Đảng bộ Nam Trực lãnh đạo phát triển CN-TTCN gắn với làng nghề, ngành nghề truyền thống

08:02, 16/02/2011
Sản xuất các sản phẩm cơ khí ở Cty TNHH Việt Thắng, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực).  Ảnh: Dương Đức
Sản xuất các sản phẩm cơ khí ở Cty TNHH Việt Thắng, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực).
Ảnh: Dương Đức

Với lợi thế về nguồn lực lao động cần cù, thông minh, sáng tạo và có nhiều làng nghề, ngành nghề truyền thống đa dạng, gồm nghề cơ khí, dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng, trồng hoa cây cảnh, từ nhiều năm nay, cấp uỷ và chính quyền huyện Nam Trực đã xác định phát triển CN-TTCN gắn với các làng nghề, ngành nghề truyền thống là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 24 (nhiệm kỳ 2010-2015) vừa qua đã xác định: Tiếp tục xây dựng quy hoạch và chương trình phát triển CN-TTCN, tập trung xây dựng một số doanh nghiệp mạnh, khuyến khích phát triển sản xuất CN-TTCN với tốc độ cao và bền vững, đặc biệt là 3 ngành cơ khí, dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng. Tăng cường công tác đào tạo nghề, dạy nghề, phát triển mạnh ngành nghề ở các làng nghề truyền thống và mở thêm nghề mới, coi đây là khâu đột phá để phát triển CN-TTCN của địa phương nhằm chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm trong nông thôn để phấn đấu mỗi xã trong huyện có một làng nghề trở lên…

Dưới sự lãnh đạo của BCH Đảng bộ huyện, sự điều hành quản lý của UBND huyện, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, HTX và các làng nghề, những năm qua giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện tăng trưởng cao và khá bền vững. Năm 2010, giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện đạt 947,5 tỷ đồng, tăng 19,6% so với năm 2009. Nhiều doanh nghiệp phát triển ổn định, chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, mở rộng ngành nghề sản xuất như Cty TNHH Việt Thắng, Cty TNHH cơ khí Hà Ninh, Cty TNHH Tiến Đạt, Cty cổ phần dệt may Liên Tỉnh, Trường An, Cty cổ phần gạch ngói Nam Ninh… CCN Vân Chàng (thị trấn Nam Giang) đi vào sản xuất, thu hút và giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 500 lao động. CCN Đồng Côi (thị trấn Nam Giang) với tổng vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng 27 tỷ đồng đã có 27 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất. Các làng nghề trên địa bàn huyện cũng đều sản xuất, kinh doanh ổn định và phát triển như các làng nghề cơ khí Đồng Côi, Vân Chàng (thị trấn Nam Giang), làng nghề cơ khí Bình Yên (Nam Thanh)… Đặc biệt, huyện đã mở rộng thêm các ngành nghề mới, sản xuất kinh doanh có hiệu quả như nghề thêu ren xuất khẩu của Cty cổ phần thương mại Bình Minh (xã Bình Minh) giải quyết việc làm, thu nhập cho hàng trăm lao động nông thôn… Đến nay, toàn huyện đã có 7 làng nghề, 61 doanh nghiệp CN-TTCN và 16 nghìn lao động tham gia sản xuất CN-TTCN…

Về công tác lãnh đạo phát triển CN-TTCN gắn với phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống ở địa phương, đồng chí Vũ Đức Hạnh, Bí thư Huyện uỷ Nam Trực cho biết: “Trong nhiệm kỳ 2010-2015 Đảng bộ huyện Nam Trực tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát huy sức mạnh tổng hợp và tinh thần đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị, khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhất là tập trung lãnh đạo phát triển CN-TTCN gắn với phát triển làng nghề, ngành nghề truyền thống để đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế với tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 40%, phấn đấu đưa giá trị sản xuất CN-TTCN đến năm 2015 đạt 2.450 tỷ đồng, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện tăng bình quân hàng năm 10,2%, xây dựng huyện ngày càng giàu đẹp văn minh và đời sống các tầng lớp nhân dân trong huyện không ngừng được cải thiện”…

Phạm Quốc Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com