Ngày 24-3-2011, kỳ họp thứ chín, QH khóa XII bước sang ngày làm việc thứ tư. Các đại biểu thảo luận tại tổ Báo cáo tổng kết hoạt động của QH, các cơ quan của QH nhiệm kỳ khóa XII và thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Kiểm toán độc lập.
Sáng 24-3, QH làm việc tại tổ, thảo luận Báo cáo tổng kết hoạt động của QH nhiệm kỳ khóa XII (2007-2011) và đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của QH, để QH thật sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.
Đoàn đại biểu QH các tỉnh Đắc Lắc, Hưng Yên, Trà Vinh, Quảng Nam thảo luận ở tổ. ( Ảnh: Thanh Chương ) |
Các đại biểu tham gia thảo luận cơ bản nhất trí với những đánh giá trong Báo cáo tổng kết hoạt động của QH khóa XII. Qua bốn năm, có thể khẳng định, kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ khóa XII là QH đã hoạt động ngày càng dân chủ, thiết thực và hiệu quả, có nhiều đổi mới cả trong tư duy và thực tiễn hành động. Công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được đổi mới về quy trình, bảo đảm tăng cả về số lượng và chất lượng văn bản, góp phần thể chế hóa kịp thời, đúng đắn đường lối của Ðảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của Nhà nước. Nhờ vậy, về cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước. Hoạt động giám sát cũng được tăng cường, có nhiều đổi mới về cách thức tiến hành, nhất là hoạt động chất vấn và giám sát chuyên đề trúng vào các vấn đề bức xúc cử tri cả nước quan tâm. Các kỳ họp của QH thật sự trở thành sự kiện chính trị cuốn hút cử tri và nhân dân theo dõi. Những phiên thảo luận về các dự án luật, tình hình kinh tế, xã hội, chất vấn và trả lời chất vấn sôi nổi, tâm huyết tại hội trường đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong cử tri và nhân dân cả nước. Việc quyết định các vấn đề quan trọng của nước ta ngày càng có chất lượng, đáp ứng đúng yêu cầu của thực tiễn vì lợi ích quốc gia, phù hợp ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần quan trọng nâng cao vị thế của đất nước và QH Việt Nam trên trường quốc tế. Tổ chức, bộ máy được củng cố, kiện toàn, từng bước ổn định, cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Phương thức, chế độ làm việc từng bước được cải tiến, tăng tính chủ động, sáng tạo, phối hợp tốt hơn giữa các đơn vị, cơ quan hữu quan... Nhiều đại biểu đánh giá cao bản lĩnh, tính khách quan, trách nhiệm, tính dân chủ và vì dân trong hoạt động của QH khóa XII.
Các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm còn hạn chế cả về tổ chức, hoạt động và phương thức, lề lối làm việc của QH như: sự thiếu đồng bộ, chưa thật sự hợp lý trong quy trình lập pháp; Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh thay đổi liên tục làm giảm hiệu lực và tính nghiêm minh của pháp luật; chất lượng một số dự án luật còn hạn chế, chưa sát thực tế và chưa có tính khả thi cao. Trong đó, có nguyên nhân do cơ quan soạn thảo chuyển đến cơ quan thẩm tra quá chậm; đại biểu QH thiếu thông tin, chậm được tiếp cận các dự án Luật, do vậy thời gian nghiên cứu, thẩm định gặp khó khăn trong việc phản biện và đưa ra ý kiến đóng góp chất lượng. Các đại biểu kiến nghị Ủy ban Thường vụ QH cần điều phối hoạt động giám sát một cách nhuần nhuyễn, hợp lý hơn, bảo đảm sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan, không làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng trong việc thực hiện nhiệm vụ chung.
