Công tác tập hợp thanh niên ở huyện Vụ Bản

08:05, 27/05/2011

Những năm gần đây, công tác tập hợp, thu hút thanh niên ở huyện Vụ Bản đã có nhiều chuyển biến tích cực, những mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ ngày càng mở rộng. Tuy nhiên để nâng cao chất lượng thu hút thanh niên tham gia sinh hoạt Đoàn, tạo điều kiện để thanh niên làm việc, phát triển kinh tế tại địa phương vẫn cần nhiều hơn các cơ chế hỗ trợ.

Xưởng cơ khí của anh Bùi Văn Thường, thôn Nhất, xã Quang Trung (Vụ Bản) đạt doanh thu hàng năm hơn 1 tỷ đồng.
Xưởng cơ khí của anh Bùi Văn Thường, thôn Nhất, xã Quang Trung (Vụ Bản) đạt doanh thu hàng năm hơn 1 tỷ đồng.

Huyện Vụ Bản có ít ngành nghề phụ nên nhiều thanh niên phải tìm việc làm ở các địa phương khác, gây khó khăn cho công tác tập hợp, thu hút thanh niên tham gia hoạt động trong tổ chức Đoàn. Những năm trước đây, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tham gia sinh hoạt Đoàn chỉ đạt gần 70%, trong khi đó, một bộ phận thanh niên đi làm ăn xa về mang theo các tệ nạn xã hội như cờ bạc, lô đề, gây mất trật tự an ninh... Từ yêu cầu thực tế, Ban chấp hành Đoàn, Hội LHTN huyện Vụ Bản xác định: Phải đồng hành với thanh niên, đáp ứng nhu cầu, lợi ích của thanh niên, từ đó tạo nên sức hút đối với thanh niên tham gia các hoạt động của Đoàn, Hội, trong đó chú trọng việc giúp thanh niên xây dựng mô hình phát triển kinh tế ngay tại địa phương, tạo tiền đề cho công tác tập hợp, thu hút thanh niên. Với hướng đi đó, các tổ chức Đoàn trong huyện thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thắp sáng ước mơ, hoài bão, giáo dục động cơ đúng đắn cho thanh niên. Từ đó tác động vào tâm lý cũng như nhu cầu được phấn đấu, được cống hiến và cần được chia sẻ, giúp đỡ của thanh niên, giúp thanh niên nhận thức được tổ chức Đoàn chính là môi trường tốt và là nền móng để thanh niên lập thân lập nghiệp. Để tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên trong việc xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế, Đoàn Thanh niên các cấp đã phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT, tiếp cận nguồn vốn, phổ biến các kiến thức mới về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật thâm canh... Trong năm 2010, Đoàn Thanh niên các xã, thị trấn đã phối hợp với HTX nông nghiệp tổ chức 19 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho gần 1.100 ĐVTN, tổ chức gặp mặt các điển hình thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi, biểu dương những thanh niên vượt khó vươn lên “lập thân lập nghiệp”, phổ biến cách làm hay để thanh niên học tập, thi đua xung kích tham gia phát triển kinh tế. Được tư vấn, hướng dẫn về con đường lập nghiệp, các mô hình kinh tế của thanh niên trong huyện xuất hiện ngày càng nhiều, theo hướng đa dạng hóa, như: Mở cửa hàng kinh doanh vừa và nhỏ; xây dựng trang trại theo mô hình V.A.C.R; phát triển ngành nghề truyền thống ở các địa bàn có nghề. Đặc biệt, các đơn vị Đoàn địa phương đã chú trọng đến tìm nghề, đưa nghề có hiệu quả từ các địa phương khác để giúp thanh niên có việc làm, thu nhập ổn định. Đồng chí Phạm Chí Dũng, Phó Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Vụ Bản cho biết: “Đến nay, công tác tập hợp, đoàn kết thanh niên nông thôn ở Vụ Bản đã trở nên thuận lợi hơn, thanh niên tự nguyện tham gia vào các hoạt động tập thể, sẵn sàng ủng hộ vật chất và công sức cho các phong trào Đoàn. Đó là tín hiệu đáng mừng từ sức lan tỏa của những mô hình tập hợp và đoàn kết thanh niên”.

Vụ Bản hiện có khá nhiều mô hình làm kinh tế của thanh niên như mô hình làm kinh tế giỏi của anh Bùi Văn Thường ở xã Quang Trung. Năm 2006, doanh thu ở xưởng cơ khí của anh Thường chỉ đạt vài trăm triệu đồng, đến năm 2010 doanh thu đã tăng lên 1,5 tỷ đồng, cung cấp ra thị trường hàng nghìn sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh cao, tạo việc làm cho 10 lao động có mức thu nhập gần 3 triệu đồng/người/tháng. Chúng tôi có dịp vào thăm trang trại nuôi lợn, gà của anh Bùi Duy Ngọc, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Trung Thành. Trang trại của anh được thành lập năm 2009, vốn ban đầu hơn 100 triệu đồng. Đến nay, anh đã xây dựng được hệ thống chuồng trại rộng, thường xuyên nuôi gần 100 con lợn và hơn 600 con gà. Năm 2010, doanh thu của anh Ngọc ước đạt 400 triệu đồng… Việc phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế thanh niên ở Vụ Bản bước đầu có những tín hiệu tốt nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn. Nhiều thanh niên có nguyện vọng làm giàu ngay ở quê hương nhưng thiếu vốn. Đến nay, thanh niên huyện Vụ Bản chưa tiếp cận được nguồn vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH). Để thực sự đồng hành với thanh niên, trước hết, Đoàn Thanh niên huyện cần đứng ra làm khâu trung gian trong việc tham mưu với chính quyền địa phương tạo điều kiện cho thanh niên lập nghiệp, đồng thời cần phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH huyện tạo điều kiện cho thanh niên nghèo được vay vốn. Để bảo đảm thành công các mô hình kinh tế cần có trình độ, kiến thức, kỹ năng trong quá trình thực hiện, do vậy, BCH Huyện Đoàn cần thường xuyên phối hợp các ban, ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn về phương pháp xây dựng mô hình kinh tế, chuyển giao nguồn vốn, phổ biến các kiến thức mới về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... cho đoàn viên, thanh niên. 

Với những giải pháp đã triển khai cơ bản có hiệu quả, công tác tập hợp thanh niên nông thôn ở Vụ Bản bước đầu đã đi vào nền nếp. Tuy nhiên, sự tạo điều kiện của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể chỉ là “bột”, để “gột nên hồ”, các đoàn viên cần năng động, sáng tạo và tinh thần quyết tâm của mỗi cá nhân. Tin rằng, với sức trẻ, khát vọng và ý chí quyết tâm, thanh niên Vụ Bản luôn là lực lượng xung kích trong việc phát triển kinh tế, mang lại sự đổi thay trên quê hương mình./.

Bài và ảnh: Ngân Huyền



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com