Bốn năm qua, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã trở thành một sự kiện chính trị lớn, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Hình ảnh và tấm gương đạo đức vì nước, vì dân của Bác Hồ, đã đi sâu vào lòng tin yêu, kính trọng của toàn Đảng, toàn dân ta.
Nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nói đến biết bao câu chuyện cảm động về một cuộc đời cách mạng, vì nước, vì dân. Mỗi câu chuyện về Bác, là một bài học cho mọi thế hệ người Việt Nam chúng ta. Mùa Xuân này nhớ Bác, chúng ta lại nhớ đến câu chuyện “Tết Độc lập đầu tiên, Bác Hồ đến chúc Tết một viên chức ngân hàng thanh liêm”.
Năm nào cũng thế, trong giờ phút thiêng liêng của đêm giao thừa, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian đi chúc Tết các vị cách mạng lão thành, các nhân sĩ, trí thức, các gia đình liệt sĩ tiêu biểu, các nhà kinh doanh giỏi. Bác cũng đã đến chúc Tết một số gia đình lao động nghèo, tìm hiểu đời sống của nhân dân lao động, đến thăm trường Thương binh hỏng mắt, thăm trại trẻ mồ côi và tặng quà Tết cho các cháu nhi đồng...
Đêm giao thừa Xuân Bính Tuất 1946, ngày Tết Độc lập đầu tiên của nước ta. Trời giá lạnh. Ăn cơm tối xong, Bác Hồ đến chỗ đồng chí Trần Duy Hưng, Chủ tịch thành phố Hà Nội. Bác bảo đồng chí Trần Duy Hưng đưa Bác đi thăm và chúc Tết một số gia đình nghèo ở các xóm lao động.
Sau đó, Bác bảo đồng chí Chủ tịch thành phố đưa Bác đến nhà một viên chức già ở phố Hàng Vải. Chủ nhà là một viên chức làm ở ngân hàng từ chế độ cũ, có tiếng là thanh liêm, được nhiều người dân khen ngợi.
Xe ô tô đỗ ở bên ngoài đầu phố, Bác và đồng chí Trần Duy Hưng cùng mấy anh em bảo vệ đi bộ vào trong ngõ. Gần đến giờ giao thừa, các gia đình đã tập trung trước ban thờ, nhà nào cũng có bánh chưng, mâm ngũ quả, khói hương thơm ngát cùng với cành hoa đào đang bừng nở. Nhân dân vui đón cái Tết Độc lập đầu tiên của mình trong không khí phấn khởi, đầm ấm.
Đây đó đã có tiếng pháo nổ mừng Xuân mới!
Đến đúng số nhà, Bác dừng lại. Đồng chí bảo vệ khẽ gõ cửa!
Cửa mở, chủ nhà ngập ngừng ra đón khách. Mọi người trong nhà đều đứng dậy nhường chỗ cho khách.
Ông viên chức ngân hàng của chế độ cũ nhận ra ngay Bác Hồ, và đồng chí Chủ tịch thành phố. Ông nhìn những người bảo vệ đi theo Bác, rồi sợ quá, đột ngột quỳ xuống giữa nhà, chắp hai tay vái Bác:
- Lạy Cụ, con có tội gì, xin Cụ rủ lòng thương dạy bảo cho!
Bác Hồ tươi cười, cúi xuống đỡ ông ta dậy. Người ôn tồn nói:
- Ông đừng sợ! Được biết ông là một viên chức ngân hàng thanh liêm. Đêm giao thừa, tôi và đồng chí Chủ tịch thành phố đến chúc Tết ông và gia đình ta.
Bất ngờ trước vinh dự lớn lao này, ông viên chức già và cả gia đình cứ đứng ngây ra nhìn Bác, cảm động, mãi mới nói nên lời:
- Thưa Cụ, con làm việc với Tây đã hơn 20 năm, chưa bao giờ được một ông “xếp” đến thăm. Thế mà hôm nay, ngày Tết lại được Cụ Chủ tịch nước đến nhà...
Rồi ông xúc động quá, những giọt nước mắt trào ra, cứ đứng nhìn Bác Hồ mãi không nói được nữa.
Bác Hồ bắt tay ông, thăm hỏi mọi người trong gia đình, rồi nói:
- Tôi còn phải đi chúc Tết nhiều nơi nữa. Chúc gia đình ta một năm mới mạnh khoẻ, thắng lợi - Bác nắm tay ông viên chức thanh liêm và nói tiếp - Bây giờ, nước ta đã độc lập, làm việc cho Chính phủ là làm cho mình, làm cho nhân dân, lại càng phải thanh liêm hơn!
Bác Hồ và đồng chí Chủ tịch thành phố đã đi khuất, nhưng mọi người trong gia đình vẫn đứng trước cửa nhìn theo mãi. Thật không ngờ, trong cái Tết Độc lập đầu tiên này, hạnh phúc lại đến với ông, một viên chức bình thường của chế độ cũ.
Không chỉ có mình ông, mà cả gia đình ông cũng xúc động, bất ngờ trước một hạnh phúc to lớn đã đến với gia đình mình trong giờ phút thiêng liêng của đêm giao thừa này!
Ông tự nói với mình: Thật không ai ngờ được. Cụ Hồ lại đến nhà ta...!
*
Cụ Hồ thương yêu mọi người, và đối với con người, bên cạnh tài năng, Người đặc biệt chú ý đến phẩm chất, đạo đức, lòng trung thực, thanh liêm, dù đó là một đồng chí lãnh đạo hay một con người bình thường. Thậm chí, người đó đã có thời kỳ làm việc cho chế độ cũ, quan lại, binh lính hay một vị khâm sai đại thần... nhưng có lòng yêu nước, là một con người trong sạch là được Bác Hồ yêu quý, dìu dắt.
“Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng bác ái”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói như vậy, và chính Người là biểu tượng, là tinh hoa của lòng khoan dung, nhân ái Việt Nam. Bác Hồ bao giờ cũng đặt niềm tin vào phần tốt đẹp, vào sự trong sạch của mỗi con người. Từ đó, Người nhắc nhở chúng ta: “Phải biết làm cho phần tốt đẹp trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi.
Chúng ta biết, trong kháng chiến chống Pháp Bác Hồ đã chỉ thị cho Bộ Tài chính cấp cho mỗi người lính Pháp bị bắt 200 đồng mỗi tháng, trong khi bộ đội ta chỉ có 150 đồng. Bác nói: Ta có thể chịu kham khổ được, nhưng với tù binh họ cần phải được rộng rãi hơn. Một lần đến thăm trại tù binh trong chiến dịch biên giới, thấy một đại uý quân y Pháp đang run lên vì lạnh, Người đã cởi chiếc áo mình đang mặc trao cho anh ta.
Cụ Hồ thương yêu mọi người. Cụ thương từng người và tất cả, như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Thương yêu tất cả, chỉ quên mình!”.
Lại nhớ, khi đọc bài giới thiệu những tập sách “Người tốt - Việc tốt” của đồng chí Hà Huy Giáp. Khi đọc dòng chữ: “Mỗi con người là một bông hoa đẹp”, Bác đã lấy bút đỏ viết thêm: “Cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp!”.
Đó cũng chính là mong ước lớn của Bác kính yêu!
Bùi Hải Bình