Chỉ thị về việc tăng cường chỉ đạo phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm năm 2011

08:03, 07/03/2011

LTS: Ngày 2-3-2011, UBND tỉnh đã ra Chỉ thị số 02/CT-UBND về việc tăng cường chỉ đạo phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm năm 2011. Nội dung như sau:

CHỈ THỊ
Về việc tăng cường chỉ đạo phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh
cho đàn gia súc, gia cầm năm 2011

Năm 2010, sản xuất chăn nuôi tiếp tục phát triển với tốc độ khá, đã góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: Sản lượng thịt gia súc, gia cầm tăng 6% so với năm 2009. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2010 tăng 6,1% so với năm 2009 và chiếm 37,2% giá trị sản xuất nông nghiệp. Chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng chăn nuôi trang trại, gia trại quy mô vừa và nhỏ đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh: Toàn tỉnh có 644 trang trại đạt giá trị sản lượng trên 100 triệu đồng/năm, tăng 101 trang trại so với năm 2009, trong đó có 185 trang trại đạt tiêu chí về quy mô theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tuy nhiên, do tác động không tốt của sự biến đổi khí hậu phức tạp gần đây đã gây ra nhiều dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm hậu quả khó lường; chăn nuôi trang trại, gia trại phát triển còn chậm, quy mô nhỏ, thiếu quy hoạch; trình độ kỹ thuật và quản lý còn thấp, việc ứng dụng công nghệ và các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất còn chậm, thiếu đồng bộ; năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đảm bảo…

Để phát triển chăn nuôi bền vững, an toàn dịch bệnh, có khả năng cạnh tranh, đảm bảo tốc độ tăng trưởng phù hợp và đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các ngành có liên quan triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:

1. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung theo phương thức công nghiệp gắn với quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nhằm phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững, có hiệu quả và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vật nuôi trong từng vùng sinh thái. Chính quyền các cấp phải coi đây là một trong các nhiệm vụ quan trọng hiện nay trong điều hành phát triển kinh tế của địa phương.

2. Tiếp tục áp dụng, chuyển giao có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong chăn nuôi vào sản xuất. Tuyên truyền, phổ biến các mô hình chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh và có hiệu quả kinh tế cao, có kế hoạch cụ thể nhân ra diện rộng.

3. Tăng cường dự báo tình hình phát triển chăn nuôi và khả năng biến động của giá cả thị trường về giống, thức ăn chăn nuôi, khả năng tiêu thụ và giá các loại sản phẩm để giúp người chăn nuôi chủ động trong sản xuất.

4. Quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, thức ăn chăn nuôi trên địa bàn theo Pháp lệnh Giống vật nuôi và Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 5-2-2010 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi;

Thực hiện bình tuyển, đánh giá chất lượng đực giống theo quy định tại các quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm loại thải kịp thời những đực giống không đủ tiêu chuẩn chất lượng, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

5. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác thú y, nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, góp phần bảo vệ và thúc đẩy phát triển sản xuất chăn nuôi:

5.1. Chỉ đạo và tổ chức tuyên truyền thường xuyên các quy trình về phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo Pháp lệnh Thú y; tác hại của dịch bệnh, lợi ích của việc tiêm phòng… để các hộ dân nghiêm túc thực hiện.

5.2. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm năm 2011 theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn (vụ xuân vào tháng 3, 4; vụ thu vào tháng 9, 10 và tiêm phòng bổ sung hàng tháng). Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp nhằm bảo vệ và phát triển sản xuất chăn nuôi.

5.3. Xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu tiêm phòng bắt buộc về số lượng gia súc, gia cầm phải tiêm cho từng xã, phường, thị trấn. Chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Trạm Thú y triển khai thực hiện tốt các đợt tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm đảm bảo về số lượng, đối tượng, thời gian và kỹ thuật theo đúng kế hoạch. Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm về tính pháp lý đối với số gia súc, gia cầm được tiêm phòng để làm cơ sở thanh toán tiền công tiêm và hỗ trợ những gia súc phải tiêu huỷ khi dịch xảy ra.

5.4. Chỉ đạo làm tốt công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; tăng cường công tác kiểm tra giám sát phát hiện dịch bệnh, báo cáo và xử lý kịp thời các trường hợp dịch bệnh phát sinh không để dịch lây lan ra diện rộng.

5.5. Củng cố, duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các cấp từ tỉnh đến cơ sở, phân công thành viên Ban chỉ đạo phụ trách từng địa bàn cụ thể để kiểm tra, đôn đốc cơ sở thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.

5.6. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về công tác chăn nuôi thú y, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm các quy định về tiêm phòng vắc xin, kiểm dịch động vật, kinh doanh thuốc thú y và các quy định khác về công tác chăn nuôi - thú y.

6. Chủ tịch UBND tỉnh giao:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hướng dẫn các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác quy hoạch, thường xuyên tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thành phố chủ động công tác phòng và dập dịch. Tổng kết công tác chăn nuôi - thú y, phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, xây dựng mô hình và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất; xây dựng kế hoạch tiêm phòng cho gia súc, gia cầm năm 2011;

Chỉ đạo Chi cục Thú y cung ứng đầy đủ kịp thời các loại vắc xin và vật tư đảm bảo chủng loại, chất lượng cho các địa phương; tổ chức tập huấn kỹ thuật cho lực lượng tham gia tiêm phòng; tăng cường công tác quản lý nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong sản xuất chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh.

- Sở Y tế: Chỉ đạo các cơ sở y tế trong tỉnh theo dõi tình hình sức khoẻ cho những người trực tiếp tham gia tiêm phòng và dập dịch đồng thời phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch xử lý kịp thời các trường hợp dịch bệnh phát sinh, bảo đảm an toàn cho những người tham gia tiêm phòng và sức khoẻ cộng đồng.

- Sở Tài chính bố trí kịp thời kinh phí phục vụ công tác tiêm phòng và phòng, chống dịch bệnh.

- Các ngành Công an, Công Thương, Giao thông - Vận tải, Tài nguyên - Môi trường, Báo Nam Định, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, các tổ chức đoàn thể với chức năng nhiệm vụ của mình phối kết hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai thực hiện tốt các nội dung trên.

Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan quán triệt thực hiện tốt các nội dung trên, thường xuyên báo cáo kết quả và những vấn đề phát sinh về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để có biện pháp chỉ đạo kịp thời./.

CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Tuấn
 

 

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com