141 năm trước, V.I. Lê-nin chào đời bên bờ sông Vôn-ga, thành phố Xim-biếc-xcơ, trong gia đình U-li-a-nốp. Chính Người là linh hồn của cuộc Cách mạng vĩ đại Tháng Mười 7-11-1917. Nhiều năm trôi qua, những tư tưởng bất tử của Lê-nin đã tác động lớn lao đến toàn bộ tiến trình lịch sử thế giới.
Qua thực tiễn Cách mạng vô sản Tháng Mười, Lê-nin đặc biệt lưu ý chúng ta hai vấn đề: Một là, giữa triết học và chính trị có mối quan hệ chặt chẽ, rằng Chủ nghĩa Mác là sự thống nhất giữa lý luận khoa học với thực tiễn cách mạng. Lê-nin đã phê phán gay gắt quan điểm phản động của triết gia tư sản và một số người dân chủ tư sản đã rời bỏ triết học Mác. Những người dân chủ xã hội ấy từ bỏ Chủ nghĩa Mác trong lĩnh vực triết học thì đồng thời cũng giữ lập trường sai lầm trong chính trị. Hai là, tách rời khỏi chủ nghĩa Mác-Lênin, khỏi chủ nghĩa quốc tế vô sản sẽ gây những hậu quả nặng nề cho sự nghiệp của chủ nghĩa xã hội, cho quyền lợi của các dân tộc, cho sự nghiệp hòa bình.
Lê-nin đã phát triển học thuyết của Mác về cách mạng xã hội chủ nghĩa, bổ sung thêm những tư tưởng mới có ý nghĩa to lớn đối với các dân tộc trên thế giới trong cuộc đấu tranh giành thắng lợi cho dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Chính V.I. Lê-nin đã khẳng định rằng: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu so với cuộc sống”.
Đối với Cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh kể lại khi lần đầu tiên đọc “Sơ khảo những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” do V.I. Lê-nin khởi thảo để trình bày tại Đại hội II của Quốc tế Cộng sản: “... Tôi vui mừng đến phát khóc. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”.
Khi Bảo tàng “Phòng làm việc và nơi ở của V.I. Lê-nin” mở cửa chính thức vào ngày 17-4-1955, thì người nước ngoài đầu tiên đến thăm bảo tàng này là vị lãnh tụ vĩ đại của những người Cộng sản và nhân dân Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã ghi cảm tưởng vào trang đầu, tập đầu ở bảo tàng:
“Lê-nin, người thầy vĩ đại của cách mạng vô sản. Cũng là một vị đạo đức rất cao, dạy chúng ta phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Tinh thần Lê-nin muôn đời bất diệt”.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đã lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam chỉ đạo mọi hoạt động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Có thể khẳng định tên tuổi của Lê-nin, sự nghiệp và học thuyết vĩ đại của Người là bất tử.
Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp khôn lường và tác động của toàn cầu hóa trên mọi bình diện, đọc lại những bài báo, những bức thư cuối cùng của V.I. Lê-nin mới thấy hết ý nghĩa thiêng liêng, cao cả của một tác phẩm thống nhất, trong đó Lê-nin phát triển những kết luận và luận điểm đã có trong tác phẩm và diễn văn trước đó.
Trong bài báo cuối cùng của mình, Lê-nin giải thích nhiều lần rằng cần phải theo đuổi chính sách đối ngoại hòa bình, kiên trì đấu tranh cho hòa bình, thiết lập những quan hệ ngoại giao với các nước tư bản chủ nghĩa, đấu tranh cho sự cùng tồn tại hòa bình giữa các nước có chế độ khác nhau. Đồng thời, Người dạy phải luôn luôn cảnh giác, củng cố quốc phòng, bảo vệ Hồng quân như bảo vệ con ngươi của mắt. Lê-nin tuyệt đối tin tưởng rằng chủ nghĩa xã hội, một chế độ tiên tiến nhất, cuối cùng sẽ chiến thắng.
Trong “Thư gửi đại hội”, một trong số những tác phẩm cuối cùng của Lê-nin được các đoàn đại biểu đọc trong Đại hội lần thứ XIII của Đảng tháng 5-1924 (sau khi Lê-nin qua đời), Lê-nin nhấn mạnh cần thiết phải giữ gìn sự nhất trí trong Đảng, Lê-nin cho rằng, điều kiện quan trọng nhất đối với sự thống nhất trong Đảng là sự đoàn kết, nhất trí của BCH Trung ương. Lê-nin còn viết rằng: “Việc cải tổ một tổ chức tập thể và để ngăn ngừa sao cho những mâu thuẫn giữa các nhóm nhỏ trong BCH TƯ khỏi có thể có một tác động thái quá đối với vận mệnh của Đảng”.
V.I. Lê-nin như đang nói với chúng ta: “Con đường của chúng ta là con đường mà sớm muộn các nước khác thế nào cũng phải tiến tới”./.
Theo: bienphong.com.vn