Cuộc Tổng tuyển cử năm 1946 - Ngày hội cách mạng và dân chủ đầu tiên ở nước ta

08:05, 20/05/2011

Trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn hướng theo một mục đích cao cả, đó là tư tưởng vì dân. Người nói Nhà nước phải lấy dân làm gốc, nhân dân là người chủ đất nước, nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã cùng với Đảng ta đặt những viên gạch đầu tiên, xây dựng một Nhà nước cộng hoà non trẻ, do dân và vì dân.

Ngày 8-9-1945, chỉ đúng một tuần sau ngày đọc Bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử ở Ba Đình, Bác Hồ đã ký Sắc lệnh số 14, quyết định tổ chức Tổng tuyển cử đầu tiên trong cả nước. Và với sự kiện trọng đại này, Việt Nam là nước đầu tiên ở Đông Nam Á đã xây dựng được một Nhà nước có chế độ chính trị với hình thức dân chủ nhất là phổ thông đầu phiếu.

Bác Hồ nói: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc Nhà nước.

Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử, không chia gái trai, giàu nghèo; tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”.

Nhà báo Nguyễn Thành Lê kể lại: Lúc đó, để chuẩn bị cho Tổng tuyển cử, giới báo chí cũng tuyên truyền rất sôi nổi. Với tư cách là chủ nhiệm Báo Độc Lập, tôi và anh Văn Cao xin gặp ứng cử viên Hồ Chí Minh để phỏng vấn Người. Chúng tôi đề nghị buổi sáng, thì buổi chiều hôm đó đã được Hồ Chủ tịch tiếp. Chúng tôi xin Chủ tịch cho biết chương trình hoạt động của Người sau khi được bầu. Người nói đại ý: Hồ Chí Minh suốt đời chỉ có một ham muốn là nước nhà được độc lập, thống nhất, nhân dân được tự do, hạnh phúc. Nếu trúng cử tôi sẽ đem hết sức mình cùng toàn dân đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chống giặc đói và giặc dốt…

Và cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên - Ngày hội Cách mạng và dân chủ đầu tiên ở nước ta đã diễn ra trong một không khí náo nức, phấn khởi. Đúng là một ngày hội cách mạng của quần chúng, mà báo chí lúc đó gọi là Ngày hội non sông.

Nhà thơ Huy Cận kể: Ở Hà Nội sáng ngày 6-1-1946, tôi được cùng đi bỏ phiếu với Bác Hồ và đi thăm các điểm bỏ phiếu khác. Bác đến hòm phiếu phố Nhà thờ. Đồng bào nhận ra Bác phấn khởi hoan hô. Bác ra hiệu yên lặng và nói: Đồng bào đi bỏ phiếu là lá phiếu cứu nước và dựng nước đấy.

Làm nghĩa vụ công dân xong, Bác đến thăm một điểm bỏ phiếu ở ngoại thành. Bác Hồ xúc động thấy nhiều cụ già cũng chống gậy đến phòng bỏ phiếu. Bác ân cần thăm hỏi:

-Bà con ta có đến bỏ phiếu đầy đủ không?
Một cụ già thưa với Bác:
-Trăm năm mới có một ngày, không đi đủ sao được ạ!
Bác tỏ vẻ vui lòng, tiếp tục đi thăm các hòm phiếu khác, vẫy tay chào đồng bào cử tri Hà Nội đi bầu cử.

Ngày nay, trải qua hơn 65 năm xây dựng Nhà nước Cách mạng của mình, chúng ta ai cũng đã quá quen với quyền bầu cử và ứng cử. Nhưng 65 năm trước, chỉ nói cái quyền bình đẳng giữa nam và nữ trong bầu cử và ứng cử, đã là một vấn đề rất lớn. Nếu chúng ta biết rằng vào thời điểm ấy, Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới, sau nước Nga của Lênin, là có cái quyền chính trị cơ bản này. Ngay đến các nước Âu, Mỹ cũng chưa làm được như thế, thí dụ nước Thuỵ Sĩ cũng phải 8 năm sau, đến năm 1954, phụ nữ mới có quyền đi bầu cử và ứng cử.

