Thảo luận hai dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Thủ đô

07:03, 23/03/2011
Ngày 22-3-2011, kỳ họp thứ chín, QH khóa XII bước vào ngày làm việc thứ hai. Các đại biểu thảo luận tại hội trường hai dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Thủ đô.
Các Đại biểu QH thảo luận tại hội trường.
Các Đại biểu QH thảo luận tại hội trường.
 
Xem xét vai trò của Viện Kiểm sát trong tố tụng dân sự

Mở đầu phiên họp buổi sáng, các đại biểu QH đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Thu Ba trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự. Báo cáo cho biết, tại kỳ họp thứ 8, QH khóa XII, các vị đại biểu QH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật nói trên. Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện để trình QH xem xét, thông qua tại kỳ họp này. Báo cáo nêu chín vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau và ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH đối với từng vấn đề cũng như việc tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo. Qua thảo luận tại hội trường, có hai vấn đề lớn, nổi lên thu hút nhiều đại biểu QH tham gia ý kiến, đó là: Vai trò của Viện Kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự và thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, cả hai vấn đề này, các ý kiến vẫn còn khác nhau. Thứ nhất là, về việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự (khoản 2 Ðiều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung - Ðiều 21 Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành). Dự thảo quy định:

- Viện Kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật.

- Viện Kiểm sát nhân dân kiểm sát các vụ việc dân sự từ khi thụ lý đến khi kết thúc việc giải quyết vụ việc; tham gia các phiên tòa, phiên họp sơ thẩm của Tòa án khi xét thấy cần thiết; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác thi hành bản án, quyết định của Tòa án, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật.

- Viện Kiểm sát nhân dân tham gia phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, không nên quy định Viện Kiểm sát nhân dân tham gia các phiên tòa, phiên họp sơ thẩm khi xét thấy cần thiết mà phải quy định Viện Kiểm sát tham gia tất cả các phiên tòa, phiên họp sơ thẩm của Tòa án nhân dân. Một số ý kiến đề nghị, chỉ nên quy định Viện Kiểm sát tham gia các phiên tòa sơ thẩm giải quyết các vụ án dân sự, không quy định Viện Kiểm sát tham gia phiên họp sơ thẩm để giải quyết các việc dân sự. Cũng có ý kiến cho rằng, việc dân sự: 'Cốt ở hai bên' đương sự, còn Tòa án là người đứng giữa, cho nên không quy định Viện Kiểm sát tham gia.

Vấn đề thứ hai là, dự thảo bổ sung Chương XIX a quy định: Thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, cũng còn hai loại ý kiến trái ngược nhau. Một là, tán thành như dự thảo, vì thực tế thời gian qua đã có trường hợp quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có sai lầm nghiêm trọng, nhưng không có cơ chế để xem xét lại, cho nên, đương sự bức xúc, khiếu nại gay gắt. Việc bổ sung thủ tục này là cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong khi ở nước ta chưa có Tòa án bảo hiến.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị, cần cân nhắc kỹ việc quy định thủ tục đặc biệt này, vì việc giải quyết vụ án sẽ không có điểm dừng và tòa án tối cao sẽ không còn là tối cao nữa.

Một vấn đề nữa cũng có nhiều đại biểu QH đề cập là tại Ðiều 32 a quy định thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định của cơ quan, tổ chức. Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết. Qua thảo luận, nhiều ý kiến không tán thành quy định này với nhiều lập luận khác nhau, vì việc này thuộc thẩm quyền của Tòa án hành chính, không quy định trong luật này nữa.

Cần áp dụng một số cơ chế đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội

Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, các đại biểu QH thảo luận về dự án Luật Thủ đô.

Ða số đại biểu QH phát biểu ý kiến tán thành sự cần thiết phải ban hành Luật Thủ đô, nhằm tạo cơ sở pháp lý và phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước. Ðặc biệt là quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Hà Nội để có thể khai thác hiệu quả tiềm năng, phát huy thế mạnh nhằm xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô xứng đáng là bộ mặt của cả nước. Các đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), Ðinh Xuân Thảo (Kiên Giang) cho rằng, việc áp dụng quy định đặc thù đối với Thủ đô là cần thiết. Ðiều này đã được một số nước trong khu vực và trên thế giới áp dụng và mang lại hiệu quả cao. Ðồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng, không chỉ Hà Nội mà các thành phố lớn khác như TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng cũng nên nghiên cứu, áp dụng một số quy định đặc thù, tạo điều kiện cho sự phát triển. Tuy nhiên, có ý kiến còn băn khoăn và cho rằng, một số cơ chế, chính sách trong dự thảo luật chưa rõ ràng, mới chỉ là mục tiêu hướng tới của các cơ chế, chính sách. Ðại biểu Nguyễn Ngọc Ðào (Hà Nội) băn khoăn, việc áp dụng một số quy định đặc thù đối với Thủ đô là việc làm cần thiết, tuy nhiên những quy định đó có ảnh hưởng tới tính thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành hay không.

Về cơ chế, chính sách trong quản lý, thực hiện quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng Thủ đô, nhiều đại biểu có chung nhận xét, hiện quỹ đất Hà Nội rất lớn, nhưng tình trạng xây dựng lộn xộn, không có quy hoạch tổng thể hợp lý, gây lãng phí và khó khăn trong quản lý. Ðại biểu Ðinh Xuân Thảo đề nghị, cần quy định khi phát triển mới tuyến đường giao thông, nên quy hoạch theo hướng giải phóng mặt bằng cả hai bên đường để xây dựng các công trình, nhà ở thống nhất, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích đối với người dân. Ðại biểu Nguyễn Minh Thuyết đề nghị, để bảo đảm quyền lợi cho người dân, trong trường hợp quy hoạch có xây dựng nhà ở tái định cư hoặc thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh phải ưu tiên cho người có đất bị thu hồi được tái định cư tại chỗ hoặc tham gia dự án sản xuất, kinh doanh. Trong quy hoạch làm đường, thu hồi đất, cần có sự kiểm soát trực tiếp của nhân dân.

Ðối với quy định không mở rộng, xây mới trong nội thành các khu công nghiệp, trường học, bệnh viện, nhiều đại biểu tán thành vì điều này giúp nội thành giảm tỷ lệ về dân số, giảm bớt ô nhiễm môi trường, giảm sự quá tải của cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, bệnh viện, trường học là những yếu tố gắn liền với khu dân cư, đáp ứng nhu cầu trực tiếp của người dân, do vậy không nên quy định cứng trong Luật cấm việc xây dựng mới các bệnh viện trong nội thành mà nên để thực hiện trong quy hoạch. Ðại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) đề nghị, cần phân loại và quy hoạch rõ đối với bệnh viện của Hà Nội và bệnh viên T.Ư, đồng thời tán thành việc di dời bệnh viện T.Ư ra khỏi nội thành, còn bệnh viện Hà Nội nhất thiết phải ở trong nội thành mới đáp ứng được nhu cầu của người dân Thủ đô.

Một số đại biểu không tán thành quy định bổ sung các điều kiện chặt chẽ hơn đối với việc đăng ký cư trú trong nội thành, vì những quy định này không thể giải quyết vấn đề quá tải hiện nay. Theo đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang), dân số Hà Nội tăng cao không phải hoàn toàn do nhân khẩu thường trú, mà chủ yếu do nhu cầu nội tại của chính Hà Nội về nguồn nhân lực là lao động tự do.
Theo: nhandan.com.vn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com