Nâng cao hiệu quả hoạt động Ban công tác Mặt trận khu dân cư

09:03, 02/03/2011

Trong hệ thống mặt trận, Ban công tác Mặt trận khu dân cư trực tiếp làm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định, quy ước của địa phương và triển khai các phong trào, các cuộc vận động. Ban công tác Mặt trận hoạt động hiệu quả sẽ là tiền đề quan trọng thúc  đẩy  mọi mặt đời sống ở khu dân cư phát triển. Ở tỉnh ta, 3.543 khu dân cư (thôn, xóm, tổ dân phố) hiện đều có Ban công tác Mặt trận hoạt động với tổng số hơn 42.000 thành viên.

UBMTTQ Thị trấn Gôi (Vụ Bản) hướng dẫn Ban công tác Mặt trận các thôn, xóm, tổ dân phố hiệp thương giới thiệu đại biểu ứng cử HĐND khóa tới. Ảnh: dương đức
UBMTTQ Thị trấn Gôi (Vụ Bản) hướng dẫn Ban công tác Mặt trận các thôn, xóm, tổ dân phố hiệp thương giới thiệu đại biểu ứng cử HĐND khóa tới.
Ảnh: Dương Đức

Trung tâm của khối đoàn kết cộng đồng khu dân cư

Với trên dưới 10 thành viên, thường là cán bộ chủ chốt của thôn, xóm, tổ dân phố như bí thư chi bộ, trưởng thôn, xóm, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng các chi hội, đoàn thể, người có uy tín trong cộng đồng, mỗi Ban công tác Mặt trận khu dân cư là hình ảnh thu nhỏ của khối đoàn kết cộng đồng.  Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ thôn, xóm, tổ dân phố, Ban công tác Mặt trận ở các địa phương trong tỉnh luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt tình, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tổ chức cho nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định, quy ước của địa phương, các phong trào, các cuộc vận động trên địa bàn. Đặc biệt, những năm gần đây, hưởng ứng phát động của Trung ương, của tỉnh, nhiều Ban công tác Mặt trận khu dân cư trong tỉnh đã tiếp nhận, vận dụng, tổ chức nhân dân trên địa bàn thực hiện khá hiệu quả hai cuộc vận động lớn “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” và “Ngày vì người nghèo”. Trong đó, có nhiều nội dung thi đua sôi nổi, thiết thực như đoàn kết, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn hoá, giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh, bài trừ các loại tệ nạn xã hội, chăm lo công tác khuyến học, khuyến tài, tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, tham gia xây dựng hệ thống chính trị các cấp, qua đó góp phần giải quyết hiệu quả những vấn đề dân sinh, dân chủ, dân trí ở địa bàn khu dân cư, đóng góp tích cực vào sự ổn định, phát triển chung của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 635/3.543 khu dân cư không còn hộ nghèo; 1.843 khu dân cư không có tội phạm, ma tuý, tệ nạn xã hội; 3.197 khu dân cư không có trẻ em thất học, bỏ học; 1.270 khu dân cư không có người sinh con thứ 3 trở lên; 3.141 khu dân cư không có người khiếu kiện trái pháp luật; 506 khu dân cư đạt đủ tiêu chí “5 không”; 1.682 khu dân cư tiên tiến; 1.154 khu dân cư đạt danh hiệu “Làng văn hoá”, “Khu phố văn hoá”… Kết quả đó có vai trò, đóng góp tích cực, hiệu quả của các Ban công tác Mặt trận. Ở xóm Nghị Bắc, xã Trực Phú (Trực Ninh), vì nhiều nguyên nhân, trước đây chuyện học hành của con em ít được người dân trong xóm coi trọng. Những năm gần đây, Ban công tác Mặt trận khu dân cư phối hợp cùng ban hành giáo xứ tích cực tuyên truyền, vận động, hầu hết các gia đình trong xóm đã nhận thức được tầm quan trọng của việc học. Cùng với việc phát triển kinh tế, các gia đình trong xóm luôn dành những điều kiện tốt nhất để con em được học hành. Ban công tác Mặt trận xóm và ban hành giáo còn vận động quyên góp xây dựng quỹ khuyến học để tặng thưởng, khuyến khích con em trong xóm đạt thành tích cao trong học tập. Đến nay, xóm Nghị Bắc ngày càng có nhiều con em học hành đỗ đạt, trong đó có đến 20 con em đã tốt nghiệp đại học ở mọi lĩnh vực, ngành nghề, đang công tác ở mọi miền đất nước, hơn 20 con em khác đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng; nhiều gia đình trong xóm cùng lúc có hai con học đại học… Ở tổ dân phố số 6, thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) khi thực hiện chủ trương đưa rau màu vụ đông vào trồng trên đất hai vụ lúa, ban đầu các hộ dân không mấy mặn mà. Ban công tác Mặt trận xác định để vận động các hộ dân thực hiện hiệu quả, trước hết gia đình cán bộ trong khu dân cư phải gương mẫu thực hiện trước. Khi 7 gia đình cán bộ, đảng viên trong khu dân cư đều thực hiện thành công, có hiệu quả cao, các hộ dân trong xóm đã hưởng ứng. Đến nay, khu dân cư đã thực hiện chuyển đổi gần 40ha đất hai lúa sang trồng rau màu, mỗi ha chuyển đổi cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm… Hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động của Ban công tác Mặt trận tổ dân phố số 6 cũng chứng minh thêm tính đúng đắn của một phương pháp tuyên truyền vận động được nhiều cán bộ làm công tác Mặt trận ở cơ sở trong tỉnh tâm niệm, đó là cách tuyên truyền, vận động hiệu quả nhất vẫn là bằng những việc làm cụ thể. Thực hiện chủ trương xoá nhà dột nát cho hộ nghèo, Ban công tác Mặt trận khu dân cư đường phố Hưng Yên, phường Quang Trung (TP Nam Định) xác định nếu chỉ trông chờ vào số tiền ủng hộ của Quỹ “Vì người nghèo các cấp” việc xây dựng nhà đại đoàn kết tặng hộ nghèo sẽ không đảm bảo chất lượng. Ban công tác Mặt trận đường phố đã vận động các hộ dân trong khu phố ủng hộ người cây luồng, viên ngói, người đóng góp ngày công. Bằng cách này, thời gian qua, khu dân cư đã làm được 6 ngôi nhà mới, đảm bảo chất lượng tặng cho hộ nghèo trên địa bàn và giúp đỡ một số hộ nghèo khác sửa chữa nhà ở. Đặc biệt, thời gian qua, nhiều Ban công tác Mặt trận trong tỉnh đã vận dụng, triển khai, hướng dẫn, tổ chức nhân dân thực hiện hiệu quả một số mô hình như “Khu dân cư tự quản không có tội phạm, ma tuý, tệ nạn xã hội”, “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, “Khu dân cư tự quản bảo đảm TTATGT”…, qua đó huy động được sức mạnh của hệ thống chính trị, mỗi gia đình, dòng họ, mỗi người dân trong khu dân cư tham gia giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc trên địa bàn…

