Phát huy truyền thống và các thành tích đã đạt được xây dựng nền y học Việt Nam công bằng - hiệu quả - phát triển

08:02, 25/02/2011

56 năm qua, lời dạy của Bác Hồ về tình thương yêu người bệnh cũng như phương hướng xây dựng nền y học nước nhà luôn thấm sâu trong tâm trí và trở thành phương châm hành động của các thế hệ thầy thuốc, cán bộ, nhân viên ngành y tế. Các thế hệ cán bộ y tế đã không ngại khó khăn, gian khó làm nên những trang sử vẻ vang và thành tích đáng tự hào của ngành y tế Việt Nam. Phát huy truyền thống quý báu đó, những người thầy thuốc hôm nay tiếp tục xây dựng nền y tế nhân dân, nhân đạo, nhân văn, nhân bản, nhân tâm, tất cả vì sức khỏe con người - nguồn lực quý nhất của xã hội.

Trong những năm qua, cùng với quá trình đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, ngành y tế cũng trải qua những khó khăn, thách thức, nhưng công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN đã đạt được kết quả bước đầu. Tình trạng sức khỏe của người dân có những cải thiện rõ rệt, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đạt 73 tuổi. Việt Nam tiến đến gần Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với chỉ tiêu tỷ suất tử vong trẻ dưới năm tuổi, dưới một tuổi, tỷ số tử vong mẹ giảm mạnh từ những năm 1990. Năm 2009, lần đầu sau nhiều năm, ngành y tế đạt và vượt mức toàn bộ các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch do Quốc hội, Chính phủ giao. Chúng ta đã xây dựng được một mạng lưới y tế dự phòng rộng khắp từ Trung ương tới thôn, bản đã giám sát chặt chẽ, khống chế và dập dịch kịp thời, không để dịch lớn xảy ra. Đến nay, 100% số xã và 90% số thôn, bản đã có nhân viên y tế hoạt động, gần 80% số xã có bác sĩ hoạt động; gần 80% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Mạng lưới khám, chữa bệnh (KCB) từ tuyến Trung ương xuống cơ sở, cả công lập và ngoài công lập, được mở rộng và củng cố. Số giường bệnh đến năm 2010 đạt mức 20,5/10 nghìn dân. Từ các nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn ODA và vốn “xã hội hóa” các cơ sở KCB được củng cố về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đào tạo cán bộ để cung cấp dịch vụ KCB đa dạng và chất lượng hơn. Một số chính sách về nâng cao chất lượng dịch vụ được ban hành, thực hiện mang lại hiệu quả cao, như Chỉ thị 06/2007/CT-BYT và Quyết định 1816 về cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh... Nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được triển khai, như: ghép thận, ghép tim, ghép giác mạc, tế bào gốc, ghép gan, phẫu thuật nội soi... Từ năm 2005, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế và tiếp tục được duy trì mức sinh này trong năm năm qua.

Số lượng cán bộ y tế được đào tạo đã tăng lên nhanh qua các năm qua, nhất là số bác sĩ, dược sĩ đại học, điều dưỡng và kỹ thuật viên y học. Cả nước có 24 trường, khoa đại học y, dược công lập và tư thục. Hầu hết các tỉnh đều có trường cao đẳng y tế hoặc trung cấp. Phát triển đào tạo sau đại học với các học vị bác sĩ nội trú, CK1, CK2, thạc sĩ và tiến sĩ... Nhờ đó, đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật ngày một tăng, thực hiện được nhiều kỹ thuật hiện đại... Đáng chú ý tốc độ tăng chi y tế bình quân hằng năm đều tăng, tỷ trọng chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho y tế trong tổng chi NSNN tăng từ 4,8% (năm 2002) lên 10,2% (năm 2010). Năm 2008, lần đầu QH đã có một Nghị quyết về y tế, xác định bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của NSNN, dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng. Thông qua các Đề án 47 và 930 Nhà nước đã huy động vốn từ trái phiếu Chính phủ để đầu tư nâng cấp các bệnh viện tuyến huyện, liên huyện, bệnh viện tỉnh vùng khó khăn và một số bệnh viện chuyên khoa. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2010 đạt hơn 60% số dân, từng bước phấn đấu đạt mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2015. Chính sách hỗ trợ người nghèo và các nhóm yếu thế trong KCB đã có những bước tiến mới với nhiều mức thích hợp. Công tác hoạch định chính sách và chiến lược của ngành y tế đã có những bước phát triển mới. Nhiều luật, văn bản dưới luật, chiến lược, chính sách liên quan y tế đã được xây dựng và ban hành với chất lượng cao. Hợp tác quốc tế, tăng cường đối thoại với nhóm đối tác hỗ trợ y tế (HPG) và các tổ chức quốc tế tiếp tục được mở rộng và tăng cường.

