“Yêu nước, thương dân” - Bài học vỡ lòng

06:03, 11/03/2011

 

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi.
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi.
Ảnh: Internet
Bài học vỡ lòng của các em bé lần đầu tiên cắp sách đến trường là bài học đạo đức, học “Năm điều Bác Hồ dạy” - trong đó, điều đầu tiên là: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”. Đấy là đạo đức cơ bản nhất của mỗi công dân, dù là dân thường, hay người có chức, có quyền. Bây giờ, người ta lại hay nói đến “dân đức” và “quan đức”. Dù là “dân đức” (đạo đức của người dân thường) hay “quan đức” (đạo đức của người có chức, có quyền) thì cũng phải theo mấy chữ cao đẹp: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín (Theo quan điểm của Nho giáo ngày xưa, thì đó là lẽ “Ngũ thường” - tức là 5 phẩm chất của người quân tử, nói rộng ra là phẩm chất của những con người chân chính) - mà cốt lõi của cái “ngũ thường” này là lòng yêu nước, thương dân. Đó là bài học vỡ lòng, cũng là bài học suốt đời người. Xưa nay, những người có đạo đức thật sự, thì đều như vậy. Đối với những người có chức quyền to nhỏ, xã hội bao giờ cũng đòi hỏi cái đức của họ phải cao hơn, gương mẫu hơn, toả sáng hơn đối với đạo đức người dân thường. Thế nhưng, ngày nay nhiều người lại quên mất bài học vỡ lòng quý báu, sâu xa ấy!

Nội dung của lòng yêu nước, thương dân hoàn toàn dễ hiểu. Từ cội rễ là lòng yêu thương tổ tiên, gia đình mình mà mở rộng ra là lòng yêu thương bà con xóm phố quê hương với tinh thần “Thương người như thể thương thân”, đến tình yêu ngọn núi, cánh đồng, dòng sông, bờ biển, đất đai, Tổ quốc. Lòng yêu nước, thương dân giản dị như vậy; nhưng thực hành nó, là điều không phải dễ. Có thể nhìn nhận lòng yêu nước, thương dân ở một góc độ khác, đó là: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, đặt quyền lợi của Tổ quốc và nhân dân lên trên hết - như Bác Hồ thường căn dặn, nhắc nhở đối với mọi công dân, nhất là đối với cán bộ, đảng viên.

Ở các tầng lớp thường dân - phải nói rõ những hiện trạng này: Ta ngạc nhiên, kinh hãi bởi thấy rất nhiều người thiếu hụt cái lẽ “ngũ thường”. Vô cảm với đồng loại, chiếm đoạt tài sản người khác, lợi dụng cả thiên tai và những hoạn nạn của đồng bào mà kiếm chác tiền của, làm giàu bất chính; nạn giết người cướp của, lưu manh, côn đồ hung hãn; tệ lừa đảo, thói dối trá, điêu toa, buôn gian bán lận, tăng giá vô tội vạ bóp hầu bóp cổ đồng bào mình; lối sống bừa bãi, bệ rạc; tham gia giao thông quá mức hỗn loạn để tự chứng minh “sự vô học và hèn kém”, chỉ cốt được việc mình, gây ra tai nạn liền bỏ trốn; không có ý thức tự trọng; coi thường pháp luật;… Phải thực sự cầu thị mà nhận ra rằng: So với công dân các nước văn minh, tiên tiến, thì dân đức và dân trí của ta thua xa thiên hạ. Cái đó, với cách nhìn của người nước ngoài, ảnh hưởng rất xấu đến giá trị người Việt và ảnh hưởng xấu đến cả quốc thể!

Đối với rất nhiều quan chức ở các cấp, các ngành, các địa phương, và nhiều chức sắc trong các doanh nghiệp lớn nhỏ, ta càng giật mình bởi lòng yêu nước, thương dân của họ bây giờ quá nhạt nhoà, thậm chí trở thành xa lạ đối với họ; hay nói đúng ra - đó chỉ còn là lời hô khẩu hiệu, là cái bình phong để họ che giấu những việc làm trái ngược với “ngũ thường”. Thực tế đã thể hiện rõ điều này. Đó là hiện trạng nhức nhối: Nạn tham nhũng (tham ô và gây nhũng nhiễu, phiền hà cho dân), tệ quan liêu, lãng phí xa hoa nghiêm trọng, diễn ra đủ mọi mức độ và hình thức; tệ lười biếng công tác, bỏ bê nhiệm sở, ham mọi thú vui bằng tiền của Nhà nước và của dân (ăn nhậu lu bù, du lịch trong và ngoài nước triền miên, đi nhà hàng, khách sạn, tệ nạn…)! Bây giờ, ta không thấy “làm lạ”: Không ít quan chức chỉ cốt vơ vét cho đầy túi tham. Nhiều vụ án tham nhũng, các phiên toà xét xử tham nhũng diễn ra khá nhiều, vẫn còn rất nhiều vụ, nhiều người chưa bị xử lý hoặc đã được lọt lưới. Đáng giận nữa, là tiền của Nhà nước và nhân dân chắt chiu để cứu giúp dân nghèo, các đối tượng chính sách và những người gặp thiên tai, hoạn nạn, lại bị nhiều người có chức, có quyền ở các địa phương ăn chặn, chiếm đoạt! Người ta còn biến báo ra nhiều trò đội lốt lòng “từ thiện” (?!) để cầu tiền, cầu danh.

Có thật sự yêu nước, thương dân thì mới trở thành con người lương thiện, thành người tử tế. Sống như vậy, mới có ích cho chính gia đình mình và hơn thế - có ích cho cộng đồng. Làm quan chức thì càng phải yêu nước, thương dân, làm những việc ích nước lợi dân - để nhân dân kính trọng, biết ơn, “tâm phục, khẩu phục”, để lưu tiếng thơm lâu dài? Thế mới là vinh quang và thế mới là để phúc đức cho chính con cháu của mình.

Bài học vỡ lòng “Yêu nước, thương dân” là bài học để làm Con Người đích thực, Con Người chân chính. Bây giờ, nhiều người đã quên mất bài học đầu tiên mà vô cùng hệ trọng ấy! Tiếc và xót lắm thay!

Đào Ngọc Đệ



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com