Hiệu quả từ công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức

08:05, 06/05/2011

Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCC cấp tỉnh, huyện, xã đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc. Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng CBCC từng bước được đổi mới phù hợp với thực tiễn, tập trung đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu mà các ngành, địa phương yêu cầu. Điều này được thể hiện ở chỗ mỗi chức danh, mỗi vị trí làm việc được bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng phù hợp, thiết thực với công việc mà người CBCC đang đảm nhận. Việc tổ chức các lớp học được kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, chia tổ nhóm thảo luận, làm bài tập tình huống, hướng dẫn nghiệp vụ theo hình thức “cầm tay, chỉ việc” đã góp phần tích cực vào việc nâng cao kiến thức về đường lối chính sách của Đảng, kỹ năng quản lý Nhà nước, từ đó giúp CBCC thực hiện hiệu quả công tác quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Đến nay, 100% cán bộ cấp sở, cấp huyện được trang bị kỹ năng lãnh đạo, quản lý, kỹ năng phối hợp xử lý các vấn đề có tính liên ngành, bình quân mỗi sở, ban, ngành có 1 đến 2 thạc sỹ chuyên môn. Đối với CBCC cấp xã, 82% có trình độ trung cấp chuyên môn, trong đó có những chức danh đạt tỷ lệ cao như địa chính - xây dựng 96,42%, tài chính - kế toán 94,64%, văn hoá - xã hội 84,54%; 60% có trình độ trung cấp chính trị, 50,5% có trình độ trung cấp hành chính; 95% Chủ tịch HĐND, UBND cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh, có trình độ trung cấp trở lên. Tổ chức bộ máy CBCC được củng cố, kiện toàn cả về số lượng và chất lượng đã góp phần đáp ứng yêu cầu chuẩn hoá đội ngũ CBCC theo Nghị quyết 08/2004 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và theo quy định của Bộ Nội vụ từ đó các ngành, các cấp, các địa phương có điều kiện hơn trong việc xây dựng quy hoạch, sử dụng CBCC trước mắt và lâu dài.

Lớp đào tạo Đại học Quản lý xã hội mở tại Trường Chính trị Trường Chinh.
Lớp đào tạo Đại học Quản lý xã hội mở tại Trường Chính trị Trường Chinh.

Trên cơ sở được nâng cao nhận thức chính trị và trình độ chuyên môn, đội ngũ CBCC đã phát huy tinh thần trách nhiệm vận dụng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo ra hiệu quả kinh tế - xã hội của ngành, địa phương. Nhiều CBCC cấp xã qua các khoá đào tạo, bồi dưỡng đã hiểu rõ hơn nhiệm vụ được giao từ đó có ý thức trong công việc. Để kiện toàn đội ngũ CBCC đáp ứng sự phát triển của Thành phố Nam Định trở thành đô thị loại I trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, lãnh đạo Thành phố đã cử hàng trăm lượt cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn giúp cho việc quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các ban, ngành của Thành phố và các phường, xã được nâng cao. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn diện, đạt bình quân hàng năm 13,11%, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, tình hình ANCT-TTATXH được giữ vững; việc thực hiện hành chính “một cửa” khá nề nếp, giảm được sự phiền hà cho nhân dân. Tại huyện Mỹ Lộc, trong thời gian từ năm 2006-2010 Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện đã mở 84 lớp đào tạo bồi dưỡng cho 6.357 cấp uỷ viên, cán bộ hội đoàn thể, chính quyền học tập, nâng cao trình độ. Mặc dù, đội ngũ CBCC nhiều biến động nhưng những năm gần đây, qua đánh giá bình xét của UBND huyện có 64% chính quyền xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn vững mạnh, 36% đạt loại khá... Các CBCC ở cấp xã điều hành công việc đúng theo quy định của pháp luật nên đã hạn chế thấp nhất tình trạng khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Qua thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng CBCC ở huyện Nam Trực có nhiều địa phương làm tốt công tác này như các xã: Tân Thịnh, Nam Thái, Nam Tiến, Nam Hồng, Nam Thắng... Tại xã Nam Tiến (Nam Trực), đồng chí Phạm Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã cho biết: Với trên 13 nghìn dân, đội ngũ CBCC xã Nam Tiến có 23 người. Từ năm 2006 đến nay, xã đã cử 12 người đi học đại học chuyên ngành Luật, Quản lý Hành chính Nhà nước... Qua quá trình học tập, các CBCC đã từng bước thay đổi tác phong, lề lối làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác từ việc đơn giản đến phức tạp.

Đội ngũ công chức tư pháp ở 229 xã, phường, thị trấn trước kia có trình độ chuyên môn hạn chế, trong những năm qua, Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ tư pháp cho cán bộ tư pháp hộ tịch, trưởng ban tư pháp của các xã, phường, thị trấn tập trung vào các lĩnh vực pháp luật về khiếu nại, tố cáo, đất đai, thực hiện dân chủ ở cơ sở... đã giúp UBND cấp xã quản lý có hiệu quả công tác tư pháp tại địa phương, đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng vào cuộc sống.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC trong những năm qua còn bộc lộ một số hạn chế. Đó là việc thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCC còn chưa gắn với sử dụng cán bộ; một số CBCC được cử đi học chưa đúng chuyên ngành... Đối với CBCC cấp xã, dù đã được đào tạo trình độ trung cấp chuyên môn và trung cấp chính trị nhưng đối chiếu với tiêu chuẩn trong Quyết định 04/2004 của Bộ Nội vụ thì số lượng CBCC chưa đạt chuẩn về chuyên môn và lý luận chính trị còn không ít. Số CBCC tự học để có trình độ đại học, cao đẳng chuyên môn, cử nhân, cao cấp chính trị đạt tỷ lệ rất thấp so với yêu cầu đề ra trong Nghị quyết 08 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong khi những người tốt nghiệp đại học chính quy về xã công tác theo chủ trương của tỉnh rất ít. Tại một số địa phương, các hội, đoàn thể trong tỉnh đang tồn tại tình trạng cán bộ có kinh nghiệm và uy tín lại chưa đạt chuẩn về trình độ học vấn và lý luận chính trị, những cán bộ trẻ, đã qua đào tạo chuyên ngành và đạt chuẩn về trình độ nhưng thiếu kinh nghiệm thực tế, chưa đủ điều kiện để trúng cử hay bổ nhiệm nên đã tạo ra khoảng trống trong vấn đề chất lượng nguồn nhân lực cơ sở. Có địa phương còn bố trí người vào các chức danh để hưởng chế độ tiền lương và hưu trí sau này. Bên cạnh đó, do chi phí đi học đại học, cao đẳng khá lớn và mất nhiều thời gian lại hưởng lương thấp và cơ chế hỗ trợ chưa phù hợp, nên CBCC cấp xã không muốn đi học, hoặc có tư tưởng cố gắng học chỉ để đạt chuẩn. Với mục tiêu xây dựng đội ngũ CBCC đạt chuẩn hoá trình độ chuyên môn, lý luận chính trị theo Nghị định 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 08 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã và đang đặt ra cho công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC những yêu cầu mới để nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC phục vụ trực tiếp cho sự phát triển của tỉnh nhà./.

Bài và ảnh: Đức Thiện



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com