Ngày làm việc thứ sáu, kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XII

05:03, 27/03/2011

Ngày 26-3, ngày làm việc thứ sáu, Kỳ họp thứ chín, QH khóa XII, QH dành cả ngày thảo luận ở hội trường về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2010; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2011; thảo luận về phương án sử dụng 3.500 tỷ đồng ngân sách Nhà nước năm 2011 từ tiền lãi dầu khí nước chủ nhà để lại đầu tư cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.    

Các đại biểu QH thảo luận tại hội trường.
Các đại biểu QH thảo luận tại hội trường.

 Thúc đẩy kinh tế phát triển ổn định

Qua thảo luận, các ý kiến phát biểu cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của QH về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2010; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2011. Các đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Ðồng), Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) và nhiều đại biểu khác cho rằng, năm 2010 có nhiều khó khăn thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Ðảng và điều hành quyết liệt của Chính phủ, 16 trên 21 chỉ tiêu cơ bản đã đạt và vượt kế hoạch QH đề ra. Sự nhanh nhạy trong điều hành của Chính phủ, đặc biệt là cắt giảm đầu tư công, tăng giá điện, xăng dầu là tuân theo cơ chế thị trường. Ðiều này vừa chống lãng phí điện, vừa giúp doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sử dụng ít năng lượng. Việc Chính phủ nhanh chóng đưa hơn 10 nghìn lao động Việt Nam từ Li-bi về nước thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với người lao động. Nhiều ý kiến phát biểu đánh giá cao sự nỗ lực trong chỉ đạo và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 của Chính phủ và các bộ, ngành. Ðặc biệt, sáu giải pháp được nêu trong Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đã và đang được thực hiện quyết liệt, mang lại kết quả tích cực ban đầu, nhất là các biện pháp kiểm soát thị trường vàng, ngoại tệ bước đầu có kết quả tốt. Tuy nhiên, cử tri còn lo lắng nhiều nguy cơ vẫn tiềm ẩn,  nảy sinh do các biện pháp Chính phủ đưa ra, nhất là chính sách thắt chặt tín dụng, thắt chặt chi tiêu đang thực hiện.  Các đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình), Nguyễn Văn Xướng (Long An) và nhiều đại biểu khác cho rằng, các giải pháp trong Nghị quyết 11 của Chính phủ là đúng hướng và có hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, việc giảm tổng cầu mạnh thông qua thắt chặt chi tiêu có thể kiềm chế lạm phát, nhưng ảnh hưởng đến sản xuất nhỏ và vừa do thiếu vốn là thách thức lớn đối với sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp rất lớn cho nền kinh tế, nhưng có tới 30% số doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó tiếp cận nguồn vốn, 30% không tiếp cận được nguồn vốn. Nguyên nhân là do thắt chặt tín dụng dẫn đến lãi suất ngân hàng tăng cao; các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay cũng khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do không có lãi. Thực tế, nhiều doanh nghiệp đang ăn dần vào vốn và có nguy cơ phá sản, ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Công tác điều hành thị trường ngoại tệ và vàng thời gian qua cũng được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm. Nhiều đại biểu đồng tình ủng hộ các biện pháp quản lý thị trường  ngoại tệ và vàng mà Chính phủ thực hiện thời gian qua. Những biện pháp đó đã mang lại hiệu quả nhất định, góp phần ổn định dần thị trường ngoại tệ và vàng. Ðại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, chống ’đô-la hóa, vàng hóa’ là việc làm đúng, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt. Chúng ta không thể để đô-la và vàng được kinh doanh như các mặt hàng khác và không thể chấp nhận vàng là phương tiện thanh toán như một loại tiền tệ. Tuy nhiên, những biện pháp mà Chính phủ thực hiện phải bảo đảm quyền lợi  chính đáng của người dân đối với số lượng vàng đang nắm giữ. Nhà nước cần có cơ chế để người dân và doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc mua đô-la từ ngân hàng khi có nhu cầu sử dụng cho kinh doanh, học tập và công tác.