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ấy của nước ta đã diễn ra trong một ngày, trên phạm vi toàn quốc, trong một hoàn cảnh đặc biệt. Bất chấp sự phá hoại điên cuồng của bọn phản động ở phía Bắc và thực dân Pháp ở phía Nam, cử tri cả nước đã bầu ra được 333 đại biểu Quốc hội (Bắc bộ 152, Trung bộ 108, và Nam bộ 73).

Tại Thủ đô Hà Nội, toàn Thành phố có 187 nghìn cử tri thì hơn 172 nghìn cử tri đã đi bầu cử. Số ứng cử viên khá đông tới 74 người, tuy vậy cử tri vẫn lựa chọn bầu ra được 6 đại biểu đủ tài năng, đức độ vào Quốc hội đầu tiên. Công dân Hồ Chí Minh được bầu với số phiếu cao nhất 97%. Mặc dù, nhân dân đều mong muốn lãnh tụ của mình được 100% số phiếu, nhưng 3% kia lại càng thể hiện tinh thần dân chủ của chế độ mới, triệt để tôn trọng quyền bầu cử tự do của mọi công dân.

Ngày nay, đọc lại tên tuổi của một số đại biểu Quốc hội khoá I - Quốc hội lập quốc của nước ta - đã được nhân dân lựa chọn như: Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Đoàn, Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Huỳnh Văn Tiểng, Dương Bạch Mai, Huỳnh Tấn Phát, Trần Huy Liệu, Y-Ngông Niek Đăm, Dương Đại Lâm, Nguyễn Thị Thập, Lê Thị Xuyễn, Đặng Thai Mai, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Phạm Bá Trực, Ngô Tử Hạ, Trịnh Văn Bô, Nguyễn Sơn Hà… ta như nhìn thấy một bức tranh đoàn kết dân tộc; người Kinh, người dân tộc miền núi, các nhân sĩ, trí thức, các nhà cách mạng, các nhà doanh nghiệp, các đại biểu tôn giáo, đại biểu phụ nữ…

Đặc biệt, trong số các đại biểu ấy còn có cả một người hơn 5 tháng trước còn là nhà vua của chế độ phong kiến, nay cũng được các cử tri Thanh Hoá bầu ra trong số 15 đại biểu Quốc hội của tỉnh mình. Đó là đại biểu Nguyễn Vĩnh Thuỵ.

Ngoài tính đại diện, ta còn thấy tiêu chuẩn năng lực và phẩm chất của các đại biểu Quốc hội được thể hiện rõ. Điều đáng chú ý, đây còn là một Quốc hội trẻ, mà số đại biểu từ 18 đến 40 tuổi chiếm tới 77%, đại biểu từ 41 đến 50 tuổi là 18%, chỉ có 5% số đại biểu từ 51 đến 70 tuổi.

Philippe de Viller, trong cuốn sách về Việt Nam của mình đã viết: “Một phóng viên hỏi một người Âu đã có mặt chứng kiến cuộc Tổng tuyển cử ấy. Ông ta trả lời: Thật tuyệt vời, ở các nước châu Âu, tranh cử bao giờ cũng quyết liệt, lại còn tiến hành bằng tiền bạc. Ở đây, tôi chỉ thấy cảnh đẹp đẽ, trẻ trung. Nhân dân Việt Nam nắm trong tay tương lai của mình bởi cuộc Tổng tuyển cử thắng lợi…”.

Tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của Quốc hội Việt Nam, trong 65 năm qua, năm nay nhân dân ta lại chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội khoá XIII trong niềm vui lớn.

Cuộc bầu cử Quốc hội khoá XIII này phải là hình ảnh đẹp nhất của thời kỳ hội nhập và dân chủ của nước ta. Những đại biểu Quốc hội, mà cử tri toàn quốc sẽ bầu ra, phải là những đại biểu có tài, có đức, có đầy đủ điều kiện và tâm huyết, để cùng với toàn dân xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh của thời kỳ mới./.

Bùi Công Bính



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com