Công tác phát triển Đảng trong đoàn viên thanh niên: Kết quả, khó khăn và những giải pháp chủ yếu

07:05, 04/05/2011

[links()]

(Tiếp theo và hết)
II. Phát triển Đảng ở địa bàn dân cư: Loay hoay tìm nguồn

Hiện nay, ở nhiều chi bộ thôn xóm, khu dân cư đang đối mặt với tình trạng thiếu nguồn phát triển Đảng. Theo số liệu thống kê, trong những năm qua, công tác kết nạp Đảng ở khu vực nông thôn vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Đảng bộ Hải Hậu có số lượng ĐVTN kết nạp Đảng cao trong tỉnh, trong 5 năm (2006-2010) kết nạp 721 đảng viên là ĐVTN, đạt 55,5% tổng số đảng viên được kết nạp của Đảng bộ. Tỷ lệ đảng viên mới là lao động nông nghiệp, những người trực tiếp sản xuất tại cơ sở tuy có tăng nhưng vẫn thấp so với mặt bằng chung. Không ít tổ chức Đảng ở nông thôn gặp khó khăn trong công tác tạo nguồn kết nạp Đảng. Vì vậy, tình trạng một số chi bộ qua nhiều năm không kết nạp được đảng viên do thiếu nguồn. Trong bối cảnh số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp giảm, yêu cầu lao động ở các ngành nghề khác ngày càng tăng, đã dẫn đến tình trạng một bộ phận lao động nông thôn thoát ly một phần hoặc hoàn toàn khỏi sản xuất nông nghiệp để tham gia các ngành, nghề khác, trong đó, thanh niên là đối tượng đầu tiên chịu sự tác động bởi việc làm, thu nhập từ các đô thị nên dẫn đến sự thiếu hụt về lao động trẻ ở khu vực nông thôn. Theo đó, nguồn cho công tác phát triển đảng viên từ nông dân cũng bị thu hẹp. Trong khi nguồn phát triển bị mất cân đối, nhưng chất lượng công tác phát triển Đảng vẫn phải nâng cao đã đặt các chi bộ ở khu vực nông thôn vào tình thế lúng túng. Bên cạnh đó, tác động của mặt trái cơ chế thị trường cùng với những tiêu cực và tệ nạn xã hội đang có chiều hướng gia tăng ở khu vực nông thôn đã tác động đến tư tưởng, nhận thức của một bộ phận thanh niên nông thôn. Tình trạng nhận thức không đúng về động cơ phấn đấu vào Đảng, hoặc không muốn tham gia vào các tổ chức chính trị, xã hội đã xuất hiện ở một bộ phận ĐVTN ở khu vực nông thôn. Có ĐVTN quan niệm vào Đảng phải thực hiện nghĩa vụ đảng viên, phải chịu sự kiểm tra, giám sát, kiểm điểm... vì thế nên “ngại” phấn đấu vào Đảng. Đó là chưa kể đến công tác tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp đảng viên mới ở nhiều nơi chưa được các cấp ủy, chi bộ quan tâm đúng mức. Ngoài ra, vai trò lãnh đạo của chi bộ, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên chưa tạo nên sức hút mạnh mẽ đối với quần chúng, thôi thúc họ quyết tâm phấn đấu vươn lên. Mặt khác, ở nhiều địa phương trong lúc nông nhàn, lao động trẻ thường đi làm ăn xa, thường xuyên vắng mặt tại địa phương, vì vậy, việc quản lý của các cơ sở Đoàn cũng đã khó chứ chưa nói đến việc tìm nguồn bồi dưỡng để kết nạp Đảng.

ĐVTN nông thôn tích cực tham gia sản xuất tại địa phương.
ĐVTN nông thôn tích cực tham gia sản xuất tại địa phương.