Liên quan các chính sách thắt chặt tín dụng và quản lý thị trường ngoại tệ, vàng mà Chính phủ đang thực hiện, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho rằng, về lượng tuyệt đối, tăng trưởng tín dụng năm 2011 sẽ không giảm so với 2010 (khoảng 460.000 tỷ đồng). Quan trọng hơn, lượng vốn này sẽ được ưu tiên cho khu vực sản xuất, nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ và xuất khẩu. Về thị trường ngoại tệ và vàng, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết, thời gian qua, thị trường vàng miếng phát triển rất nhanh. Sự đầu cơ đã làm giá vàng trong nước xáo trộn, có lúc tách rời giá thế giới. Chính phủ đang bàn và sắp tới sẽ ban hành nghị định quản lý thị trường vàng theo hướng quản lý chặt vàng miếng, tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do. Việc này sẽ được triển khai bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân.

Liên quan vấn đề lạm phát khiến giá  nhiều mặt hàng thiết yếu có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù GDP năm 2010 tăng 6,7% , nhưng đi kèm với đó là chỉ số giá tiêu dùng cũng tăng hơn 11%, khiến chất lượng tăng trưởng không cao, đời sống của người dân không mấy cải thiện, nhất là người có thu nhập thấp.  Ðại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) nêu thực tế, chỉ số giá tiêu dùng năm 2010 tăng hơn 11% trong khi chỉ tiêu QH đề ra là 7%, chỉ số giá tiêu dùng ba tháng đầu năm 2011 đã tăng đến 6% là những thách thức to lớn đối với nền kinh tế. Cùng với sự tăng giá của nhiều mặt hàng thiết yếu, thị trường đã và đang thiết lập một mặt bằng giá mới. Do chi phí đầu vào sản xuất như xăng, dầu, điện, than tăng cao đã gây khó khăn cho người sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là nông dân, người lao động rơi vào tình cảnh rất khó khăn trong cuộc sống. Ðại biểu Vũ Quang Hải và một số đại biểu khác không đồng tình với nhận định của Chính phủ cho rằng, những yếu tố khách quan là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát tăng cao, vì thực tế nhiều mặt hàng không chịu ảnh hưởng của thị trường thế giới mà do khâu kiểm soát thị trường yếu kém. Bức xúc nhất trên thị trường trong thời gian qua  là người nông dân sản xuất ra nông sản thì luôn bị bất lợi do  hệ thống cung cấp nguyên vật liệu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm qua nhiều tầng lớp trung gian khiến cho lợi ích thu được luôn thấp hơn lợi ích các tầng lớp trung gian này được hưởng. Ðại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) đưa ra thí dụ thực tế, mặc dù  là nước nông nghiệp, sản lượng rau chủ yếu được sản xuất trong nước nhưng có thời điểm giá một mớ rau bán ở chợ đã bị tăng lên tám lần so với giá người trồng rau bán ra. Ðiều này không thể do tác động của thị trường thế giới.

Theo dự báo, tình hình bất ổn tại Bắc Phi và thiên tai tại Nhật Bản vừa qua sẽ tác động mạnh đến kinh tế thế giới và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Nhiều đại biểu cùng có chung đề nghị, Chính phủ cần có kế hoạch dài hạn trong việc đưa ra chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Ðặc biệt là có chính sách thống nhất đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển. Về việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Ðăng Trừng (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, sau một tháng thực hiện đã có chuyển biến và đề nghị Chính phủ cho phép ngân hàng bán ngoại tệ có thu phí hợp lý, cải cách mạnh mẽ khu vực kinh tế nhà nước; xóa bỏ mọi hình thức cho vay khoanh nợ, giãn nợ; tăng cường đầu tư công cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Phát biểu ý kiến về một số vấn đề liên quan đến việc tăng giá các mặt hàng và cắt giảm chi tiêu công, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh thừa nhận, chỉ số giá tiêu dùng thời gian qua tăng cao, trong đó quý I tăng hơn 6%, là vấn đề bức xúc của người dân. Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định, việc điều hành tài khóa năm 2011 sẽ kiên quyết theo hướng thắt chặt. Bộ Tài chính sẽ tích cực tăng thu, chống thất thu thuế, tích cực kiểm tra các doanh nghiệp thường xuyên báo lỗ lớn để chống hiện tượng chuyển giá. Hoạt động đầu tư cũng được cắt giảm theo bốn kênh, bao gồm ngân sách, trái phiếu Chính phủ, tín dụng và doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo giảm chi, đưa thâm hụt ngân sách xuống dưới 5% GDP nhưng không cắt giảm các khoản chi liên quan đến lương và an sinh xã hội.

