Tìm hiểu pháp luật về bầu cử (tiếp theo)

08:03, 21/03/2011

Câu 3 - Tại sao nói bầu cử là quyền và nghĩa vụ của công dân?

Ở nước ta, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước thông qua các hình thức trực tiếp và gián tiếp.

Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND là quyền và nghĩa vụ của công dân, bởi vì: Công dân tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND là thực hiện quyền bầu cử và ứng cử của công dân - những quyền chính trị cơ bản trong một Nhà nước dân chủ được Hiến pháp quy định.

Thông qua bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND, công dân vừa thực hiện quyền chính trị của công dân đồng thời thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng, tổ chức bộ máy chính quyền Trung ương và địa phương bằng việc lựa chọn, giới thiệu và bầu người được nhân dân tín nhiệm vào Quốc hội và HĐND - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.

Câu 4 - Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp được tiến hành theo những nguyên tắc nào?

Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, việc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Đó cũng là những tư tưởng chỉ đạo trong việc tổ chức bầu cử, thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước ta.

Nguyên tắc bầu cử được thể hiện chặt chẽ, thống nhất và xuyên suốt trong toàn bộ quá trình tiến hành bầu cử, bảo đảm cho cuộc bầu cử khách quan, dân chủ, thể hiện đúng nguyện vọng của cử tri khi lựa chọn. Nguyên tắc bầu cử yêu cầu phải quy định rõ quyền và trách nhiệm của cử tri trong bầu cử, trách nhiệm của Nhà nước phải bảo đảm các quy định về bầu cử./.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com