(Trao đổi giữa PV Báo Nam Định với đồng chí Đặng Thị Minh,
Giám đốc Sở Y tế về thành tựu đạt được trong năm 2010 và những giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân)
PV: Xin đồng chí cho biết những thành tựu nổi bật của ngành Y tế tỉnh trong năm 2010?
Đồng chí Đặng Thị Minh: Năm 2010 trong điều kiện thời tiết, môi trường, tình hình dịch bệnh trong nước diễn biến phức tạp nhưng với tinh thần nỗ lực, phấn đấu vươn lên của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, ngành Y tế tỉnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Toàn ngành đã tích cực, chủ động phòng chống dịch bệnh, phát hiện sớm ổ dịch tả diễn ra từ ngày 21 đến 29-6-2010 với 26 người nhiễm bệnh tại Trực Thái (Trực Ninh), tổ chức khoanh vùng xử lý kịp thời, không để lây lan. Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được thực hiện tốt. Chương trình tiêm chủng mở rộng triển khai tới tận cộng đồng dân cư, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt 98%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 15,96%. Công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản, các chương trình y tế trường học và cộng đồng có những bước tiến đáng kể. Công tác dân số kế hoạch hoá gia đình đã đạt kết quả khả quan, tỷ lệ sinh giảm 0,22%0 so với năm 2009 (chỉ tiêu kế hoạch là giảm 0,15-0,2%0). Chất lượng khám chữa bệnh của các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh đã được nâng lên. Số lần khám bệnh bình quân đạt 2,5 lần/người/năm, giảm tai biến trong điều trị. Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận tốt những kỹ thuật tiên tiến do bệnh viện tuyến Trung ương về hỗ trợ chuyển giao trên các lĩnh vực Ngoại khoa, Nội khoa, Chuyên khoa, lâm sàng và cận lâm sàng; góp phần giảm 30% số bệnh nhân chuyển tuyến. Năm 2010, bệnh viện đa khoa tỉnh đã thực hiện hơn 1.000 ca phẫu thuật nội soi. Các phẫu thuật ung thư dạ dày, đại tràng, tử cung và nhiều kỹ thuật khó được triển khai thành công như phẫu thuật chấn thương sọ não nặng ở trẻ em, thay khớp háng toàn phần, phẫu thuật cột sống, lồng ngực, các trường hợp đa chấn thương vỡ tạng... Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố và hoàn thiện, đến nay có 204/229 trạm y tế xã, phường đạt chuẩn quốc gia, bằng 89,08%. Các chế độ chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo, đối tượng chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi… được các đơn vị thực hiện tốt; tinh thần thái độ trong phục vụ bệnh nhân đã có những chuyển biến tích cực.
Sử dụng trang thiết bị hiện đại phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Ảnh:
Dương Đức
|
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành Y tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Công tác giám sát, báo dịch của y tế cơ sở còn chậm, trong khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp với những biến chủng vi rút kháng thuốc. Nguồn nhân lực đang thiếu nghiêm trọng, nhưng tỉnh, ngành chưa có chính sách hiệu quả để thu hút các bác sĩ giỏi. Ở một số đơn vị, cán bộ quản lý còn yếu về năng lực điều hành, tinh thần thái độ của một số thầy thuốc trong phục vụ người bệnh chưa đúng mực, vẫn còn hiện tượng thu phí ngầm. Một số bệnh viện cơ sở vật chất rất thiếu thốn, trang thiết bị lạc hậu, chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.
PV: Xin đồng chí cho biết, để khắc phục những tồn tại kể trên, ngành Y tế tỉnh đã có những giải pháp gì?
