Ủy ban MTTQ xã Nam Dương (Nam Trực) họp rút kinh nghiệm về việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ chủ chốt của xã.
Ảnh:
Đức Hoa
|
Đến nay, MTTQ cấp cơ sở trong tỉnh đã hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ đang đảm nhiệm các chức danh chủ chốt tại xã, phường, thị trấn năm 2010 gồm chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.
Trước đó, để đảm bảo việc lấy phiếu tín nhiệm đạt kết quả, đúng mục đích, yêu cầu, Ban TVTU đã ban hành Chỉ thị số 02-CT/TU, nêu rõ “Việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt cấp xã phải thực sự dân chủ, đúng quy trình, quy định và bảo đảm sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, có sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền cùng cấp, các ngành liên quan và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc. Tránh tư tưởng lợi dụng dân chủ, gắn lợi ích cá nhân để gây mất đoàn kết nội bộ”. Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh cũng đã xây dựng Kế hoạch, hướng dẫn chi tiết MTTQ các huyện, thành phố, MTTQ các xã, phường, thị trấn trong quá trình thực hiện. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh uỷ, các huyện uỷ, thành uỷ trong tỉnh đã ban hành các Chỉ thị chỉ đạo các địa phương thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ chủ chốt cơ sở. MTTQ các huyện, thành phố phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của việc lấy phiếu tín nhiệm từ đó tích cực tham gia thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ cơ sở trực tiếp tham gia tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm, trong đó có đội ngũ cán bộ Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư nắm rõ mục đích, yêu cầu và quy trình thực hiện. Tại hơn 3.400 khu dân cư trong tỉnh, những người được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm đã kiểm điểm trước nhân dân về phẩm chất, tư cách, đạo đức, việc thực hiện trách nhiệm được giao đồng thời nghe ý kiến đóng góp, nhận xét của nhân dân. Hầu hết các ý kiến đều tập trung vào nhận xét, đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, giải quyết các vấn đề cụ thể, thiết thực ở địa phương của cá nhân cán bộ, nêu rõ những ưu điểm, chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục. Sau hội nghị kiểm điểm, đóng góp ý kiến, nhận xét ở khu dân cư, thường trực Uỷ ban MTTQ các xã, phường, thị trấn đã tổ chức, chủ trì hội nghị lấy phiếu tín nhiệm cán bộ chủ chốt. So với các lần trước, thành phần tham gia bỏ phiếu tín nhiệm lần này được mở rộng hơn, gồm các thành viên Ủy ban MTTQ xã, phường, thị trấn; uỷ viên ban thường vụ các tổ chức chính trị - xã hội địa phương; trưởng ban thanh tra nhân dân, trưởng ban giám sát đầu tư cộng đồng địa phương; bí thư chi bộ, trưởng thôn, xóm, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận các khu dân cư. Kết quả, hầu hết những cán bộ chủ chốt ở cơ sở được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm đạt từ 70% số phiếu tín nhiệm trở lên, nhiều cán bộ đạt 100%. Toàn tỉnh chỉ có 3 trường hợp đạt dưới 50% số phiếu tín nhiệm. Riêng huyện Hải Hậu có 29 chủ tịch, 22 phó chủ tịch HĐND xã, thị trấn đạt từ 90-100%; có 27 chủ tịch, 37 phó chủ tịch UBND xã, thị trấn đạt từ 70-100%, 1 phó chủ tịch UBND đạt 68,3%. Huyện Trực Ninh có 77 chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, thị trấn đạt từ 70-100%, 1 phó chủ tịch HĐND đạt dưới 70%, không có cán bộ đạt dưới 50% số phiếu. Huyện Mỹ Lộc có 29 chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, thị trấn đạt từ 70-100%, có 2 người đạt từ 50-70%. Huyện Nghĩa Hưng có 82 chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, chủ tịch, phó chủ tịch UBND đạt từ 80-100%, trong đó có 27 người đạt 100%.
Nhìn chung, việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ chủ chốt ở cơ sở đã được các địa phương thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, quy định, kết quả cơ bản phản ánh đúng tình hình thực tế. Đa số cán bộ chủ chốt ở cơ sở nhận được sự tín nhiệm cao của nhân dân cho thấy những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở tỉnh ta thời gian qua, cũng như ý thức rèn luyện, phấn đấu, vươn lên hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao của đội ngũ cán bộ cơ sở. Quy chế dân chủ ở cơ sở thông qua đó được phát huy, có tác dụng động viên, khích lệ cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhắc nhở, phê phán những cán bộ còn hạn chế về phẩm chất, năng lực, uy tín. Đồng chí Nguyễn Xuân Nghinh, Bí thư Huyện uỷ Giao Thuỷ cho biết, kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm của nhân dân là cơ sở quan trọng để cấp uỷ, chính quyền cấp trên đánh giá về phẩm chất, năng lực thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ cơ sở, từ đó có định hướng trong việc đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng chí Cao Đức Thiệp, Chủ tịch UBND xã Hải Lộc, người vừa nhận được 100% số phiếu tín nhiệm của nhân dân cho rằng, qua việc được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm của nhân dân giúp cho cán bộ cơ sở chúng tôi nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình, từ đó tích cực học tập, rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực, phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, gần dân hơn, lắng nghe, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn…
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn có những địa phương thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm một cách qua loa, nặng tính hình thức, mục đích, yêu cầu đề ra do vậy không đạt được. Đồng chí Trần Sỹ Ngoạn, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện Mỹ Lộc cho biết, do không làm tốt công tác tuyên truyền, ở một số địa phương trong huyện tỷ lệ người dân tham gia hội nghị kiểm điểm, đóng góp ý kiến ở khu dân cư còn thấp. Các ý kiến nhận xét, đóng góp cho cá nhân các cán bộ chủ chốt còn nặng việc biểu dương, ít có các ý kiến mạnh dạn, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm giúp cán bộ khắc phục, sửa chữa. Nhiều cán bộ được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm không bố trí thời gian dự đầy đủ các buổi họp dân ở các khu dân cư trên địa bàn, nhiều cuộc họp chỉ có đại diện một cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm đến dự, dẫn đến cán bộ chủ chốt không tiếp thu được đầy đủ ý kiến nhận xét, đánh giá của nhân dân.
Xã, phường, thị trấn là cấp cơ sở, cấp trực tiếp thực hiện các chủ trương, chính sách, các phong trào, các cuộc vận động. Để chủ trương, chính sách được thực hiện hiệu quả ở cơ sở, cần có đội ngũ cán bộ chủ chốt có đủ phẩm chất, năng lực thực thi nhiệm vụ chỉ đạo, quản lý, tổ chức, điều hành. Bên cạnh những chuyển biến tích cực, nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc cũng đang phát sinh từ cơ sở đòi hỏi sự tham gia giải quyết hiệu quả của hệ thống chính trị cơ sở, nhất là vai trò của những cán bộ chủ chốt trong bộ máy chính quyền. Chính vì vậy, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở có đủ phẩm chất, năng lực luôn là một yêu cầu cần thiết. Muốn vậy trước hết phải làm tốt việc đánh giá cán bộ, trong đó lấy phiếu tín nhiệm của nhân dân là một trong những biện pháp đánh giá đảm bảo tính sát thực. Thông qua kết quả việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ chủ chốt ở cơ sở năm 2010 và các năm trước đây cho thấy, đây là một sinh hoạt chính trị quan trọng, qua đó nhân dân đã thể hiện rõ đồng thời phát huy vai trò của mình trong việc tham gia xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, thực sự của dân, do dân và vì dân./.
Trần Duy Hưng