Phụ nữ ta giỏi việc nước, đảm việc nhà

08:03, 07/03/2011

Lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với phụ nữ Việt Nam là sự đánh giá cao những phẩm chất quý báu của người phụ nữ Việt Nam, chẳng những trong các thời kỳ trước đây mà còn có giá trị to lớn hiện nay. Tám chữ vàng Người tặng phụ nữ ta trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước là anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang đã nêu bật phẩm giá và cống hiến của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của nhân dân ta do Đảng lãnh đạo. Có thể nói sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặc biệt quan tâm và dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ và đã gắn liền cuộc đấu tranh cách mạng của toàn dân với công cuộc giải phóng phụ nữ. Trước lúc đi xa, tháng 5 năm 1968, Bác Hồ đã viết trong bản Di chúc, căn dặn Đảng và Chính phủ phải có những chính sách và kế hoạch để thực hiện quyền bình đẳng thật sự đối với phụ nữ. Người cho rằng: Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ.

Bác Hồ và đại biểu phụ nữ dân tộc ít người tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, tháng 3-1961.  Ảnh: Internet
Bác Hồ và đại biểu phụ nữ dân tộc ít người tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, tháng 3-1961. Ảnh: Internet

Đảm bảo và tạo những điều kiện thực hiện quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ, Đảng và Nhà nước ta có nhiều chính sách để người phụ nữ vươn lên thực hiện quyền công dân, quyền con người và thiên chức làm mẹ của người phụ nữ. Nổi bật nhất là quyền tham gia đời sống chính trị, xã hội và quyền có việc làm, quyền được khám chữa bệnh và quyền được giáo dục… Thực hiện các quyền này, tỷ lệ nữ là đại biểu Quốc hội đạt gần 26% trong nhiệm kỳ 2007-2011, đứng thứ 4 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; 83% nữ giới trong độ tuổi lao động có việc làm và phụ nữ có mặt ở hầu hết các cơ quan hành chính và doanh nghiệp Nhà nước với 68,7% cán bộ công chức và 30% chủ doanh nghiệp là nữ; 91% nữ giới là người trưởng thành biết chữ và có tới 30% đạt trình độ đại học; khi sinh con phụ nữ được nghỉ 4 tháng, được hưởng nguyên lương và phụ cấp thêm một tháng lương…

 Sự cố gắng vươn lên của phụ nữ là nhân tố quyết định đã nâng cao vị thế và đóng góp to lớn trong sự nghiệp cách mạng của toàn dân. Trong công cuộc đổi mới đất nước, phụ nữ ta đã phát huy truyền thống vẻ vang, năng động, sáng tạo trong sản xuất, hoạt động khoa học, kỹ thuật, kinh tế, văn hoá, xã hội đạt được những thành tựu quan trọng trong xoá đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, hội nhập quốc tế. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam giỏi việc nước, đảm việc nhà trong thời kỳ mới xuất hiện ngày càng nhiều. Nhiều tập thể và cá nhân chị em được tôn vinh là tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội. Bằng cố gắng trong lao động, sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học, không ngừng tu dưỡng, học tập, rèn luyện trong thực tiễn mà trình độ văn hoá, nghề nghiệp và năng lực lao động, công tác của phụ nữ ta ngày càng nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước...

Hiện nay, khi nước ta thoát khỏi nước nghèo bước vào thời kỳ phát triển mới, trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, toàn cầu hoá trở thành xu thế của thời đại thì sự nghiệp giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới cần phải được đẩy mạnh hơn và người phụ nữ cũng cần cố gắng vươn lên làm tròn chức năng là người lao động sáng tạo, hiệu quả, người công dân hoạt động xã hội tích cực, chủ động và là người vợ, người mẹ của gia đình văn hoá, trực tiếp nuôi dạy các thế hệ trẻ trở thành chủ nhân đích thực của đất nước.

Thấm nhuần sâu sắc và thực hiện Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền bình đẳng đối với phụ nữ, Đảng và Nhà nước ta phải đổi mới nhiều hơn nữa chính sách đối với phụ nữ để họ phát huy mọi khả năng, làm cho phụ nữ được sống trong những quan hệ xã hội bình đẳng, đặc biệt là chống bạo hành trong gia đình, được phát triển bền vững về vật chất, tự do, dân chủ trong sinh hoạt văn hoá, tinh thần, hạnh phúc trong cuộc sống gia đình, người mẹ và trẻ em được xã hội chăm lo và bảo vệ... Các cấp uỷ và chính quyền, cùng các hội đoàn thể, nhất là Hội Liên hiệp Phụ nữ cần ra sức thực hiện đầy đủ luật pháp và các chính sách bình đẳng giới, có những chương trình kế hoạch thiết thực để thường xuyên chăm lo bồi dưỡng, đào tạo nghề nghiệp, nâng cao học vấn và có những cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các cơ quan lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành; tạo những điều kiện tốt nhất về y tế và dinh dưỡng để chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em, cũng như các chăm sóc xã hội khác để phụ nữ thật sự là rường cột xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc như văn kiện Đại hội XI của Đảng đề ra./.

Phạm Văn Khánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com