Chiếc Huy hiệu Bác Hồ

08:05, 18/05/2011

 

Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người cho các anh hùng, chiến sĩ thi đua. Ảnh: TL
Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người cho các anh hùng, chiến sĩ thi đua.
Ảnh: Internet

Khoảng cuối năm 1955 đầu năm 1956, lúc đó tôi là chính trị viên phó tỉnh đội Nam Định được cử đi dự lớp chỉnh huấn chính trị toàn quân. Lớp được tổ chức tại một địa điểm nằm ở quận Hà Đông (Hà Nội) bây giờ. Khai mạc được ít hôm thì một buổi sáng, chúng tôi được lệnh ăn mặc chỉnh tề chuẩn bị đón cấp trên. Đứng tập hợp trong hàng quân, anh em đoán già, đoán non về “cấp trên”. Nhiều người đã nghĩ là đồng chí Võ Nguyên Giáp hoặc đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Tập hợp một hồi, chúng tôi lại được lệnh trở về hội trường. Vừa ổn định chỗ ngồi thì trên bục nói chuyện bất ngờ xuất hiện một cụ già râu tóc đều đã bạc, nước da hồng hào, dáng nhanh nhẹn và khỏe mạnh. Ai đó bật hô to: “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Cả hội trường vang dậy tiếng hô hưởng ứng. Tiếp đó là “Đảng Lao động Việt Nam muôn năm”. Tiếng hô lại rầm rập đổ hồi. Một không khí hân hoan, náo nhiệt tràn ngập hội trường, tràn ngập lớp chỉnh huấn. Hóa ra Bác Hồ đến thăm lớp. Bác bí mật hóa trang thành một cụ già đi lối tắt vào thăm bếp ăn, thăm anh chị em cấp dưỡng rồi mới lên hội trường. Hồi lâu sau, khi trật tự được ổn định trở lại, Bác bắt đầu nói chuyện với lớp học. Riêng tôi chỉ chú tâm quan sát Bác là chính, đâu còn tâm trí nào mà nghe hết, nghe cặn kẽ những lời của Bác. Chỉ nhớ đại ý Bác nói đến một giai đoạn cách mạng mới - giai đoạn hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng miền Bắc XHCN, đấu tranh thống nhất nước nhà, hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ nhân dân trong cả nước… Kết thúc bài nói chuyện, Bác để lại 2 Huy hiệu của Người để làm phần thưởng, một cho giáo viên và một cho học viên. Ai được bình bầu là xuất sắc nhất của lớp sẽ được nhận Huy hiệu của Người. Rồi cả hội trường đồng thanh hát bài “Kết đoàn” theo nhịp bắt của Bác, vừa hát vừa vỗ tay tiễn Bác.

… Trong ngày lễ bế mạc lớp chỉnh huấn đó, khi nghe đồng chí Phạm Kiệt, người phụ trách lớp xướng tên học viên Trần Văn Soạn được nhận Huy hiệu của Bác, tôi không tin ở tai mình. Một thoáng ngớ người, bất chợt tôi hỏi xung quanh: “Soạn nào ấy chứ?”. Đồng chí lớp trưởng một lần nữa nhắc lại tên tôi kèm thêm: “Đoàn Nam Định”. Lúc đó tôi mới dám tin đó là sự thật. Rồi lại chợt nghĩ, mình có thành tích gì đáng kể đâu mà được nhận vinh dự quá lớn lao này? Về sau được đồng chí Minh Thông, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Hà Đông, đồng thời được phân công là trung đội trưởng trung đội đồng bằng (gồm các học viên từ các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ) giải thích lại tôi mới vỡ lẽ.

Tiểu đội tôi có đồng chí Cầu, một cán bộ đã luống tuổi, rất ngang tàng, bướng bỉnh. Anh vốn là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn quân chủ lực đầu tiên của Liên khu Ba; nhiều lần gan dạ, chỉ huy và cùng tiểu đoàn lập nhiều chiến công trong đánh Pháp. Đối với tôi, anh Cầu là một người anh, một người hùng, đôi khi như một thần tượng. Nhưng anh cũng có chút công thần. Một trong những ấm ức là anh không thông với chủ trương ký hiệp định hòa bình Giơ-ne-vơ năm 1954. Trong lớp chỉnh huấn ấy, anh Cầu một mực thắc mắc tại sao Trung ương Đảng, Bác không cho đánh thẳng một mạch, giải phóng luôn cả nước. Theo anh, lúc đó ta đang mạnh, thế đang lên. Pháp đang yếu, thế lại đang xuống. Đánh một lèo là xong. Giải thích thế nào anh cũng không nghe, không thông và dứt khoát không làm kiểm điểm thu hoạch. Tôi thấy anh lúc nào cũng u uất nặng nề. Giải thích cho anh thì tôi không đủ tầm. Tôi lúc đó tuy là chính trị viên phó Tỉnh đội nhưng chưa đến tuổi 30. Dưới con mắt anh, tôi là hậu sinh, hậu thế, là một thằng nhóc. Anh thường gọi tôi là thằng ranh con nhưng lại rất quý tôi. Kiếm được đâu cái kẹo hay quả khế, quả ổi anh cũng để giành cho “thằng ranh con”. Giường anh Cầu kê sát ngay giường tôi, ngủ bên anh tôi để ý thấy đêm nào anh cũng trằn trọc. Có lẽ anh vẫn không thông với chủ trương của trên. Thương anh, quý anh, tôi lân la bò sang giường anh vừa đấm bóp, tẩm quất cho anh, vừa thủ thỉ tâm sự. Lúc đầu anh vặc lại, vẫn cho tôi là thằng ranh con. Đáp lại, tôi vẫn cư xử với anh bằng tình cảm chân thành của một người em. Rồi dần dần anh im lặng. Hình như nhận ra điều gì đó trong nhận thức của mình, anh đồng ý làm thu hoạch nhưng nhờ tôi viết giúp. Thấy anh chuyển, tôi giả vờ nhận lời. Nhưng khi bắt tay viết, tôi lại dấn thêm bước nữa thuyết phục anh tự viết. Có tự viết mới là thực lòng mình. Anh lại đồng ý tự viết nhưng lại ra điều kiện tôi thay anh đọc bản thu hoạch đó trước trung đội. Tôi lại giả vờ nhất trí với anh. Nhưng, lại một lần nữa tôi tiếp tục động viên anh, cuối cùng thuyết phục được anh Cầu tự đọc bản thu hoạch của mình trước tập thể trung đội học viên một cách nghiêm túc, chân thành. Mọi việc diễn ra ổn thỏa, êm đẹp. Sự chuyển biến trong tư tưởng của anh Cầu không qua được con mắt quan sát và quán xuyến của anh Minh Thông. Chính anh Thông đã phản ánh đầy đủ lên phụ trách lớp học và do đó tôi được vinh dự nhận Huy hiệu của Bác.

Tấm Huy hiệu của Bác đã đồng hành cùng tôi suốt chặng đường dài phục vụ cách mạng sau này. Nhờ đó, tôi đã vượt qua được nhiều thời khắc khó khăn của đất nước nói chung và của địa phương nói riêng như: trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, trong thời kỳ cực kỳ khó khăn về kinh tế, thời kỳ giúp Campuchia trong giai đoạn cách mạng nước bạn còn đang trứng nước và cả thời kỳ phức tạp làm công tác thanh tra sau này./.

Trần Văn Soạn
(Nguyên Chính trị viên Tỉnh đội, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Phó Tổng Thanh tra Nhà nước)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com