Đồng chí Đặng Thị Minh: Mục tiêu của ngành Y tế trong những năm tiếp theo là giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, nâng cao sức khoẻ, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng giống nòi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng phát triển hệ thống y tế đồng bộ, bền vững; đẩy mạnh công tác xã hội hoá y tế. Nhiệm vụ trọng tâm bao gồm chủ động phòng chống dịch bệnh; thực hiện tốt các chương trình mục tiêu y tế quốc gia; nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh, đẩy mạnh ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến vào công tác khám, chẩn đoán, điều trị… Để thực hiện tốt mục tiêu đó, giải pháp quan trọng, có ý nghĩa xuyên suốt là tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, mỗi thầy thuốc, nhân viên y tế trong ngành phải thấm nhuần và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “Lương y phải như từ mẫu”. Thực hiện tốt Đề án quy hoạch phát triển ngành Y tế đã được UBND tỉnh phê duyệt, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực ở cả 3 tuyến: tỉnh, huyện, xã. Tiếp tục triển khai tốt Đề án 1816 về tăng cường cán bộ, hỗ trợ kỹ thuật cho bệnh viện tuyến huyện và trạm y tế xã, chú trọng đầu tư cho y tế xã, đặc biệt là các xã khó khăn. Tăng cường công tác truyền thông, phổ cập kiến thức chăm sóc sức khoẻ tới cộng đồng; tiếp tục đầu tư nâng cấp các cơ sở khám chữa bệnh và các đơn vị dự phòng. Đề xuất các chế độ ưu đãi để thu hút cán bộ giỏi về tỉnh làm việc. Tăng cường đầu tư phát triển, triển khai các dự án đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Đẩy mạnh xã hội hoá y tế, khuyến khích phát triển y tế ngoài công lập. Toàn ngành hiện có 836 bác sĩ (tuyến tỉnh 335, tuyến huyện 318, tuyến xã 183), đạt tỷ lệ 4,42 bác sỹ/1 vạn dân, so với yêu cầu, còn thiếu 178 bác sĩ. Tháng 12-2010 ngành Y tế đã xây dựng kế hoạch tuyển 63 bác sĩ, nhưng chỉ tuyển được trên 50% chỉ tiêu. Để khắc phục tình trạng thiếu bác sỹ hiện nay, ngành đã thực hiện các giải pháp như: Tiếp nhận ngay các bác sĩ mới ra trường, phân công nhiệm vụ theo nguyện vọng và trả lương theo ngạch bậc 1 (85% lương), thực hiện các chế độ khác và đóng BHXH để họ yên tâm công tác. Bên cạnh đó, ngành dành chỉ tiêu tuyển dụng y sĩ đa khoa và tạo điều kiện cho viên chức đi học tập trung 4 năm theo 2 hình thức: Đào tạo theo kế hoạch và đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Dự tính đến năm 2020 ngành sẽ tiếp nhận 300 bác sĩ được đào tạo liên thông, 350 bác sĩ được đào tạo chính quy. Ngành Y tế tỉnh đề nghị UBND tỉnh có cơ chế tuyển thẳng vào biên chế các bác sĩ mới ra trường có nguyện vọng về tỉnh công tác, không phải chờ đợi theo kỳ tuyển dụng như hiện nay. Tạo điều kiện cho bác sĩ đi học chuyên khoa cấp I, II, thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành, không khống chế thời gian. Dành nguồn kinh phí đào tạo thích hợp cho ngành Y tế, nhằm đào tạo đủ nguồn nhân lực kỹ thuật cao và đào tạo nhân tài, kể cả cử cán bộ trẻ có năng lực đi học ở nước ngoài. Tiếp tục chỉ đạo và phê duyệt “Đề án phối hợp đào tạo bác sĩ, dược sĩ đại học hệ chính quy và hệ liên thông theo địa chỉ sử dụng của tỉnh” của Sở Y tế.
Cùng với các giải pháp trên, trong nghề y thì đạo đức nghề nghiệp phải được đưa lên hàng đầu. Để giữ gìn và nâng cao đạo đức của người thầy thuốc, cần phải có những giải pháp đồng bộ; trong đó có ba vấn đề quan trọng nhất và gắn bó chặt chẽ với nhau: Đó là công tác quản lý thầy thuốc mà chủ yếu là những thầy thuốc hoạt động trong các quy trình khám chữa bệnh; Thực hiện chính sách chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người thầy thuốc và công tác giáo dục, đào tạo người thầy thuốc. Ngoài ra, trong năm 2011 và những năm tiếp theo, ngành Y tế tăng cường công tác cải cách hành chính, trước hết là cải cách thủ tục, quy trình khám chữa bệnh trong bệnh viện, tạo thuận lợi cho việc khám chữa bệnh của bệnh nhân, từ khâu khám bệnh, làm các xét nghiệm... đặc biệt là khâu thu phí hoặc làm các thủ tục bảo hiểm y tế cho người có thẻ bảo hiểm, khâu miễn phí cho người nghèo... Tăng cường công tác giáo dục chính trị trong ngành, gắn với thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, hoàn thiện và thực hiện chuẩn mực đạo đức của người thầy thuốc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là Quy chế thực hiện dân chủ trong các bệnh viện công lập, ban hành kèm theo Quyết định số 44/2007/QĐ-BYT ngày 12-12-2007 của Bộ Y tế. Tăng cường công tác quản lý bệnh viện, áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý khám chữa bệnh, quản lý tài chính, thực hiện việc tự chủ về tài chính theo Nghị định 43 của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính nhằm tăng thu nhập ngoài lương, nâng cao đời sống cho cán bộ, viên chức trong đơn vị. Các đơn vị sự nghiệp y tế, đặc biệt là các bệnh viện triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 75 của Sở Y tế về tổ chức thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế ban hành kèm theo Quyết định số 29/2008/QĐ-BYT ngày 18-8-2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Phát động phong trào thi đua thực hiện ứng xử văn minh của cán bộ y tế là một trong những biện pháp quan trọng nhằm nâng cao y đức, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: Lương y phải như từ mẫu.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!