Cần có cơ chế động viên, khuyến khích

 Công việc nhiều, trách nhiệm lớn, nhưng chế độ, chính sách dành cho đội ngũ cán bộ thôn, xóm, tổ dân phố, trong đó có đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận ở khu dân cư chưa được quan tâm đúng mức. Theo mức điều chỉnh mới đây của HĐND tỉnh,  mỗi tháng cán bộ đảm nhiệm các chức danh bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố nhận được mức trợ cấp trên dưới 500.000 đồng/tháng, tuỳ thôn, xóm, tổ dân loại một (trên 1.000 dân) hay loại hai (dưới 1.000 dân). Cán bộ là bí thư chi bộ kiêm trưởng Ban công tác Mặt trận được phụ cấp thêm 14.600 đồng/tháng; trưởng Ban công tác Mặt trận chuyên trách, trưởng các chi hội đoàn thể như chi hội trưởng chi Hội Nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên được hưởng phụ cấp 0,1 của mức lương tối thiểu, như hiện nay là tương đương với 73.000 đồng/tháng… Công việc nhiều, trách nhiệm lớn, trong khi chế độ phụ cấp quá thấp khiến nhiều người không muốn đảm nhận vai trò này. Chính vì vậy, ở nhiều địa phương trong tỉnh đang gặp khó khăn trong việc cử người đảm nhiệm các chức danh ở thôn xóm nói chung và cán bộ làm công tác Mặt trận nói riêng. Ông Mai Văn Thoán, Bí thư chi bộ xóm 2, xã Xuân Đài (Xuân Trường) cho biết, mới đây khó khăn lắm xóm 2 mới chọn được trưởng xóm. Nguyên nhân những người được lựa chọn đều thoái thác vì phải tập trung lo cho kinh tế gia đình… Ngoài mức phụ cấp quá thấp, công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ thôn, xóm, tổ dân phố hiện cũng chưa được quan tâm đúng mức. Không thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ do vậy không ít cán bộ thôn, xóm, tổ dân phố không nắm vững chủ trương, chính sách, thiếu kỹ năng dẫn đến lúng túng trong thi hành nhiệm vụ… Đặc biệt, vẫn còn hiện tượng ở một số địa phương, nguồn kinh phí nhà nước hỗ trợ các khu dân cư thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” (trước đây là 1 triệu đồng, bắt đầu từ năm 2011 là 4 triệu đồng/khu dân cư/năm) được bố trí sử dụng không đúng mục đích làm hạn chế hiệu quả thực hiện cuộc vận động trên địa bàn.

Gần dân, sát dân, đội ngũ cán bộ thôn, xóm, tổ dân phố có vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tập hợp, tuyên truyền, vận động, tổ chức nhân dân trong cộng đồng thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào, các cuộc vận động ở địa bàn khu dân cư. Bên cạnh những chuyển biến tích cực, địa bàn khu dân cư ở nhiều địa phương trong tỉnh cũng đang nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, nhất là sự gia tăng các tai, tệ nạn xã hội, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường… rất cần đến sự tham gia giải quyết hiệu quả của đội ngũ cán bộ cơ sở. Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang được các cấp, các ngành trong tỉnh tập trung thực hiện, hàng loạt công việc sẽ được triển khai thực hiện tại địa bàn khu dân cư. Để chủ trương lớn, quan trọng này được thực hiện hiệu quả cũng rất cần đến đội ngũ cán bộ thôn, xóm. Chính vì vậy, quan tâm, nâng cao chế độ, chính sách, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ ở thôn, xóm, tổ dân phố là việc làm rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay!

Duy Hưng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com