Suy ngẫm về nghề thầy thuốc

08:02, 25/02/2011

Thầy thuốc là người chịu trách nhiệm về phần xác và cả phần hồn của người bệnh. Một sự chậm trễ, thờ ơ của họ có thể làm chết người. Một sự cẩu thả của họ trong lời ăn tiếng nói có thể gây nỗi đau cho người khác. Và thầy thuốc thường được người ta tin cậy thổ lộ hết tâm can, những đau đớn về thể chất, tinh thần.

Công nghệ sinh học đang được các nhà khoa học ứng dụng mạnh mẽ để điều trị bệnh.  Ảnh: Internet
Công nghệ sinh học đang được các nhà khoa học ứng dụng mạnh mẽ để điều trị bệnh.
Ảnh: Internet

Có những điều người bệnh không thể nói với ai dù là cha mẹ, vợ chồng, con cái mà chỉ nói được với người thầy thuốc. Và như vậy, nhiều khi chỉ cần một câu nói, một cái nhìn, một bàn tay… của người thầy thuốc cũng đủ giải quyết vấn đề của người bệnh! Người thầy thuốc nào khi bước vào trường y cũng với tâm nguyện vì người bệnh, đó là một thiên hướng trong việc chọn nghiệp chứ không phải là một sự đầu tư.

Có lẽ chưa một lãnh tụ nào trên thế giới đưa ra lời dạy quan hệ giữa thầy thuốc với người bệnh là quan hệ “lương y như từ mẫu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hải Thượng Lãn ông cũng nói về nghề thầy thuốc nhưng là kê bảy tội của thầy thuốc trong đó tội thứ bảy là tội dốt. Gam-bi-ơ người Pháp cũng nói “bất hạnh nhất cho người bệnh là gặp phải người thầy thuốc dốt chữa bệnh cho mình”. Chính vì vậy, lời khuyên bảo của Bác vừa nhân ái, vừa sâu sắc lại dễ hiểu, vì muốn làm mẹ hiền thì một trong những tiêu chí quan trọng phải là thầy thuốc giỏi. Khi Bác nói thương yêu người bệnh như “mẹ hiền thương con” thì đó là chữ Nhân của người thầy thuốc phải đứng lên hàng đầu. Đó chính là sự đúc kết sau khi Người đã đi chiêm nghiệm ở khắp năm châu, chứng kiến được nhiều cuộc đời đau khổ của những người vướng phải căn bệnh hiểm nghèo, Người đã đúc kết lại và nêu được hình tượng cho ngành Y tế Việt Nam là “lương y như từ mẫu”. Nghề y là nghề “đặc biệt”, có thể nói nó là “dây chuyền công nghệ cao” vì tính mạng con người khâu nào cũng quan trọng, nên tất cả phải đoàn kết một lòng. Bác dạy: “Từ các Bộ trưởng, Thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành Y tế, trong việc phục vụ nhân dân…”. Lời Bác nhắc nhở đến mỗi người thầy thuốc chúng ta không thể quên tính quan trọng hàng đầu của bài học đoàn kết, trong công việc và thủ trưởng phải quý trọng nhân viên đồng nghiệp mới làm nên chuyện lớn được…

Tôi còn nhớ như in kỷ niệm ngày tháng 7-1954, chúng tôi tập trung tại một hội trường rất lớn ở Thái Nguyên sau chiến dịch Điện Biên Phủ để chỉnh huấn tham gia cải cách ruộng đất, thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ. Các học viên được chia làm hai nhóm: Một nhóm đi tham gia cải cách ruộng đất, nhóm còn lại đi tiếp quản Thủ đô Hà Nội vào trước 10 ngày chuẩn bị cho Chính phủ và quân đội chính thức vào tiếp quản Thủ đô. Bác Hồ đến nói chuyện và chỉ đồng hồ trên tay và nói nhiệm vụ của đồng hồ: “kim giờ, kim phút, kim giây đều quan trọng như nhau nên việc tiếp quản Thủ đô cũng quan trọng và cải cách ruộng đất cũng quan trọng miễn là làm gì cũng hoàn thành nhiệm vụ…”. Câu chuyện đơn giản nhưng ý nghĩa sâu sắc của nó thấm vào tâm trí chúng tôi rất lâu dài về chung sức, chung lòng, đoàn kết mới hoàn thành nhiệm vụ.

Bây giờ nền kinh tế thị trường phát triển, khoa học - kỹ thuật phát triển mạnh mẽ, nền y học ngày càng tiên tiến, nhưng bảo hiểm y tế bắt buộc theo không kịp và thu nhập đầu người còn thấp lại không có bảo hiểm thương mại nên người nghèo tuy có rất nhiều chính sách bảo đảm nhưng vẫn còn thiệt thòi trong việc hưởng dịch vụ kỹ thuật cao và chưa được đối xử nhân ái của một con người lúc hoạn nạn bệnh tật, mỗi một người thầy thuốc nên suy ngẫm lời khuyên của Bác Hồ, hãy cố gắng vượt bậc để có chữ “tâm” luôn luôn sáng khi nghĩ về người bệnh.

Một trong những bộ mặt sáng đẹp của y học, y tế Việt Nam chính là do thành tựu của y học dự phòng biểu hiện tiêm chủng mở rộng thành công đạt từ 80 đến 90% vào năm 1990, bất chấp khủng hoảng kinh tế - xã hội 1988, và duy trì cho đến nay. Chúng ta đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000; 15 năm phấn đấu đã loại trừ uốn ván sơ sinh 100% các huyện trên toàn quốc và đương phấn đấu loại trừ bệnh sởi. Thành tựu phòng, chống sốt rét cũng rất đáng tự hào; dịch tiêu chảy cấp không có tử vong và khi có bệnh được điều trị nội trú miễn phí. Trong 10 năm đầu thế kỷ 21, nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật y tế phát triển mạnh như: Hỗ trợ sinh sản, ung thư, các bệnh về tim mạch, máu… được đưa vào chữa, điều trị cho người bệnh đạt nhiều kết quả cao. Y học - y tế phục vụ chiến tranh nhân dân qua 30 năm chiến tranh giành độc lập là kinh nghiệm trường kỳ vừa xây dựng vừa phục vụ có một không hai trên thế giới về thời gian và xuất phát từ không thành có.

Tuy nhiên, vẫn còn có những điều ngành y tế chúng ta làm chưa thật tốt, như việc kết hợp điều trị đông, tây y cho người bệnh, tìm những nguồn dược liệu cây con làm thuốc từ nguồn bản địa (thí dụ: cây thanh hao hoa vàng chiết xuất ra artesiminin khống chế được sốt rét do Plasmodium kháng thuốc đủ dùng trong nước; phát huy chữa bệnh không dùng thuốc như tác động cột sống tăng lượng sữa và chữa tắc sữa…). Có làm như vậy thì y học Việt Nam mới có chỗ đứng trong y học quốc tế và đậm nét nền y học Việt Nam.

Nghề y không thể coi là một ngành kinh doanh, một mũi nhọn kinh tế, vì nếu như thế người ta sẽ nghĩ đến việc khai thác tối đa lợi nhuận trên sức khoẻ con người! Người thầy thuốc thường mất ăn mất ngủ trước một ca bệnh lý, thường bứt rứt ăn năn dài lâu trước một lỡ lầm đôi khi không sao tránh khỏi trong lúc hành nghề. Xã hội cần tôn trọng và đánh giá đúng sự đóng góp của người thầy thuốc để giúp họ sống xứng đáng với vai trò, chức năng mà xã hội đã giao phó./.

Theo: nhandan.org.vn

 


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com