Đại hội II của Đảng, một đại hội lịch sử

08:02, 21/02/2011

Trong quá trình 81 năm hoạt động, kể từ ngày thành lập (1930) đến nay, Đảng ta đã trải qua 11 kỳ Đại hội. Mỗi kỳ đại hội ấy đều có đặc sắc riêng nhưng đại hội nào cũng đánh dấu một chặng đường đi lên, một bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam và của bản thân việc xây dựng Đảng.

Đại hội II của Đảng, họp cách đây tròn 60 năm (tháng 2-1951) là một Đại hội có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng.

Đại hội họp đúng 15 năm sau Đại hội lần thứ nhất. Nhưng Đại hội I (1935) cũng như Hội nghị thành lập Đảng trước đó năm năm đều là những sự kiện của thời kỳ đầu dựng Đảng, thời kỳ Đảng ta ra đời và bước lên vũ đài chính trị. Đại hội II lại là Đại hội lần đầu tiên của thời kỳ Đảng ta đã giành được chính quyền toàn quốc trong Cách mạng Tháng Tám, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và trở thành Đảng cầm quyền đang lãnh đạo cuộc kháng chiến cứu nước lần thứ nhất. Đây cũng là lần đầu tiên Đảng ta, với tên gọi Đảng Cộng sản Đông Dương, sau năm năm rút vào hoạt động bí mật, đã ra công khai với tên gọi mới - Đảng Lao động Việt Nam! Đại hội II còn đánh dấu một bước thay đổi lớn về mặt tổ chức của Đảng: Đảng Cộng sản Đông Dương từ là tổ chức chung của những người cộng sản ba nước Việt, Miên, Lào, nay tiến lên thành ba tổ chức cách mạng độc lập cho mỗi nước.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn tại Đại hội lần thứ II của Đảng. Ảnh: Internet
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn tại Đại hội lần thứ II của Đảng.
Ảnh: Internet

Đại hội II tiến hành dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta. Bác Hồ nói: "Đại hội ta là đại hội kháng chiến. Nhiệm vụ chính của Đại hội là đẩy kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và xây dựng Đảng Lao động Việt Nam". Chủ đề này của Đại hội đã được nêu bật trong Báo cáo chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc cũng như trong Luận cương Cách mạng Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày.

Đại hội II thể hiện một cách sâu sắc bản lĩnh chính trị, tầm trí tuệ, tinh thần cách mạng, dân chủ kỷ luật và đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Cùng với quyết định lịch sử đưa Đảng ta ra công khai, Đại hội đã nhất trí thông qua Báo cáo chính trị và đường lối cách mạng trong giai đoạn mới của nước ta: Chính cương, Điều lệ và Tuyên ngôn của Đảng Lao động Việt Nam. Đại hội còn ra các nghị quyết về các vấn đề cụ thể: quân sự, Mặt trận dân tộc thống nhất, chính quyền, kinh tế tài chính, thi đua, đấu tranh tư tưởng...

Đảng Lao động Việt Nam ra công khai xuất phát không phải từ tự thân cuộc sống của Đảng hay vì lòng mong muốn chủ quan của một số người lãnh đạo mà trước hết là vì đòi hỏi của tình hình và lợi ích của cách mạng, của đất nước và dân tộc. Trong Báo cáo chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Chúng ta phải có một Đảng công khai, tổ chức hợp với tình hình thế giới và tình hình trong nước để lãnh đạo toàn dân đấu tranh cho đến thắng lợi. Đảng đó lấy tên Đảng Lao động Việt Nam". "Đảng Lao động Việt Nam phải là một Đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch, cách mạng triệt để. Đảng Lao động Việt Nam phải là người lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết, trung thành của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, của nhân dân Việt Nam, để đoàn kết và lãnh đạo dân tộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, để thực hiện dân chủ mới".

Người còn nói: "Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam" (1).

Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam nêu rõ: "Nhiệm vụ cơ bản hiện nay của cách mạng Việt Nam là đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược, giành độc lập và thống nhất thật sự cho dân tộc, xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, làm cho người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, gây cơ sở cho chủ nghĩa xã hội.

Ba nhiệm vụ đó khăng khít với nhau. Song nhiệm vụ chính trước mắt là hoàn thành giải phóng dân tộc. Cho nên lúc này phải tập trung lực lượng vào việc kháng chiến để quyết thắng quân xâm lược" (2).

Tuyên ngôn của Đảng khẳng định:

"Đảng Lao động Việt Nam quyết vượt mọi khó khăn, phấn đấu đến cùng để mang lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho toàn dân và cũng để giải phóng cho lao động.

... Tin ở cố gắng của toàn thể đảng viên, ở sức ủng hộ của anh chị em lao động và sự hưởng ứng của toàn thể đồng bào, Đảng Lao động Việt Nam nhất định sẽ hoàn thành nhiệm vụ:

Đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn

Phát triển chế độ dân chủ nhân dân

Góp sức giữ gìn hòa bình và dân chủ thế giới

Tiến tới chủ nghĩa xã hội" (3)

Việc Đảng ra công khai cùng đường lối, chủ trương và các chính sách đúng đắn được hoạch định tại Đại hội II có ảnh hưởng và tác động sâu sắc đến phong trào kháng chiến, kiến quốc của nhân dân ta. Ý chí và quyết tâm của Đảng nhanh chóng trở thành ý chí và quyết tâm của toàn quân, toàn dân, tạo thành sức mạnh tinh thần và vật chất to lớn để đánh thắng kẻ thù. Chưa đầy ba năm rưỡi sau Đại hội, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giải phóng hoàn toàn miền Bắc và đưa miền Bắc tiến theo con đường chủ nghĩa xã hội.

Sáu mươi năm sau Đại hội II, đất nước ta đã có nhiều thay đổi. Từng chặng đường, Cách mạng Việt Nam đều phải đương đầu với những thử thách cam go nhưng đều vượt qua và giành thắng lợi. Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến cứu nước và thắng lợi trong xây dựng hòa bình, từng bước đưa đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Những thắng lợi đó đều bắt nguồn từ sức mạnh tổng hợp của đất nước, của toàn thể nhân dân và dân tộc ta, cũng xuất phát từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, trong đó, các Đại hội của Đảng có vai trò rất quan trọng.

Đại hội XI của Đảng mới đây là đại hội của thời kỳ mới. Đất nước đã trải qua 25 năm đổi mới, 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn đã qua, Đại hội đã đề ra những quyết sách mới. Với việc thông qua Báo cáo chính trị, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, Đại hội XI thực sự cắm một dấu mốc mới trong quá trình đưa đất nước đi lên.

Mười năm tới, trước mắt là năm năm 2011-2015, chúng ta phải tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Từ đấy, chúng ta sẽ hướng tới mục tiêu cao hơn, đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, và khi kết thúc thời kỳ quá độ, nước ta sẽ xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở làm cho nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc...

Dấn bước trên con đường thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, nhớ lại Đại hội II của Đảng, chúng ta có thể nói chắc rằng, dấu ấn lịch sử Đại hội này vẫn còn in đậm.

Theo: nhandan.org.vn


(1) Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Hà Nội, 2001, T12, tr 37-38.

(2) Sđd, T12, tr 433-434.

(3) Sđd, T12, tr 476-477.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com