Trong suốt cuộc đời cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn dành những tình cảm yêu quý cho thanh thiếu nhi trong nước cũng như quốc tế. Trước khi đi xa, Bác đã hai lần nhắc đến thanh niên và nhi đồng: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng.
Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế…”.
Bác Hồ rất yêu quý thanh niên. Và Bác nói:
- “Vì thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức là các cháu nhi đồng.
- Vì thanh niên là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hoá, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
- Vì thanh niên là lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an và dân quân tự vệ, đang hăng hái giữ gìn trật tự, trị an, bảo vệ Tổ quốc.
- Vì trong mọi công việc, thanh niên thi đua thực hiện khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có. Việc gì khó thanh niên làm”.
Thanh niên tình nguyện trong chương trình "Mùa hè xanh"
Ảnh: Internet
|
Ngay từ thời kỳ đầu tiên truyền bá tư tưởng cách mạng cho đồng bào ta, Người đã chọn đối tượng đầu tiên là thanh niên, lực lượng trẻ ưu tú, hăng hái, đầy lòng yêu nước và sẵn sàng hy sinh cho cách mạng.
Tháng 4 năm 1921, trong bài báo “Đông Dương” in trên tờ Tạp chí La Revue Communiste, với tên Nguyễn Ái Quốc, Bác đã viết: “Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi. Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”.
Và những hạt giống đầu tiên mà Bác gieo trồng, tin tưởng và hy vọng ấy, chính là những thanh niên Việt Nam yêu nước, những Trần Phú, Lê Hồng Phong, Lý Tự Trọng, Nguyễn Thị Minh Khai, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp…
Tháng 6 năm 1925, Bác thành lập “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội” và xuất bản một tờ báo Cách mạng cũng lấy tên là “Thanh niên” để tuyên truyền và tập hợp lực lượng Cách mạng. Bác đã mở nhiều lớp huấn luyện, tìm cách đưa hàng trăm thanh niên yêu nước sang Quảng Châu học tập, và Bác chọn những thanh niên ưu tú nhất cử sang học trường Đại học Phương Đông ở Nga và học trường quân sự ở Trung Quốc. Sau này nhiều đồng chí đã trở thành những cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta.
*
Tháng 1 năm 1946, nhân dịp Tết đầu tiên của nước Việt Nam Độc lập, Bác lại viết thư riêng cho thanh niên và nhi đồng, Bác viết:
“Hỡi thanh niên và nhi đồng yêu quý!
Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội. Bác khuyên thanh niên phải thực hiện đời sống mới, phải hăng hái, phải kiên quyết, không sợ khó, không sợ khổ. Phải siêng học, phải siêng làm, phải tiết kiệm”. Và Bác dặn dò: “Việc nên làm thì ta không chờ ai nhắc nhủ. Việc nên tránh thì ta không đợi ai ngăn ngừa”.
Đến nói chuyện hoặc viết thư cho thanh niên, Bác Hồ luôn luôn nhắc nhở thanh niên: Phải đoàn kết, hăng hái thi đua, khắc phục khó khăn, lao động sáng tạo, giữ gìn kỷ luật và phải vừa làm vừa học. Học văn hoá, học chính trị, học khoa học kỹ thuật và Bác mong muốn thanh niên phải làm đúng khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Bác nói: “Thanh niên phải xung phong đến những nơi khó khăn, gian khổ nhất, nơi nào người khác làm ít kết quả, thanh niên phải xung phong đến làm cho tốt”. Thanh niên phải đem hết nhiệt tình và tài năng của tuổi trẻ cống hiến thật nhiều cho Tổ quốc.
Bác đặc biệt nhắc nhở thanh niên phải rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tự do. Trong công tác phải đặt ra những kế hoạch thiết thực và bền bỉ thực hiện, đừng đặt ra những chương trình có vẻ to tát, mênh mông, nghe thì sướng tai nhưng không làm được.
Đầu tháng 6 năm 1968, trong buổi làm việc với một số cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng về việc làm và xuất bản loại sách “Người tốt việc tốt”, Bác đã hỏi:
- “Về giáo dục thanh niên, các chú tuyên huấn có xem xét công tác giáo dục thanh niên không?”.
Và Bác nói: “Thanh niên ta bây giờ giỏi lắm. Chỉ nói về đánh giặc so với cuộc kháng chiến chống Pháp, cũng đã thấy con hơn cha rồi. Ta có câu “Con hơn cha là nhà có phúc”. Bác mong các cháu bây giờ và sau này ngày càng giỏi thì mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản được. Nhưng bên cạnh những điều đáng khen, vẫn còn những chuyện không xứng đáng với thanh niên ta. Trước đây, Bác và các chú bước vào con đường Cách mạng ai cũng sẵn sàng, một là ngồi tù, hai là lên máy chém. Ngoài cái lớn là độc lập tự do cho nhân dân, cho Tổ quốc, không ai nghĩ sẽ dành phần danh lợi cho cá nhân mình. Bây giờ một số cháu khi phấn đấu vào Đoàn hay vào Đảng lại có ý nghĩ là để được tín nhiệm, để mau được đề bạt và lên lương. Phải uốn cây từ lúc còn non, đừng để cho tâm hồn các cháu bị vẩn đục vì chủ nghĩa cá nhân như thế”.
Bác còn nêu ra một số khuyết điểm nữa của thanh niên, song Bác nói:
“Tuy vậy, những cái hư hỏng chỉ là số ít. Nhà trường, đoàn thể và gia đình hàng ngày phải biết phòng ngừa và đẩy lùi những cái không tốt đó. Phải thấy phần đông các cháu là tốt. Cần lấy ngay những gương tốt đó của các cháu và những gương người tốt việc tốt khác trong nhân dân để giáo dục các cháu. Không nên nói lý luận suông”.
*
Thấm nhuần Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã luôn luôn quan tâm đến việc lãnh đạo công tác thanh niên. Đảng ta coi công tác thanh niên là một khâu quan trọng nhất trong chiến lược con người. Trong quá trình tập hợp, giáo dục, đào tạo thanh niên, Đảng ta luôn đặt niềm tin vào thế hệ trẻ, coi thanh niên là lực lượng kế thừa sự nghiệp Cách mạng của Đảng và của dân tộc.
Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ 21 có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, phần lớn tuỳ thuộc vào việc bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ thanh niên. Công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của Cách mạng, vì vậy phải đặt thanh niên ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát huy nhân tố và nguồn lực con người.
Nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng ta cũng đã nói làm tốt công tác thanh niên là làm tốt công tác xây dựng Đảng. Và Bác Hồ cũng đã căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Nhớ Bác, thanh niên ta càng ra sức phấn đấu, rèn luyện, học tập tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh để đóng góp nhiều hơn nữa cho Tổ quốc, xứng đáng với lòng tin yêu của Bác!
Bùi Công Bính