Bên cạnh những thành tựu đáng tự hào đó, ngành y tế hiện đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức: Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng; Mô hình bệnh tật thay đổi; Một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng quay trở lại; Các bệnh không truyền nhiễm, tai nạn, thương tích ngày càng tăng; Các dịch bệnh mới, bệnh lạ diễn biến khó lường; các yếu tố tác động xấu đến sức khỏe ngày càng gia tăng. Trong khi đó, khả năng đáp ứng của ngành y tế vẫn còn hạn chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đồng bộ; cán bộ y tế còn thiếu, trình độ chưa cao, cơ cấu và phân bổ chưa hợp lý; chi tiêu công cho y tế còn thấp; một số cơ chế chính sách ngành còn chậm đổi mới. Thách thức trong việc xây dựng một hệ thống y tế theo hướng công bằng và hiệu quả trong bối cảnh nền kinh tế thị trường với sự phân hóa giàu nghèo ngày càng tăng; giữa phát triển y tế cơ sở với việc phát triển y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao để nâng cao trình độ và chất lượng dịch vụ y tế Việt Nam sớm theo kịp khu vực và quốc tế.

Phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại, nắm bắt thời cơ, ngành y tế quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, tập trung vào một số phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2011 và giai đoạn 2011-2015, từng bước xây dựng nền y tế phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Theo đó, ngành tiếp tục kiện toàn tổ chức, hoàn thiện và ổn định mô hình tổ chức hệ thống y tế các tuyến. Củng cố, phát triển và nâng cao năng lực mạng lưới y tế cơ sở, mạng lưới y tế dự phòng. Hoàn thiện mạng lưới quản lý an toàn thực phẩm; mạng lưới DS-KHHGĐ; mạng lưới phòng chống HIV/AIDS. Phát triển nhân lực y tế bằng tăng đào tạo bảo đảm đủ cán bộ với cơ cấu và phân bổ hợp lý; nâng cao chất lượng cán bộ y tế thông qua nâng cấp các cơ sở đào tạo, nâng cao chất lượng giảng viên, đổi mới chương trình, tài liệu và phương pháp giảng dạy. Có chính sách đãi ngộ hợp lý để huy động cán bộ y tế làm việc ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục thực hiện chế độ điều động luân phiên cán bộ y tế từ tuyến trên về tăng cường cho y tế tuyến dưới. Tập trung xây dựng, hoàn thiện trung tâm y tế chuyên sâu ở các khu vực; áp dụng các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến về tim mạch, nội soi, chỉnh hình, ghép tạng... để đáp ứng nhu cầu đa dạng, chất lượng cao của người bệnh, tiến tới cân bằng xuất nhập khẩu dịch vụ y tế.

Tăng cường phát triển công nghiệp dược trong nước, đáp ứng nhu cầu thuốc khám, chữa bệnh của nhân dân, nhất là các thuốc thiết yếu. Đồng thời triển khai các giải pháp quản lý chất lượng thuốc, giá thuốc, bảo đảm sử dụng thuốc an toàn, hợp lý. Tăng cường sản xuất trang thiết bị y tế trong nước, trước mắt là các loại thông dụng; từng bước đẩy mạnh sản xuất trang thiết bị y tế công nghệ cao. Tiếp tục đầu tư ngân sách nhà nước cho y tế (gồm cả nguồn trái phiếu Chính phủ), ưu tiên phân bổ ngân sách cho miền núi, vùng sâu, vùng xa, y tế cơ sở, y tế dự phòng và để thực hiện các chính sách xã hội liên quan đến chăm sóc sức khỏe. Mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn viện trợ nước ngoài dành cho y tế. Phát triển BHYT, tiến tới BHYT toàn dân; nâng cao chất lượng phục vụ người có BHYT trong khám, chữa bệnh. Đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính ngành y tế. Tiếp tục huy động các nguồn đầu tư của xã hội cho y tế, đồng thời có những điều chỉnh chính sách phù hợp để hạn chế tác động mặt trái của các chính sách xã hội hóa đối với ngành y tế. Tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống chính sách, pháp luật y tế; hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các lĩnh vực khác nhau của ngành, làm cơ sở để chấn chỉnh và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Xây dựng và kiện toàn hệ thống thanh tra y tế đủ năng lực để thực hiện chức năng nhiệm vụ theo quy định.

Kiên quyết giữ bản chất tốt đẹp của chế độ ta trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng một nền y tế “công bằng - hiệu quả - phát triển”, vì dân, nhất là trẻ em, người nghèo, người trong diện chính sách, miền núi, vùng khó khăn. Đó chính là phương châm và mục tiêu hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngành y tế trong suốt quá trình công tác./.

Nguyễn Quốc Triệu
(Bộ trưởng Bộ Y tế)
Theo: nhandan.com.vn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com