cấp ủy định kỳ hàng tháng. Thực tế cho thấy ở đâu công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên được coi trọng, ở đó sẽ có sự thống nhất chung về nhận thức, hành động, không có tình trạng mất đoàn kết nội bộ hay đảng viên vi phạm trong phát ngôn, hành động. Vì vậy công tác giáo dục chính trị tư tưởng đã được các cấp uỷ Đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, trong đó thực hiện nghiêm túc Quy định của Bộ Chính trị về chế độ học tập lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên. Tổ chức nghiêm túc các đợt học tập quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, đặc biệt là học tập các chuyên đề của Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, qua đó góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, tạo sự thống nhất ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên cùng hướng tới mục tiêu chung là xây dựng Đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh.
Đổi mới công tác đánh giá chất lượng TCCSĐ
Đánh giá, kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đối với tập thể cấp uỷ, tổ chức Đảng và đảng viên có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh. Qua đó giúp cấp uỷ các cấp đề ra các chủ trương, giải pháp nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Nhận thức rõ điều đó, trong thời gian qua, các cấp uỷ Đảng đã chỉ đạo, hướng dẫn các TCCSĐ quán triệt sâu rộng đến đảng viên những yêu cầu, nội dung, phương pháp đánh giá TCCSĐ và đảng viên, đồng thời cụ thể hoá việc nhận xét, đánh giá TCCSĐ theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương. Các huyện uỷ, Thành uỷ và Đảng uỷ trực thuộc đã thực hiện đánh giá, phân loại TCCSĐ thống nhất bằng phương pháp cơ sở tự chấm điểm đánh giá, xếp loại theo biểu điểm cộng với việc nhận xét, đánh giá của các phòng, ban chuyên môn cấp trên đối với cơ sở và việc theo dõi chỉ đạo của cấp uỷ viên phụ trách, sau đó mới tiến hành thẩm định kết quả đánh giá, phân loại trước khi trình Ban thường vụ xem xét, quyết định. Vì vậy việc nhận xét, đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên hàng năm đã dần đi vào thực chất, tránh được tư tưởng chạy theo thành tích và số lượng. Kết quả đánh giá chất lượng TCCSĐ năm 2010, tỷ lệ TCCSĐ đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 93,94%, tăng 4,06% so với năm 2005; tỷ lệ TCCSĐ hoàn thành nhiệm vụ là 5,67%, giảm 3,51% so với năm 2005; số TCCSĐ yếu kém chỉ còn 0,39%. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban TVTU, ở một số địa phương, đơn vị, việc đánh giá chất lượng TCCSĐ vẫn còn nặng về hình thức, chưa phản ánh đúng tình hình thực tế; khi cấp uỷ cấp trên tiến hành xem xét, quyết định đánh giá chất lượng chưa mạnh dạn chỉ rõ khuyết điểm, hạn chế, vẫn còn tư tưởng hữu khuynh, cả nể, làm giảm tác dụng của công tác thi đua. Đồng chí Vũ Hữu Thi, Trưởng phòng TCCSĐ và đảng viên (Ban Tổ chức Tỉnh uỷ) cho rằng: Để việc xem xét, đánh giá chất lượng TCCSĐ đảm bảo thực chất thì trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ có vai trò rất quan trọng, cần thực hiện đánh giá chất lượng TCCSĐ gắn với kết quả thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như công tác xây dựng Đảng, việc lãnh đạo các đoàn thể, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn..., qua đó biểu dương, khen thưởng kịp thời các TCCSĐ có thành tích đồng thời có biện pháp giúp đỡ những cơ sở khó khăn, yếu kém nhằm nâng cao chất lượng và bảo đảm sự đồng đều của các TCCSĐ trực thuộc.
Nhờ có sự tập trung chỉ đạo và có những giải pháp cụ thể, sát thực tiễn gắn với kiểm tra, giám sát chặt chẽ và động viên khen thưởng kịp thời nên việc xây dựng TCCSĐ trong sạch vững mạnh trong nhiệm kỳ 2005-2010 đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, thường xuyên liên tục ở tất cả các TCCSĐ trong toàn Đảng bộ. Chất lượng của các TCCSĐ và đảng viên từng bước được nâng lên khẳng định rõ vai trò là hạt nhân chính trị lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị./.
Hoài Phương