Bộ Chính trị vừa ra Chỉ thị số 03 về “Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Chỉ thị nhận định, qua hơn 4 năm thực hiện, Cuộc vận động đã đạt được kết quả bước đầu góp phần vào công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng. Tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động nhằm khắc phục những hạn chế, nâng cao nhận thức về giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn tham nhũng tiêu cực góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.
Nhìn lại toàn bộ quá trình tổ chức thực hiện cho đến nay ta thấy Cuộc vận động là một đợt sinh hoạt lý luận chính trị, tư tưởng sâu rộng trong toàn Đảng và toàn xã hội, được tổ chức rất khoa học với một lộ trình phù hợp với quy luật phát triển của nhận thức. Đầu tiên là nghiên cứu tìm hiểu và quảng bá những luận điểm cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh theo hình thức tổ chức các cuộc thi báo cáo viên từ cơ sở lên Trung ương với những chuyên đề phong phú như “Hồ Chí Minh và vấn đề dân tộc”, “Hồ Chí Minh với việc xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân”, “Tìm hiểu chữ Dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh”… Bước thứ hai là Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với các cuộc thi kể chuyện Bác Hồ cũng sâu rộng và rầm rộ không kém. Công phu và bài bản như vậy mà vì sao cuộc vận động mới chỉ đạt đượt kết quả bước đầu và còn có những hạn chế cần khắc phục như nhận định của Chỉ thị? Thiết nghĩ công tác giáo dục chính trị, tư tưởng lúc này là phải làm sao để câu hỏi đó trở thành mối day dứt thường xuyên trong lương tâm của mỗi cán bộ đảng viên, công chức Nhà nước, có vậy mới tạo ra được sự chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức trách nhiệm của mỗi người.
Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo gương Bác cũng có nghĩa là không làm theo nhịp độ cũ, cách làm cũ mà phải khẩn trương hơn, mạnh mẽ hơn, sáng tạo hơn để đạt hiệu quả cao hơn đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Triển khai Cuộc vận động theo chiều rộng, theo phong trào có lẽ đã đủ, giờ đây là lúc phải triển khai theo chiều sâu, đến từng người, lấy việc làm cụ thể thay cho những lời nói xuông hoa mỹ, lấy hành động để đánh giá nhận thức, lấy làm theo để đánh giá kết quả học tập. Sinh thời, Bác Hồ coi chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc phát sinh của nhiều tệ nạn tiêu cực từ tham ô lãng phí, đặc quyền, đặc lợi, quan liêu độc đoán đến bè phái mất đoàn kết, vì vậy Người đã viết bài báo “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng” với ý nghĩa là muốn nâng cao được đạo đức thì trước hết phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Vì vậy, thiết nghĩ ở đợt triển khai này cần xác định lấy chống chủ nghĩa cá nhân làm khâu đột phá, lấy tự nguyện, tự giác làm điều kiện trong việc xây dựng đạo đức cách mạng. Có thể nói nó tương tự như trong xây dựng kinh tế, coi tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh là nguồn vốn ODA và sự tự nguyện tự giác học tập và làm theo là vốn đối ứng của mỗi người. Nguồn vốn đối ứng này tuy ít nhưng cũng rất quan trọng, bởi không có nó thì không triển khai được dự án.
Học tập và làm theo gương Bác là cả một quá trình tự nguyện không chịu bất kỳ một sức ép nào bởi suy cho cùng không ai bắt buộc ta phải học tập và làm theo gương Bác ngoài lương tâm của chính mình. Nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ “Sáng tháng 5” viết: Người là cha, là Bác, là anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ. Mỗi người Việt Nam chúng ta ở bất kỳ cương vị nào hãy tự nguyện biến mình thành một giọt trong hàng trăm dòng máu nhỏ ấy để được lọc qua quả tim lớn của Bác. Chỉ có vậy mới giúp cho lòng ta trong sáng hơn, đủ sức vượt qua những cạm bẫy của cuộc đời./.
Theo: tainguyenmoitruong.com.vn