Về việc điều chỉnh đầu tư công, theo Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Võ Hồng Phúc, đầu tư công từ nguồn ngân sách Nhà nước bao gồm trái phiếu Chính phủ và ngân sách Nhà nước hàng năm không thay đổi; chỉ cắt giảm đầu tư tín dụng doanh nghiệp. Chính phủ sẽ chuyển cơ cấu đầu tư theo hướng công tư kết hợp, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng.

Tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp và các dự án bảo đảm an sinh xã hội

Cùng với các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm đến các chính sách nhằm bảo đảm an sinh xã hội, công tác đầu tư phát triển nông nghiệp, đầu tư cho  miền núi, vùng sâu, vùng xa, các đối tượng chính sách, từng bước nâng cao đời sống người dân.

Ðại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Cạn) và đại biểu Ðiểu Kré (Ðác Nông) cho rằng, trong năm 2011, Chính phủ đưa ra phương án cắt giảm chi tiêu công, điều này phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, cần có chính sách cụ thể, đối với các dự án miền núi cần đầu tư dứt điểm để phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội. Ðại biểu Hoàng Thương Lượng (Yên Bái) cho rằng, nhiều chỉ tiêu năm 2010 không đạt, trong đó có các chỉ tiêu nhằm bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân, như kiên cố hóa kênh mương miền núi, hỗ trợ đầu tư 62 huyện nghèo. Nếu thực hiện cắt giảm chi đầu tư công cần phải có sự chọn lọc kỹ, không thể cắt giảm theo kiểu cơ học, ảnh hưởng đến các công trình phúc lợi xã hội. Ðại biểu Vũ Quang Hải đề nghị, cần tiếp tục bảo đảm vốn cho nông nghiệp, nông thôn vì nông nghiệp luôn là nền tảng trong phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Ðại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) cho rằng, nước ta là nước nông nghiệp, do vậy phải tăng cường đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu nông sản để thu ngoại tệ. Ðiều này không chỉ nâng cao đời sống nông dân, mà còn giảm bớt căng thẳng về ngoại tệ trong thời gian qua. Muốn đạt được điều này, Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ, nhất quán và kịp thời. Cùng với đó, cần tạo điều kiện xây dựng thành công mô hình nông thôn mới.

Theo đại biểu Huỳnh Thị Hoài Thu (Ðồng Tháp), vừa qua đầu tư cho nông nghiệp đã được quan tâm, nhưng chưa thỏa đáng. Chưa có giải pháp khả thi cho việc bảo đảm chất lưọng phân bón, thuốc trừ sâu, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, nhất là giá lúa gạo chưa tương xứng công sức nông dân bỏ ra. Ðề nghị Chính phủ có biện pháp giảm bớt khâu trung gian trong việc tiêu thụ nông sản, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực này. Ðại biểu Vi Thị Tuyết (Nghệ An) đề nghị cần tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, tạo cơ sở phát triển cho các đối tượng nghèo và cận nghèo; tăng đầu tư cho lĩnh vực xã hội nhằm khắc phục khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền.

Cùng với những vấn đề nêu trên, nhiều đại biểu đề cập những bất cập hiện nay như vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông gia tăng, những biến tướng của lễ hội; những vướng mắc liên quan đến chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, các chính sách liên quan đến người có công với cách mạng... Ðại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng, bảo hiểm y tế mặc dù đã có những cải thiện nhất định, nhưng vẫn còn vướng mắc, chất lượng khám, chữa bệnh còn thấp, vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử đối với người tham gia bảo hiểm y tế.

Ðại biểu Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) đặt vấn đề, bảo hiểm y tế là chính sách ưu việt của chế độ ta, nhưng thực tế người dân chưa được hưởng thụ đầy đủ. Ðại biểu Nguyễn Thị Kim Tiến (Hà Tĩnh) cho rằng, viện phí và giá dịch vụ y tế hiện nay bất cập, cần được điều chỉnh, vì sự điều chỉnh này có lợi cho dân. Ðại biểu này cho rằng, hệ thống tổ chức bộ máy và quản lý lĩnh vực bảo hiểm y tế chưa hợp lý, vì Bộ Y tế quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế, nhưng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ.

