Sau 30 năm đi tìm đường cứu nước, mùa xuân năm 1941, Bác Hồ của chúng ta đã trở về Tổ quốc!
Có cái gì đó giống như một câu chuyện cổ tích, kể về một chàng trai từ biệt quê hương. Anh đã ra đi, vượt qua biết bao núi cao, rừng rậm, biển cả… vượt qua biết bao thử thách, đói rét, tai ương… Và sau 30 năm ròng rã anh đã trở về, đem theo một cuốn sách quý thần kỳ…
Bến Nhà Rồng - Bảo Tàng Hồ Chí Minh |
Trong bài: “Sen của loài người”, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:
“Văn chương thế giới hay dùng chữ thần kỳ khi nói đến Hồ Chí Minh. Chỉ riêng việc “đi” của Người đã lắm nét thần kỳ. Nơi nào là nơi Người chưa đến trên thế giới?”. Ba mươi năm đi khắp các châu lục để tìm đường cứu nước. Một nhà nghiên cứu đã nói: Đó là một cuộc đi dài nhất so với mọi cuộc đi của bất cứ một anh hùng, chí sĩ nào đầu thế kỷ, và cũng có thể nói, đó là một cuộc đi dài nhất so với bất kỳ một lãnh tụ cách mạng nào trên thế giới! (1911-1941).
Đi từ Biển và Người về với Núi!
Mảnh đất Tổ quốc đầu tiên được đón bước chân Bác Hồ, là cái bản nhỏ Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Và chính ở nơi đây, trong những ngày đầu trở về Tổ quốc, Bác đã viết bài thơ:
PÁC BÓ HÙNG VĨ
Tháng 2-1941
Đại tá Dương Đại Lâm, quê ở Pác Bó kể lại: Sau cái đêm đầu tiên nghỉ lại tại nhà một đồng bào Nùng có cảm tình với cách mạng, hôm sau Máy Lỳ - người chủ nhà - dẫn Bác và mấy đồng chí vừa về nước, theo một con đường nhỏ chạy ngoằn ngoèo qua rừng, lên một ngọn núi đá. Từ bờ suối trèo lên phải qua một đoạn dốc khá dài, cây cối rậm rạp, mới lên tới cửa hang. Hang không rộng lắm, có hai ba ngách nhỏ. Trong một ngách có tảng đá khá to, bằng phẳng, sau này mọi người gác cây rồi rải lá lên làm giường nằm. Gần đấy, một con suối nhỏ chảy quanh các tảng đá, rồi đổ xuống phía dưới, tung những bọt trắng xoá. Bác hỏi, Máy Lỳ bảo: “Ở đây mọi người gọi hang này là Cốc Bó, có nghĩa là đầu nguồn!”.
Vốn là một người yêu thích thiên nhiên, Bác tỏ vẻ thích thú. Khi đi xem cảnh vật chung quanh, nhìn ngắm mãi ngọn núi đá hùng vĩ, Bác bảo với mọi người:
- Chúng ta sẽ đặt tên cho ngọn núi này là Núi Các-Mác, còn dòng suối đẹp kia, nước trong vắt bắt nguồn từ ngọn núi ra, chúng ta sẽ gọi là Suối Lê-nin!
Tất cả mọi người đều tỏ vẻ tán thưởng!
Có người nói, nghĩ đến Bác Hồ là chúng ta nghĩ ngay đến sông núi, đất nước, và chính Bác cũng là người đặt tên cho đất nước, sông núi mình. Ngọn núi Các-Mác và dòng suối Lê-nin không những là biểu tượng cho một con đường cách mạng vĩ đại mà cả dân tộc ta ngay từ đầu đã lựa chọn, mà còn làm cho vùng đất núi non này như xa rộng hẳn ra, gắn liền Việt Nam với Cách mạng thế giới!
Cũng ở hang Pác Bó này Bác Hồ còn viết bài thơ:
TỨC CẢNH PÁC BÓ
Tháng 2-1941
Đồng chí Vũ Kỳ kể lại: “Hành trang theo Bác trở về Pác Bó vẻn vẹn chỉ có một chiếc va ly xách tay bằng mây, trong đựng hai bộ quần áo đã cũ. Và tập tài liệu “Con đường giải phóng” tập hợp những bài giảng trong lớp huấn luyện ở Nậm Quang (Quảng Tây, Trung Quốc) do Bác phụ trách vừa mới kết thúc trước Tết mấy hôm”.
Về Pác Bó, Bác thường mặc bộ quần áo dân tộc Nùng, màu chàm, ống tay rộng. Thức ăn của Bác và anh em chỉ có rau bí, rau rừng, măng đắng, và ốc bắt ở suối. Tháng giáp hạt, nhân dân ăn độn ngô, Bác cũng ăn cháo, ăn ngô. Trời mưa, hang núi ướt lạnh thấu xương, từ các nhũ đá nước nhỏ giọt xuống đều đều không dứt. Để đỡ lạnh, mọi người phải đốt một đống lửa nhỏ. Nhưng thời gian này, Bác đã viết hàng chục bài thơ tuyên truyền cách mạng. Và cũng từ đây, trong hang đá đại bản doanh này, tháng 5-1941, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng ta đã họp, định ra đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc.
