Lâu nay ai cũng thấy việc tiết kiệm là cần thiết, nhất là đối với các cơ quan, tổ chức có sử dụng ngân sách Nhà nước. Thế nhưng việc thực hành lại không phải như vậy. Ở nơi này nơi kia vẫn còn tình trạng lợi dụng của công hoặc do thiếu ý thức đã gây nên nhiều lãng phí cho ngân sách Nhà nước. Trên thực tế trong hoạt động của cơ quan, đơn vị và địa phương vẫn còn không ít các cuộc họp, hội thảo, hội nghị không cần thiết, không mang lại hiệu quả thiết thực. Không ít cán bộ, công chức còn gây lãng phí trong việc sử dụng điện thoại, văn phòng phẩm, điện, nước… Nếu như mỗi cơ quan, đơn vị từ người đứng đầu đến các nhân viên trong cơ quan đều có ý thức thực hành tiết kiệm, thì nguồn tiền dành được từ những khoản chi phí sẽ là rất đáng kể. “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là xem đồng tiền bằng cái trống, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu; tiết kiệm không phải là gò ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào việc tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân”. “Chúng ta phải tiết kiệm thời gian (rút ngắn thời gian đối với công việc), chúng ta phải tiết kiệm sức lao động (giảm người đối với việc, để làm việc khác)...”. Cũng ghi nhận rằng, qua 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân thực hiện tốt thực hành tiết kiệm. Các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, hội, đoàn thể đã thực hiện tiết kiệm thông qua nhiều hình thức tại cơ quan như, khoán chi, tự chủ về tài chính, kể cả tiết kiệm trong chi tiêu của gia đình như "Ống tre tiết kiệm", "Nuôi lợn đất", "Hũ gạo tình thương" của các cấp hội phụ nữ trong tỉnh…
Trong tình hình khó khăn như hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã kêu gọi toàn dân tiết giảm chi tiêu và yêu cầu các cơ quan Nhà nước cắt giảm 10% chi tiêu hành chính, doanh nghiệp rà soát các khoản chi nhằm hạ giá thành và phí lưu thông. Mọi gia đình, cá nhân triệt để tiết kiệm tiêu dùng, nhất là nhiên liệu, năng lượng… Yêu cầu đặt ra đối với các cơ quan, đơn vị cần phải có chương trình, biện pháp cụ thể để thực hành tiết kiệm. Đồng thời, để cho việc thực hành tiết kiệm thực sự có hiệu quả, ở mỗi cơ quan, đơn vị, người đứng đầu và cán bộ, đảng viên phải là những người đi trước làm gương về thực hành tiết kiệm. Tất nhiên, để tạo thói quen tiết kiệm điện trong cộng đồng cần phải có thời gian, kèm theo những biện pháp vận động và chế tài đồng bộ. Song điều cơ bản nhất là ở mỗi môi trường cần có những người làm gương, bắt đầu từ thủ trưởng cơ quan, đơn vị, thầy cô giáo và các bậc cha mẹ.
Tiết kiệm - một vấn đề tưởng rất cũ mà rất mới trong lúc này, là một việc ai cũng làm được và việc đó bắt đầu từ ý thức của mỗi người vì lợi ích quốc gia, vì sự ổn định kinh tế của đất nước và vì lợi ích của chính mình./.