Giám sát chặt đầu tư của Tập đoàn Dầu khí và các  tập đoàn nhà nước

Về phương án sử dụng 3.500 tỷ đồng ngân sách Nhà nước năm 2011 từ tiền lãi dầu khí nước chủ nhà để lại đầu tư cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, nhiều đại biểu đề nghị QH cân nhắc kỹ trước khi quyết định đầu tư, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Ðại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) cho biết, qua báo cáo mà đại biểu có được, cho thấy, cơ chế sử dụng số tiền 3.500 tỷ đồng đầu tư dự án của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam thiếu đồng nhất. Trong năm 2011, Tập đoàn có kế hoạch đầu tư với số tiền rất lớn, lên tới 105 nghìn tỷ đồng. Ðại biểu này đặt câu hỏi, những khoản đầu tư lớn như vậy của ngành dầu khí nói riêng và tập đoàn kinh tế nhà nước khác nói chung, được kiểm soát theo cơ chế nào. Nhiều đại biểu đề nghị, QH và Chính phủ phải có cơ chế giám sát chặt chẽ việc đầu tư của ngành dầu khí và các tập đoàn kinh tế khác.

Liên quan đến công tác quản lý kinh tế và xử lý cán bộ khi có sai phạm tại các doanh nghiệp nhà nước,  đại biểu Nguyễn Bá Thuyền phản ánh, nhiều cử tri cho rằng, xử lý cán bộ trong  vụ Vinashin chưa thỏa đáng. Ðại biểu này đặt câu hỏi, phải chăng trong vụ việc tại Vinashin, cán bộ cấp dưới thì bị xử lý hình sự, trong khi cán bộ cấp trên thì chưa đến mức xử lý. Ðại biểu này cho rằng, chống tham nhũng phải làm từ trên xuống dưới. Về vấn đề tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin, đại biểu Vũ Quang Hải cho rằng, thời gian qua việc tuyên truyền quá mức về sự phát triển của các doanh nghiệp sau tái cơ cấu của Vinashin có thể tạo sự nghi ngờ trong xã hội. Không thể từ doanh nghiệp đang thua lỗ chuyển sang phát triển nhanh trong thời gian ngắn như vậy. Các đại biểu Ðặng Như Lợi (Cà Mau), Dương Trung Quốc (Ðồng Nai) và một số đại biểu khác đề nghị, phải lập lại kỷ luật, kỷ cương trong điều hành, trong bộ máy, củng cố lòng tin của người dân trong việc xử lý sai phạm của cán bộ.  Liên quan đến tổ chức bộ máy hành chính, một số đại biểu cho rằng, việc thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã và những người làm việc không chuyên trách ở cấp xã trong thời gian qua chưa thỏa đáng  ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở. Trong khi đó, bộ máy ở các cấp trên cơ sở trong thời gian vừa qua dù đã thực hiện cải cách hành chính nhưng ngày càng phình to ra, công việc ngày càng nhiều hơn nhưng ngày càng dồn về cơ sở, làm cho tình trạng quá tải ở cơ sở ngày càng tăng lên. Ðại biểu Nguyễn Thành Tâm kiến nghị, Chính phủ cần thực hiện tổng thể chiến lược cải cách nền hành chính, xây dựng bộ máy chính quyền và hệ thống chính trị của nước ta vận hành hiệu lực, hiệu quả.

Cuối ngày làm việc, một số bộ trưởng, thành viên Chính phủ đã phát biểu ý kiến, giải thích, làm rõ thêm nhiều vấn đề mà đại biểu QH quan tâm, thảo luận. Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trả lời về chế độ chính sách đối với cựu thanh niên xung phong; về việc giải quyết việc làm, thanh lý hợp đồng đối với số lao động tại Li-bi phải về nước trước thời hạn. Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn trả lời về mô hình quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; về chế độ chính sách đối với cán bộ cấp xã, phường; về chính sách đối với thanh niên. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân trả lời và làm rõ việc giải quyết phụ cấp thâm niên cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Phát biểu ý kiến kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Ðức Kiên cho biết, trong phiên thảo luận đã có 42 đại biểu QH và một số  bộ trưởng, thành viên Chính phủ phát biểu ý kiến. Phó Chủ tịch QH nhấn mạnh một số kết quả đã đạt được trong năm 2010 và những giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2011.

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com