Hai mươi năm sau, Bác Hồ lại trở về thăm lại Pác Bó. Người viết bài thơ:
THĂM LẠI HANG PÁC BÓ
Ngày 20-2-1961
Trong bài thơ này, không một chữ nói về mình, Bác chỉ nhắc đến Đảng, đến Dân, đến non sông gấm vóc! Với người khác, khi đi xa trở lại, thường kể về những ngày đầu gian khổ, nhưng Bác thì không! Bác Hồ của chúng ta là thế đó! “Nâng niu tất cả chỉ quên mình” (Tố Hữu).
Trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến, trước sau Bác Hồ đã sống với đồng bào các dân tộc Việt Bắc trên 12 năm. Và núi rừng Việt Bắc, chiến khu của Cách mạng, cũng đã trở thành tình sâu nghĩa nặng với Đảng, với Bác Hồ, trở thành niềm tin yêu, hy vọng của cả nước trong những ngày kháng chiến gian khổ:
Nói đến Việt Bắc, là nói đến “Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào”, nói đến những an toàn khu Định Hoá (Thái Nguyên), Chiêm Hoá (Tuyên Quang) trong kháng chiến, nói đến Pác Bó đã trở thành thơ, thành Di tích lịch sử Cách mạng cho muôn đời con cháu!
*
Mùa xuân này trở lại Pác Bó thăm vùng đất “Đầu nguồn” Cách mạng, lòng chúng ta lại bồi hồi nhớ đến Bác kính yêu!
Năm 1911, một buổi sáng Nguyễn Tất Thành đã nói với một người bạn thân:
- Lê này, mình đã quyết định ra nước ngoài, đến nước Pháp và các nước khác. Mình muốn biết ở đấy họ sống và lao động ra sao, rồi sau đó sẽ trở về nước để giúp đỡ đồng bào mình.
- Cậu lấy tiền đâu để đi? Người bạn ngạc nhiên hỏi.
Nguyễn Tất Thành giơ hai bàn tay ra:
- Đây, tiền đây! Mình sẽ lao động, sẽ làm bất cứ việc gì để sống và hoạt động…
Thế rồi, chuyến đi lịch sử đã diễn ra. Ngày 5 tháng 6 năm 1911, Bến cảng Nhà Rồng tấp nập. Tàu đô đốc La-tút-sơ Trê-vin, một tàu lớn đang đón khách và lấy hàng. Một thanh niên mảnh khảnh, dáng học trò, bước đến trước viên thuyền trưởng:
- Tôi đến để làm phụ bếp. Tên tôi là Văn Ba (anh là con thứ ba trong gia đình).
Hồ Gươm. |
Và 30 năm sau, một con người đã mang hàng trăm tên, làm 12 nghề khác nhau, biết hơn 12 thứ tiếng, đã từng đi qua khắp các châu lục trên thế giới lại trở về Tổ quốc thân yêu của mình. Suốt 30 năm trời đằng đẵng, Người chỉ ước mong cái ngày hôm ấy. Đã nhiều lần, Bác tìm cách về nước, nhưng giặc Pháp giăng lưới cảnh sát dày đặc ở dọc biên giới. Trong khi đó Bác đã bị bọn thực dân Pháp và chính phủ Nam Triều kết án tử hình vắng mặt. Còn bây giờ, tình hình thế giới và trong nước có nhiều thuận lợi, phải gấp rút tìm mọi cách trở về lãnh đạo cách mạng.
Và Pác Bó, Cao Bằng, mảnh đất vùng biên giới đã có cơ sở cách mạng từ năm 1937 này, đã được Bác Hồ chọn là nơi về nước. Và thật không ngờ, ngày trở về Tổ quốc của mình lại đúng vào những ngày Tết, những ngày xuân Việt Nam. Hoa mơ nở trên những cánh rừng biên giới như lặng lẽ chào đón người con thân yêu nhất của mình, trở về với một ước mơ lớn. Nhưng thời điểm đó không phải là ngẫu nhiên, chúng ta nhớ Hội nghị thành lập Đảng ở Cửu Long (Trung Quốc) Bác cũng chọn vào ngày mùng 5 Tết Canh Ngọ. Những ngày Tết dân tộc cổ truyền, là dịp thuận lợi nhất để che mắt địch.
Ngày trở về Pác Bó, Bác Hồ của chúng ta đã 51 tuổi. Và Người lại nhắc lại hình ảnh “Hai bàn tay” trong bài thơ Pác Bó của mình:
Nhưng bây giờ không phải là hai bàn tay trắng lúc ra đi. Hai bàn tay ấy, hôm nay đã có chủ nghĩa Mác-Lênin dẫn đường, có đông đảo đồng bào, đồng chí và núi rừng cách mạng chở che.
Trước mắt Người đã là Mùa Xuân Tổ quốc, dù mới chỉ là mùa xuân trên một cánh rừng biên giới. Song thật là kỳ diệu, lịch sử đã đi những bước đi ngàn dặm, chỉ bốn năm sau, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, ngày 2 tháng 9 năm 1945. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dõng dạc tuyên bố với thế giới: Một nước Việt Nam Độc lập, Tự do, Thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ!
Non sông gấm vóc đã mở ra một thời đại mới, một thời đại mang tên Người - Thời đại Hồ Chí Minh!
Bùi Công Bính