Ngày 28-3, kỳ họp thứ chín, QH khóa XII sang ngày làm việc thứ bảy, các đại biểu thảo luận tại hội trường Báo cáo tổng kết hoạt động của QH, các cơ quan của QH khóa XII, nhiệm kỳ 2007 - 2011.
Các đại biểu QH thảo luận tại hội trường . |
Nhiệm kỳ QH khóa XII được tiến hành trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của nước ta gặp nhiều khó khăn do chịu tác động sâu rộng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Thời gian của nhiệm kỳ chỉ kéo dài bốn năm, tuy vậy, nhờ có những bước cải tiến, đổi mới trong hoạt động, vị thế của QH tiếp tục được khẳng định. QH đã nỗ lực tìm tòi, không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, nhất là việc thể chế hóa quan điểm, đường lối của Ðảng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; giám sát chuyên đề, xây dựng pháp luật; chất vấn và trả lời chất vấn... Từ đó đã kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, về công tác tổ chức, điều hành của các cấp chính quyền. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của QH khóa XII đạt chất lượng, hiệu quả thiết thực, thu hút được sự quan tâm, đồng tình và đánh giá cao của đông đảo cử tri.
Nhiều đại biểu cho rằng công tác giám sát của QH, được đẩy mạnh và ngày càng có hiệu quả. Nhiều cuộc giám sát chuyên đề với những nội dung tập trung ở những vấn đề bức xúc được nhân dân đánh giá cao. Các đoàn giám sát đã thể hiện tính chuyên nghiệp, thiết thực. QH khóa XII cũng đã có những quyết định quan trọng, thể hiện trách nhiệm cao, góp phần quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...
Nhiều đại biểu kiến nghị QH cần cải tiến, đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng các hoạt động. Ðối với chức năng giám sát của QH, một số đại biểu đề nghị QH khi xây dựng chương trình giám sát trong nhiệm kỳ tới cần quan tâm tổ chức giám sát các chuyên đề về việc thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tìm ra giải pháp thiết thực khắc phục triệt để vấn đề này trong thời gian tới. Ngoài việc giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri trước mỗi kỳ họp, nên bổ sung nội dung báo cáo việc giải quyết kiến nghị của QH sau giám sát, để chất lượng giám sát ngày càng tốt hơn.
Liên quan vấn đề tổ chức Ðoàn đại biểu QH tại địa phương và công tác chuẩn bị cho các kỳ họp của QH, một số đại biểu cho rằng, cách thức tổ chức và quy định về vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Ðoàn đại biểu QH hiện nay chưa cụ thể. Tổ chức và hoạt động văn phòng giúp việc luôn thay đổi đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, chưa đáp ứng công tác tham mưu phục vụ cho Ðoàn đại biểu QH. Thời gian tới, cần sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức QH, quy chế hoạt động của đại biểu QH và Ðoàn đại biểu QH theo hướng xác định rõ vị trí, địa vị pháp lý và chức năng, nhiệm vụ của Ðoàn đại biểu QH tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Cần tăng số lượng đại biểu QH hoạt động chuyên trách ở các cơ quan của QH, sửa đổi, bổ sung, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động để phát huy vai trò đại biểu QH chuyên trách.
Ðể nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân, giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri, các đại biểu: Danh Út (Kiên Giang), Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu), đề nghị nâng cấp Ban Dân nguyện thành Ủy ban Dân nguyện, là cơ quan của QH. Ủy ban Dân nguyện có trách nhiệm báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp của QH, là đầu mối trong công tác giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo gửi đến các cơ quan của QH. Ðiều này sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề bức xúc của nhân dân, của cử tri kiến nghị qua các kênh giám sát và qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu QH. Một số đại biểu đề nghị nâng cấp Viện Nghiên cứu lập pháp hiện nay trực thuộc Ủy ban Thường vụ QH, để giúp cung cấp thông tin cơ bản cho đại biểu QH nghiên cứu trước khi thảo luận.
Nhiều đại biểu quan tâm chất lượng đại biểu QH. Theo một số đại biểu, để có được một QH mạnh, trước hết phải bắt đầu từ mỗi đại biểu QH, trong đó vai trò của đại biểu QH chuyên trách là rất quan trọng. Các đại biểu Nguyễn Ðình Xuân (Tây Ninh), Dương Trung Quốc (Ðồng Nai), Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) kiến nghị QH tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò, hiệu quả hoạt động của từng đại biểu QH, từng Ðoàn đại biểu QH, các Ủy ban của QH. Một số đại biểu cho rằng, QH có đến ba phần tư số đại biểu hoạt động không chuyên nghiệp sẽ gặp khó khăn. Tỷ lệ tái cử những khóa gần đây thấp, dưới 30%, là chưa thể hiện tính kế thừa. Theo đại biểu Trần Du Lịch, không thể tất cả các đại biểu đều làm chuyên trách, nhưng có thể tăng tính chuyên nghiệp ở cả đại biểu chuyên trách và đại biểu không chuyên trách. Tính thiếu chuyên nghiệp thể hiện rất rõ, thí dụ trong nhiệm kỳ qua, một số đại biểu được điều từ các bộ về làm chuyên trách tại các Ủy ban, nhưng chỉ một thời gian lại về hưu. Chung quanh vấn đề này, đại biểu Dương Trung Quốc (Ðồng Nai) cho rằng, người dân bầu đại biểu QH trước hết vì uy tín mà uy tín được xây dựng trên cơ sở năng lực, kỹ năng và quá trình thực tế mà người dân kiểm nghiệm, tất cả những yếu tố đó cần có thời gian. Việc không ít các đại biểu QH chuyên trách đang phát huy tốt vai trò và có uy tín, không tiếp tục tham gia vì lý do tuổi tác sẽ làm cho năng lực của QH bị giảm sút...
Kết thúc phiên làm việc tại hội trường hôm qua, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, phát biểu ý kiến kết thúc phần thảo luận, cho biết, có 23 lượt đại biểu QH tham gia thảo luận. Từ ý kiến đóng góp và kiến nghị, đề xuất của các đại biểu QH phát biểu ở Hội trường và 113 lượt ý kiến của các đại biểu QH phát biểu ở tổ, Ủy ban Thường vụ QH sẽ tiếp thu và chỉ đạo Ðoàn thư ký kỳ họp, các cơ quan QH tiếp tục hoàn chỉnh các báo cáo của QH và các cơ quan của QH.