Những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã triển khai, nhân rộng nhiều mô hình tập hợp, thu hút hội viên, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt Hội theo hướng thiết thực, hiệu quả.
Đồng chí H' Ngăm Niê K' Đăm, nguyên Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam (hàng đầu, thứ 3 từ phải sang) thăm "CLB Nữ chức việc" xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng). |
Hội LHPN tỉnh đã chọn xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) làm điểm về “Tập hợp, thu hút hội viên Công giáo tham gia sinh hoạt, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh”. Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện Nghĩa Hưng chỉ đạo 8 đơn vị xây dựng các mô hình tập hợp hội viên như “CLB nữ công dưỡng sinh” ở xã Nghĩa Châu; “Tổ phụ nữ trẻ” ở xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Lâm; “Tổ phụ nữ đơn thân” ở xã Nghĩa Trung; “Tổ phụ nữ khai thác thuỷ sản” ở xã Nam Điền... Cuối năm 2010, Hội LHPN huyện đã thành lập 2 mô hình: “Câu lạc bộ chức việc” tập hợp những người giúp việc cho các đoàn hội Công giáo tại xã Nghĩa Lạc và mô hình “Câu lạc bộ ni giới” thu hút 38 vị ni sư trụ trì tại các chùa trên địa bàn huyện. Đến nay, huyện Nghĩa Hưng đã có 1/3 số xã, thị trấn có mô hình mới tập hợp hội viên, đạt tỷ lệ 30%... Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện đẩy mạnh các phong trào thi đua và các chương trình công tác trọng tâm của tổ chức Hội, nhất là phong trào hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống... Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay tỷ lệ tập hợp hội viên của Hội LHPN huyện Nghĩa Hưng đạt 81%, tăng hơn 10% so với đầu nhiệm kỳ, trong đó cao nhất là xã Nghĩa Phúc đạt 90%, Nghĩa Hồng đạt 87%... Ở các địa phương trong tỉnh, các cấp Hội Phụ nữ đã có nhiều sáng tạo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng nhiều mô hình mới, phù hợp với từng đối tượng, điển hình như mô hình “Tổ nữ công nhân lao động KCN sinh hoạt hội tại nơi thuê trọ” của xã Mỹ Xá (TP Nam Định); “Chi Hội Phụ nữ dòng tu Trinh Vương” xã Xuân Ngọc (Xuân Trường); “Tổ phụ nữ cao tuổi” tại xã Nam Thái, CLB “Phụ nữ trẻ” xã Nghĩa An (Nam Trực)... đã thu hút ngày càng nhiều đối tượng phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội, góp phần nâng tỷ lệ tập hợp hội viên toàn tỉnh lên 76,2%, tăng 4% so với đầu nhiệm kỳ.
Thực tế cho thấy, việc xây dựng các mô hình mới không quá khó khăn nếu như cấp hội cơ sở làm tốt công tác khảo sát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của phụ nữ, xây dựng các mô hình phù hợp với nhu cầu của chị em. Ở xã Hải Long (Hải Hậu), qua khảo sát đầu năm 2007, toàn xã còn 520 phụ nữ trên 60 tuổi chưa tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ. Trước thực tế đó, Hội Phụ nữ xã đã chọn chi hội 9 làm điểm kết nạp hội viên cao tuổi, đến năm 2008 phát triển nhân rộng ra cả 16 chi hội còn lại. Đến nay, toàn xã đã tập hợp được 176 hội viên cao tuổi vào Hội và thành lập ở mỗi xóm một tổ Hội mẹ để các hội viên cao tuổi thường xuyên sinh hoạt, chia sẻ tâm tư tình cảm. Các hội viên cao tuổi tham gia sinh hoạt Hội được Hội Phụ nữ xã miễn 100% hội phí và được hưởng đầy đủ các quyền lợi của hội viên. Từ đầu năm 2010 đến nay, Hội LHPN xã đã kết nạp thêm 176 hội viên mới, trong đó có 142 hội viên cao tuổi, nâng tỷ lệ tập hợp hội viên tăng từ 71% (năm 2007) lên 80%. Mô hình tổ Hội mẹ ở Hải Long đang trở thành mô hình tập hợp hội viên cao tuổi được Hội LHPN tỉnh khuyến khích nhân rộng. Ở xã Mỹ Xá (TP Nam Định) thường xuyên có hàng nghìn công nhân thuê trọ, trong đó có 64% là nữ công nhân trẻ. Năm 2007, Hội LHPN xã đã thành lập mô hình “Tổ nữ công nhân lao động” và chọn chi hội xóm Bến làm điểm. Đến nay đã có 4 chi hội tổ chức được mô hình “Nữ công nhân KCN tham gia sinh hoạt hội tại nơi thuê trọ” thu hút gần 500 nữ công nhân tham gia. Mô hình ra đời, góp phần cải thiện đời sống tinh thần, tạo sự gắn bó, đoàn kết giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Những kết quả đã đạt được trong công tác xây dựng mô hình mới tập hợp thu hút hội viên là sự cố gắng lớn của đội ngũ cán bộ hội cơ sở. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là việc duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình để mô hình thực sự là nơi tập hợp, thu hút, mang lại quyền và lợi ích chính đáng cho mọi tầng lớp phụ nữ./.
Bài và ảnh: Hoài Phương