Nhìn lại hoạt động của HĐND các cấp và những vấn đề đặt ra trong nhiệm kỳ mới 2011-2016

08:03, 30/03/2011

Nhiệm kỳ 2004-2011, hoạt động của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định, bước đầu đã có những đổi mới nhằm từng bước nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả hơn, tăng cường được uy tín trong các tầng lớp nhân dân. 

Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất nội dung chương trình kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVI.
Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất nội dung chương trình kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVI.

Về cơ cấu, số lượng đại biểu HĐND các cấp qua việc bầu cử HĐND các cấp nhìn chung bảo đảm về cơ cấu, số lượng và chú trọng đến việc lựa chọn nhân sự để nâng cao chất lượng đại biểu HĐND. Hoạt động nổi bật là HĐND các cấp từ tỉnh đến cơ sở đều triển khai đúng luật việc tổ chức các kỳ họp của HĐND. Việc điều hành kỳ họp của Thường trực HĐND cũng từng bước được đổi mới, khoa học hơn như: rút ngắn thời gian trình các báo cáo, đề án tại kỳ họp và chỉ trình báo cáo tóm tắt, các đại biểu HĐND tự nghiên cứu báo cáo, đề án chi tiết. Tại mỗi kỳ họp HĐND đều tăng thời lượng cho thảo luận và chất vấn. Chủ toạ kỳ họp nêu những gợi ý, định hướng thảo luận tập trung vào vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau hoặc những vấn đề mà cử tri đang quan tâm. Việc chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo nội dung các kỳ họp và việc điều hành các kỳ họp bảo đảm vừa đúng luật vừa công khai, dân chủ đã phát huy được trí tuệ tập thể trong việc xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương. Bên cạnh đó, Thường trực HĐND đã chủ động phối hợp với UBND cùng cấp phân công, đôn đốc các đơn vị liên quan chuẩn bị báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp bảo đảm chất lượng, đúng thời gian quy định để các ban của HĐND thẩm tra và gửi kịp thời cho các đại biểu HĐND nghiên cứu trước khi dự họp. Trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, HĐND các cấp đã chú trọng và chủ động hơn trong việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương như: quyết định kế hoạch, phát triển kinh tế - xã hội thông qua các đề án, tờ trình…, tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Các nghị quyết được HĐND các cấp ban hành đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền, phù hợp với thực tiễn ở địa phương, cơ sở và có tính khả thi cao. Nhiều nghị quyết do HĐND ban hành đã đi vào cuộc sống, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Hoạt động giám sát của HĐND các cấp đã được đẩy mạnh. Hoạt động giám sát của Thường trực HĐND, giám sát của các Ban HĐND, từng bước đổi mới phương thức và nội dung giám sát, kết hợp tốt việc giám sát tại kỳ họp với các hoạt động giám sát thường xuyên, giám sát theo chuyên đề… nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác giám sát. Hoạt động tiếp xúc cử tri và tiếp công dân cũng được HĐND các cấp coi trọng. Thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri của các đại biểu HĐND theo phương châm hướng về cơ sở, các đại biểu HĐND đã thu thập, phản ánh trung thực các ý kiến, kiến nghị và nguyện vọng của cử tri với HĐND để tập hợp, nghiên cứu và xem xét giải quyết theo đúng chức năng và thẩm quyền hoặc chuyển cho UBND cùng cấp và các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết, trả lời.

Từ năm 2009, tỉnh Nam Định là một trong 10 tỉnh, thành phố trong cả nước được Trung ương chọn thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trong đó có 9 huyện và 20 phường của Thành phố Nam Định thực hiện không tổ chức HĐND. Qua gần 2 năm thực hiện, hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền đối với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương vẫn bảo đảm ổn định. Nhiều nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội đã được giải quyết nhanh, gọn, kịp thời. Tổ chức bộ máy, cán bộ cũng gọn nhẹ hơn (do không còn bộ máy của HĐND). Tuy nhiên bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND đã nổi lên một số khó khăn, hạn chế như: Công tác giám sát đối với hoạt động của UBND huyện, phường không được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ như trước, do không còn HĐND cùng cấp và nhiệm vụ này chuyển cho HĐND cấp tỉnh (đối với cấp huyện) và cho Uỷ ban MTTQ, các đoàn thể và Ban Thanh tra nhân dân (đối với cấp phường) nên dẫn đến tình trạng không có cơ chế giám sát cụ thể.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, những bài học kinh nghiệm trong hoạt động của HĐND các cấp ở tỉnh ta, trong nhiệm kỳ qua để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, cần tập trung thực hiện một số vấn đề như: Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của HĐND, trong đó thường xuyên quan tâm và có phương thức lãnh đạo chặt chẽ các mặt hoạt động của HĐND để vai trò của HĐND được phát huy và hoạt động hiệu quả. Tiếp tục nâng cao chất lượng của người đại biểu HĐND, ngoài phẩm chất chính trị và đạo đức tốt, người đại biểu HĐND phải có trình độ, năng lực thực tiễn, có tâm huyết, có trách nhiệm cao đối với hoạt động của người đại biểu và phải thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri. Mối quan hệ giữa HĐND với UBND và Uỷ ban MTTQ và các tổ chức thành viên cần được củng cố chặt chẽ qua các nội dung phối hợp công tác trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao của từng cơ quan để cùng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương. Bên cạnh đó, cần tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, lắng nghe và tiếp thu đầy đủ ý kiến, kiến nghị của nhân dân để phản ánh kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trong đó cần thực hiện tốt việc giám sát, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Các cấp HĐND trong tỉnh cần cải tiến, đổi mới các hoạt động của HĐND, của Thường trực HĐND và các Ban của HĐND, đổi mới trong công tác chuẩn bị và tổ chức các kỳ họp đồng thời phải đổi mới, tăng cường hơn nữa nhiệm vụ giám sát giữa 2 kỳ họp, kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm trong từng lĩnh vực công tác. Giải quyết tốt các vấn đề trên, tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp trong nhiệm kỳ mới 2011-2016 sẽ có chuyển biến mới trong việc nâng cao chất lượng hoạt động và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo luật định, xứng đáng là cơ quan Nhà nước ở địa phương của dân, do dân vì dân hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, góp phần củng cố và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN./.

Bài và ảnh: Phạm Quốc Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com