Về hiệu lực, hiệu quả của giám sát, nhiều đại biểu cho rằng hoạt động giám sát của các đoàn đại biểu QH là kênh giám sát rất hiệu quả nhưng trong thực tế còn gặp nhiều khó khăn do vị trí pháp lý chưa rõ, thời gian giám sát tối cao còn hạn chế. Một số đại biểu kiến nghị cần xây dựng thể chế để đảm bảo hiệu quả, hiệu lực giám sát của các đoàn đại biểu QH, có quy định cụ thể để các đại biểu T.Ư tham gia ít nhất một lần giám sát của đoàn; nghiên cứu lại cơ chế tiếp dân, tăng sự am hiểu và gần gũi với cử tri địa phương. Ðoàn đại biểu QH các địa phương cần tích cực hơn trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến cử tri của địa phương để QH thật sự là nơi phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Tăng tính độc lập của kiểm toán
Buổi chiều, tại Hội trường, các đại biểu QH thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kiểm toán độc lập.
Các ý kiến phát biểu tập trung làm rõ một số vấn đề về quản lý nhà nước đối với kiểm toán độc lập; tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán; hành nghề của doanh nghiệp và kiểm toán viên; kiểm toán bắt buộc.
Ða số ý kiến phát biểu nhất trí với quy định trong dự thảo luật giao cho Bộ Tài chính thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với kiểm toán độc lập như cấp, đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động của doanh nghiệp hành nghề kiểm toán; tổ chức thi, cấp, thu hồi chứng chỉ kiểm toán viên. Các đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình), Nguyễn Ðăng Trừng (TP Hồ Chí Minh) đều cho rằng, giao các nhiệm vụ nói trên cho Bộ Tài chính trong tình hình hiện nay là hợp lý. Nhưng để đưa chất lượng kiểm toán độc lập theo yêu cầu đòi hỏi và theo thông lệ quốc tế, cần chuẩn bị các điều kiện để dần chuyển giao cho hiệp hội kiểm toán quản lý.
Về các quy định liên quan kiểm toán viên, đại biểu Nguyễn Thị Mỹ Hương (Ðà Nẵng) đồng tình với quy định kiểm toán viên độc lập tham gia Hiệp hội kiểm toán nhằm tạo điều kiện giao lưu học hỏi giữa các hội viên. Tuy nhiên, việc tham gia hiệp hội nên theo tinh thần tự nguyện. Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Cao Sỹ Kiêm đề nghị, không nên quy định kiểm toán viên phải tham gia hiệp hội nghề nghiệp, vì điều này có thể ảnh hưởng đến tính độc lập của kiểm toán.
Xác định kiểm toán là hoạt động đặc thù, kết quả phụ thuộc rất lớn vào năng lực nghề nghiệp và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên, do vậy một số đại biểu cho rằng, cần có quy định cụ thể về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên trong khi hành nghề. Theo đại biểu Nguyễn Ðăng Trừng, cần giao cho Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán kiểm soát về đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên.
Một vấn đề nữa được nhiều đại biểu quan tâm là cơ chế giải quyết mâu thuẫn việc đơn vị được kiểm toán vừa là đối tượng kiểm toán vừa là khách hàng của cơ quan kiểm toán. Ðiều này có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng và tính chính xác của kết quả kiểm toán, nhất là khi các công ty kiểm toán phải cạnh tranh để có khách hàng. Nhiều đại biểu đề nghị, trước mắt có thể quy định mức ’sàn’ phí kiểm toán, tránh cạnh tranh không lành mạnh.
Liên quan hoạt động góp vốn thành lập công ty kiểm toán, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đề nghị, Ban soạn thảo nên cân nhắc việc có cho doanh nghiệp góp vốn thành lập công ty kiểm toán hay không. Vì điều này có thể sẽ dẫn đến thiếu khách quan, mất tính độc lập của kiểm toán, thậm trí bị lợi dụng kết quả kiểm toán.
Các ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Kiểm toán độc lập sẽ được Ban soạn thảo tổng hợp, nghiên cứu và chỉnh lý trước khi trình QH xem xét thông qua tại kỳ họp này.
Quốc hội tiếp tục làm việc.
Theo: nhandan.com.vn