Không chỉ ở khu vực nông thôn, tìm và tạo nguồn phát triển Đảng trong thanh niên cũng là khó khăn chung của các Đảng bộ phường thuộc Đảng bộ Thành phố Nam Định. Hiện nay ở Thành phố Nam Định, đảng viên đang sinh hoạt tại các Đảng bộ phường rất đa dạng, số đảng viên trẻ làm nòng cốt của các Đảng bộ đang giữ trọng trách tại các cấp ủy Đảng, UBND phường, trường học, đạt tỷ lệ thấp và chất lượng còn hạn chế. Chính vì vậy, công tác phát triển đảng viên trong thanh niên ở cấp phường để góp phần trẻ hóa đội ngũ cán bộ cho các Đảng bộ phường cũng đang là bài toán khó. Đồng chí Trần Xuân Trường, Bí thư Thành Đoàn Nam Định cho biết: Hiện nay, nguồn phát triển đảng viên tại khu dân cư rất khó khăn vì hầu hết thanh niên trưởng thành đều đi học ở các trường ĐH, CĐ, một số thanh niên đi làm ăn xa. Do đó, công tác phát triển Đảng phần lớn tập trung vào khối cơ quan sự nghiệp ở địa phương. Từ năm 2010, công tác phát triển Đảng ở các Đảng bộ phường gặp khó khăn về nguồn nên có xu hướng giảm. Mỗi năm trung bình một Đảng bộ phường chỉ kết nạp được 3 đảng viên. Số lượng quần chúng ưu tú được cử đi học lớp cảm tình Đảng nhiều nhưng sau khi học xong, một số thanh niên tìm được việc làm, số khác thì đi học nghề... nên đến khi kết nạp lại thiếu nguồn.

Để giải quyết những vấn đề trên, cần có các giải pháp đồng bộ. Trước hết cần nâng cao nhận thức của các cấp uỷ Đảng, cán bộ, đảng viên về vai trò quan trọng của công tác phát triển đảng viên, coi phát triển Đảng là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đảng viên, sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Thông qua các hình thức sinh hoạt, hội họp, các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, trước hết là ở xã, phường, thị trấn nhận thức rõ phát triển đảng viên là một nội dung trọng yếu trong công tác xây dựng Đảng và có nhận thức đúng đắn ý nghĩa của công tác phát triển đảng viên trong công cuộc đổi mới. Hàng năm, Đảng bộ cơ sở cần tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm công tác phát triển đảng viên, chỉ ra những mặt được, chưa được, phân tích rõ nguyên nhân, trên cơ sở đó đề ra những chủ trương, biện pháp thiết thực chỉ đạo công tác phát triển Đảng thời gian tới. Tiếp tục giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên đối với các tổ chức cơ sở Đảng ở xã, phường, thị trấn và các chi bộ thôn (khu dân cư), khắc phục dứt điểm tình trạng chi bộ thôn (khu dân cư) nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên. Cùng với việc phân công cấp uỷ viên, đảng viên phụ trách công tác phát triển đảng viên, cần quy hoạch và bồi dưỡng "nguồn" phát triển Đảng đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, số lượng, cơ cấu. Định kỳ hàng tháng, cùng với việc rà soát quy hoạch, các chi uỷ xem xét lựa chọn những đối tượng kết nạp để bồi dưỡng. Nội dung công tác phát triển đảng viên ở xã, phường, thị trấn cần được nhấn mạnh trong các chương trình, thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp; những hạn chế, yếu kém trong công tác phát triển Đảng cần được khắc phục kịp thời. Tăng cường công tác kiểm tra nghiệp vụ quản lý đảng viên, đôn đốc cơ sở đẩy mạnh công tác quy hoạch, tạo nguồn, xét kết nạp đảng viên. Đẩy mạnh việc tổ chức các lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng ngay tại xã, phường, thị trấn hoặc theo từng Đảng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho quần chúng tham gia học tập đạt kết quả tốt./.

Bài và ảnh: Ngân Huyền



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com